Kinh tế Nga suy thoái vì bất ổn Ukraine
Hãng tin AP cho biết, mặc dù tình hình kinh tế không khả quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn được sự tin tưởng lớn thông qua các chỉ số ủng hộ cao. Thiệt hại kinh tế đến nay chưa có khả năng làm mềm quan điểm chính trị của ông trong khu vực giai đoạn này, các nhà phân tích nói.
Trong dự đoán chính thức lần đầu tiên được đưa ra về sự tác động của biến cố ở Ukraine vào tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Kinh tế Alexei Ulyukayev đã công bố hôm thứ Tư (16/4) rằng chỉ số phát triển kinh tế Nga chỉ đạt 0.8% trong quý đầu tiên của năm 2014. Con số này thấp hơn nhiều so với dự đoán trước đó là 2,5%. So với quý trước, kinh tế Nga giảm sút 0,5%.
“Tình hình quốc tế cấp bách trong hai tháng qua” và “vốn bốc hơi trầm trọng” là những nguyên nhân đổ lỗi cho sự trì trệ này, ông Ulyukayev nói với quốc hội Nga.
Binh lính Ukraine có mặt tại miền đông đất nước trong chiến dịch dẹp yên bạo loạn mà Kiev đổ lỗi do Nga gây ra. |
Thị trường Nga đã bị chấn động trước những căng thẳng với nước láng giềng Ukraine, nơi Nga đã sáp nhập Crimea vào hồi tháng trước. Các chỉ số chứng khoán chính giảm mạnh 10% trong tháng Ba, triệt tiêu hàng tỷ USD vốn hóa thị trường. Trong ba tháng đầu tiên của năm 2014, đồng rúp mất giá 9% so với đồng USD, khiến hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn. Trong khi các nhà đầu tư hoảng sợ kéo dòng vốn trị giá 70 tỷ USD ra khỏi Nga, nhiều hơn cả năm 2013 cộng lại.
Mối quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư là việc Liên minh châu Âu và Mỹ có thể leo thang các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, làm ảnh hưởng đến thương mại, đặc biệt là ở các thị trường năng lượng có giá trị của nước này. Châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Khu vực này mua đến 3/4 tổng lượng dầu thô và khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Nga, doanh thu từ dầu này cung cấp gần một nửa ngân sách cho Nga.
Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU chỉ giới hạn ở các chính trị gia và doanh nhân Nga có quan hệ gần gũi với điện Kremlin. Nhưng khả năng trừng phạt cứng rắn hơn cũng đã đủ để cản trở đầu tư, khiến nó giảm 4,8% trong quý đầu tiên, theo ông Ulyukayev công bố.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng, ông Putin dường như không có thái độ hòa giải hơn trên bán đảo Crimea hoặc phần còn lại của Ukraine, kể cả có nhiều biện pháp trừng phạt được áp đặt hơn nữa. “Cái giá này ông Putin vẫn chấp nhận được”, Maria Lipman, một nhà phân tích ở Trung tâm Carnegie Matxcơva cho biết.
Một phần lý do ông có thể làm như vậy là bởi các chỉ số ủng hộ của ông vẫn rất cao, Liza Ermolenko, nhà kinh tế của Capital Economics ở London nhận định. Điều này có thể thay đổi nếu suy thoái kinh tế dịch chuyển, tạo áp lực khó khăn lên cho nước Nga, nhưng điều đó sẽ cần một sự suy giảm kéo dài hơn nữa.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đến vào đúng thời điểm xấu cho nền kinh tế Nga. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố trong tháng Ba, Nga đang phải đối mặt với các vấn đề cơ bản nhất. Tốc độ tăng trưởng trong năm 2013 thấp nhất trong 13 năm sau khi bắt đầu sụt giảm theo đà của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Ngân hàng Thế giới dự đoán nền kinh tế sẽ còn giảm xuống con số báo động 1,8% trong năm nay nếu Nga không ổn định tình hình ở Ukraine và tiếp tục phải nhận các biện pháp trừng phạt tăng cường từ phương Tây.
Trong tháng Tư, căng thẳng tiếp tục đẩy lên một mức mới khi NATO cáo buộc Nga đưa quân gần biên giới với Ukraine để “chuẩn bị cho một cuộc xâm lược Ukraine”. Trong khi đó, chính quyền lâm thời Kiev đổ lỗi Nga ủng hộ các nhóm vũ trang xuất hiện tại miền đông Ukraine, nơi các nhà hoạt động thân Nga đã chiếm giữ tòa nhà chính phủ và sở cảnh sát.