Kim Jong-un: Nhà lãnh đạo bốc đồng hay đầy toan tính?
Trong năm 2016, Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân vào tháng Một và tháng Chín cùng hàng loạt vụ phóng thử tên lửa từ đất liền và trên biển khiến cộng đồng thế giới không khỏi lo lắng.
"Để một nhà lãnh đạo khó hiểu như ông Kim Jong-un nắm trong tay đầu đạn hạt nhân và công nghệ tên lửa đạn đạo thực sự là một thảm họa", CNN dẫn lời Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương nói.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân bằng mọi giá. |
Còn theo chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao tại Viện Rand Corporation, ông Bruce Bennett, với những diễn biến gần đây, ông Kim "có thể được xem là người nguy hiểm nhất hành tinh".
Mối đe dọa từ Triều Tiên lớn đến mức nào?
Đầu tiên, vụ thử hạt nhân hồi tháng Chín được xem là bước đột phá lớn nhất trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên từ trước tới nay. Theo ông Kim, vụ thử này đã chứng minh Bình Nhưỡng thành công trong việc tích hợp đầu đạn hạt nhân lên trên tên lửa đạn đạo.
Truyền thông Triều Tiên thì cho rằng vụ thử chứng minh Bình Nhưỡng có khả năng chế tạo "các đầu đạn hạt nhân đa dạng về kích cỡ với sức công phá lớn". Điều này khiến giới chuyên gia phương Tây lo ngại Triều Tiên có thể nâng tầm hoạt động của các loại vũ khí hạt nhân với tầm bắn vươn xa tới Alaska, Hawaii và đất liền của Mỹ.
CNN dẫn lời ông Kim Nam-wook thuộc Cơ quan khí tượng Hàn Quốc cho biết đầu đạn mà Triều Tiên thử nghiệm hồi tháng Chín có sức nổ tương đương 10 kiloton, lớn gấp đôi so với vụ thử hồi tháng Một năm nay. Trong khi, quả bom nguyên tử mà quân đội Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào năm 1945 có sức nổ là 15 kiloton.
Tuy nhiên, chuyên gia Bennett cho rằng dù đạt được những bước tiến mới trong tham vọng chế tạo đầu đạn hạt nhân, tên lửa và rocket nhưng điều này không có nghĩa Triều Tiên đủ khả năng trở thành mối đe dọa toàn cầu.
"Để trở thành mối đe dọa toàn cầu, Triều Tiên cần phát triển một hệ thống đủ độ tin cậy để phóng các loại vũ khí hạt nhân đạt tầm bắn tới bất cứ nơi nào trên thế giới và Bình Nhưỡng hiện chưa đạt được trình độ này", theo ông Bennett, Triều Tiên mới chỉ phóng thử tên lửa đạt tầm xa nhất là hơn 2.000 dặm.
Cũng theo ông Bennett, dù đã tiến hành vụ thử tên lửa phóng từ tàu ngầm hồi tháng Tám, song Triều Tiên cũng chỉ có duy nhất một chiếc tàu ngầm đủ khả năng phóng tên lửa trong khi tầm bắn lại ngắn và không thể vượt qua hệ thống phòng thủ của phương Tây để tạo ra mối đe dọa ngoài khu vực châu Á.
Không thể phủ nhận, Triều Tiên vẫn đang giữ danh hiệu là quốc gia duy nhất trên thế giới thực hiện một vụ thử hạt nhân trong thế kỷ 21 và lệnh trừng phạt kinh tế dường như không thể buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng.
"Rõ ràng, các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế của Triều Tiên và khiến quốc gia này ngày càng bị cô lập nhưng ông Kim Jong-un và các thân tín vẫn quyết tâm phát triển năng lực hạt nhân tiên tiến. Bởi vũ khí hạt nhân là công cụ giúp ông Kim cảm thấy tự hào và hy vọng", Giáo sư Seung-Kyun Ko tại Đại học Hawaii Thái Bình Dương và từng là quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói.
Tuyên bố "phát triển hạt nhân bằng mọi giá" của ông Kim được chứng minh là sự thật khi hồi tuần này, ông Thae Yong-ho, nhân vật quyền lực thứ hai tại đại sứ quán Triều Tiên ở London nhưng đã bỏ trốn sang Hàn Quốc cùng vợ và 2 con trai hồi tháng Bảy khẳng định ông Kim sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân dù phải chi 1 ngàn tỷ USD hay 10 ngàn tỷ USD",
Ông Kim "đang tăng tốc phát triển chương trình hạt nhân sau khi đề ra kế hoạch phát triển năng lực hạt nhân toàn diện bằng mọi giá vào cuối năm 2017", hãng tin Yonhap dẫn lời ông Thae.
Còn hồi tháng 10, nhà nghiên cứu Boris Toucas tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington từng chia sẻ: "Ông Kim Jong-un coi việc phát triển chương trình hạt nhân là hợp pháp và gắn với vận mệnh của mình thậm chí hạt nhân còn được xếp đứng trước chương trình phát triển kinh tế quốc gia".
Phát triển kinh tế bị xếp đứng sau chương trình hạt nhân tại Triều Tiên. |
Bốc đồng hay khôn ngoan?
Nhiều nhà phân tích có cùng chung nhận định ông Kim không phải là người có tính bốc đồng mà là "người thận trọng và đầy toan tính".
Theo ông Ko, nhà lãnh đạo Kim Jong-un biết rõ có thể tận dụng các cuộc tập trận thường niên giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc với sự tham gia của hàng ngàn binh sĩ và những thiết bị vũ khí hiện đại nhất của Mỹ để giành ưu thế.
"Ông Kim biết khơi dậy tinh thần đoàn kết trong người dân và khiến họ tuân lệnh lãnh đạo khi đặt ra tình thế Triều Tiên đang đứng trước nguy cơ bị Mỹ và Hàn Quốc xâm lược", ông Ko nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Bennett, ông Kim vẫn tiếp tục theo đuổi một hiệp ước hòa bình với Mỹ. Và một khi hiệp ước này được hai bên ký kết, các lực lượng quân sự Mỹ sẽ rút quân khỏi Hàn Quốc trong một vài năm và sẽ không bao giờ quay trở lại. Nói cách khác, nếu quân đội Mỹ rút khỏi Hàn Quốc, đây sẽ là chiến thắng lớn đối với ông Kim.
Còn theo ông Thae, đối với Triều Tiên, năm 2017 là "khoảng thời gian đầy cơ hội" để thúc đẩy chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân bởi đây là lúc Mỹ và Hàn Quốc có tân Tổng thống.
"Triều Tiên cho rằng Hàn Quốc và Mỹ sẽ không thể đưa ra hành động quân sự để ngăn chặn chương trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng vì hai quốc gia này đang phải giải quyết những bất ổn chính trị trong nước", ông Thae chia sẻ
Theo CNN, một số chuyên gia thì cho rằng mở đầu năm mới 2017, Triều Tiên sẽ khá thầm lặng. "Tôi nghe được thông tin từ một quan chức Triều Tiên rằng họ không muốn có thêm bất cứ hành động khiêu khích nào cho tới khi biết được những chính sách mới của chính quyền Hàn Quốc", ông Park Hwee-Rhak tại Đại học Kookmin ở Seoul chia sẻ.