Kim Jong un thành “thiên tài quân sự” như thế nào?
Kim Jong un thành “thiên tài quân sự” như thế nào?
Dù còn rất trẻ nhưng năm 2010, ông Kim Jong-un đã được phong hàm đại tướng và trở thành Phó chủ tịch Ủy ban quân ủy trung ương của đảng Lao động Triều Tiên. |
Hôm Chủ nhật (8/1/2012), đài truyền hình trung ương Triều Tiên đã phát một bộ phim tài liệu nói về vị lãnh đạo mới của đất nước này, Kim Jong un, nhân dịp sinh nhật ông. Trong bộ phim, Triều Tiên đã nhiều lần nhắc đến cụm từ “thiên tài quân sự” cùng với hình ảnh ông Kim đang lái xe tăng, ngồi trong buồng lái của một chiếc phi cơ chiến đấu hay giao tiếp cùng với các binh sỹ khác với vẻ rất thân thiết, hình ảnh khác hoàn toàn so với phong cách của người cha Kim Jong –il.
Cũng trong bộ phim tài liệu này, đài truyền hình trung ương Triều Tiên cho rằng ngay từ khi mới ngoài 20 tuổi, ông Kim đã từng giám sát một cuộc phóng thử tên lửa tầm xa (tháng 4/2009) cùng với tuyên bố đanh thép “Tôi quyết tham gia chiến tranh nếu những kẻ thù dám can thiệp vào công việc của đất nước (chương trình tên lửa)”.
Theo các nhà phân tích chính trị, chương trình “xây dựng thần tượng” của Triều Tiên là hợp lý bởi ông lên nắm quyền lãnh đạo đất nước khi còn rất trẻ đồng thời chưa được thử thách hay cũng chưa có “chiến công” nào đáng kể để có thể tạo được niềm tin cho dân chúng và quân đội hùng mạnh với khoảng 1,2 triệu quân thường trực của đất nước này.
HÌnh ảnh Kim Jong-un lái xe tăng và bắn phát đạn đầu tiên của năm mới. |
Trong các chiến dịch tuyên truyền của mình, truyền thông Triều Tiên đã liên tục gọi ông Kim Jong-un là “người kế nhiệm vĩ đại” của cha mình cùng với đó là chính sách “quân đội là ưu tiên số 1” để củng cố quyền lực. Tuy nhiên, các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và thử nghiệm tên lửa tầm xa càng đẩy nền kinh tế Triều Tiên lún sâu hơn nữa vào khó khăn, nghèo đói và bị cô lập trên trường quốc tế.
Ngay từ năm 2008, khi ông Kim Jong-il bị đột quỵ và phải nằm viện điều trị, dư luận đã rộ lên tin đồn đoán rằng người con trai út Kim Jong-un sẽ được lựa chọn để thay cha mình lãnh đạo đất nước. Đến năm 2010, khi Kim Jong-un chính thức được phong hàm đại tướng và được bầu là phó chủ tịch Ủy ban quân ủy trung ương đảng Lao động Triều Tiên thì mọi chuyện đã trở nên khá rõ ràng.
Theo các thông tin mà Triều Tiên đưa ra, ông Kim Jong-un đã từng tốt nghiệp một học viện quân sự cấp cao tại Bình Nhưỡng nhưng lại không có bằng chứng nào cho thấy ông Kim đã từng phục vụ trong quân đội.
Giới truyền thông Triều Tiên còn đang tỏ ra khá bận bịu trong việc “lấp đầy chỗ trống” trong bản lý lịch quân đội của ông Kim khi tuyên bố ông này đã từng viết xong bản luận án đầu tiên về chiến lực quân sự khi mới 16 tuổi. Mới đây, trong đợt đi giám sát một đơn vị xe tăng nhân dịp năm mới, ông Kim còn trực tiếp tham gia một cuộc diễn tập bắn đạn thật và “khai hỏa tiếng súng đầu tiên của năm mới”, bộ phim tài liệu phát sóng hôm 8/1 cho biết.
Kim Jong-un đi thăm một đơn vị quân đội và kiểm tra khẩu súng bắn tỉa do nước này tự sản xuất. |
Khác với cha mình, người thường đứng một mình với vẻ mặt uy nghiêm trong suốt cuộc giám sát và giữ khoảng cách khá xa với các binh lính, ông Kim lại xuất hiện với sự thân thiện hiếm có khi thường cười tươi và bắt tay các sỹ quan, binh lính.
Có thể truyền thông Triều Tiên đang thu được những thành công thực sự về hình ảnh một “đại tướng, thiên tài quân sự Kim Jong-un” nhưng họ vẫn chưa mấy thành công trong việc xây dựng hình ảnh một người “thực sự có tài” lãnh đạo đất nước.
Bộ phim tài liệu vừa qua được cho là phát sóng để chào mừng ngày sinh nhật của ông Kim Jong-un nhưng cũng chưa ai biết ông này đã bước sang tuổi 28 – 29 hay 30 vào ngày 8/1 vừa qua.
Phan Lương