Kinh tế phục hồi ngoạn mục, tiếp tục đối mặt nhiều thách thức lớn
Kinh tế phục hồi ngoạn mục
Phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức" đã khai mạc chiều 17/12 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Phát biểu tại Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, sau 2 năm 2020 - 2021 tập trung thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế", năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện; các cân đối lớn luôn được đảm bảo, nền tảng vĩ mô ổn định, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, bất ổn, nhiều nền kinh tế suy giảm tăng trưởng.
Kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng cao trên 8%, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra. Xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đã tăng hơn 13,4%, cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 11 tháng tăng 8,6%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,9%. Tiêu dùng trong nước tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 11 tháng đầu năm 2022 tăng tới 17,5%...
Mặc dù Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ, củng cố năng lực phục hồi cho doanh nghiệp, trong đó có các chính sách miễn giảm thuế, phí..., song tổng thu ngân sách đến hết tháng 11/2022 đã vượt 16,1% dự toán và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. N
“Kinh tế Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19 và phục hồi ngoạn mục”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Vẫn còn nhiều thách thức
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng lưu ý về khó khăn thách thức lớn, thậm chí lớn hơn trước, mà nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phải đối mặt.
Chẳng hạn, sự suy yếu nhanh chóng của tổng cầu thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp lên các đơn hàng sản xuất trong nước; chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lần đầu tiên chỉ đạt 47,4 điểm, giảm dưới ngưỡng trung bình 50 điểm sau 13 tháng liên tiếp ở mức cao.
Hệ lụy kéo theo là ở một số lĩnh vực, nhiều người lao động đã bị mất việc làm. So với cùng kỳ năm 2021, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp khai khoáng tháng 11/2022 giảm 10%, ngành sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 6,2%...
Cán cân thương mại dịch vụ vẫn đang bị mất cân đối ngày càng lớn. Tỷ giá và lãi suất trong mấy tháng gần đây có những bước tăng đột biến, phản ánh mức độ căng thẳng thanh khoản trên thị trường tài chính ngân hàng.
Giải ngân đầu tư công thấp, 11 tháng ước chỉ đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Điều này tạo nên nghịch lý nền kinh tế thì thiếu vốn trong khi nguồn lực khá lớn của nhà nước lại không thể đưa vào lưu thông trong nền kinh tế.
Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn?
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt câu hỏi: Phải làm thế nào để tháo gỡ được những khó khăn và thách thức đó?
Thủ tướng đề nghị tất cả hệ thống phải vào cuộc để giải quyết những vấn đề tồn tại đang chi phối đến sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô.
Những phát sinh gây ra những lúng túng trong giải quyết như chứng khoán phục hồi chưa bền vững, trái phiếu doanh nghiệp còn rủi ro, thanh khoản và cung ứng tiền chưa đáp ứng được nhu cầu, thị trường bất động sản đang bị ách tắc, xăng dầu không đủ cung ứng… là do quá trình vận hành nền kinh tế còn nhiều khuyết điểm. Cần có sự nhận diện và giải pháp xử lý cho phù hợp để làm lành mạnh hóa các thị trường trên cơ sở phát triển bền vững.
Được biết, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần này được tổ chức nhằm tập trung thảo luận về những vấn đề cốt lõi, vừa mang tính cấp bách vừa có tính chiến lược, dài hạn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Trước khi diễn ra Phiên toàn thể, trong sáng 17/12 đã diễn ra đồng thời 4 hội thảo chuyên đề tập trung thảo luận sâu về các chủ đề: “Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới”; “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”; “Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công”; Phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội”.
Bình Minh