Kim Jong-un kêu gọi chế tạo bom "khủng" hơn nữa
Theo hãng tin KCNA của Triều Tiên, trước sự có mặt của các nhà khoa học tham gia chế tạo bom nhiệt hạch, ông Kim cho biết ông mong đợi họ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu của mình. Ông cho biết chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là nhằm đề phòng Mỹ xâm lược quốc gia này.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm Bộ Tư lệnh Vũ trang Triều Tiên nhân dịp năm mới. |
Phát ngôn của ông Kim được đưa ra vào thời điểm Mỹ và Hàn Quốc kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhằm áp đặt lệnh trừng phạt lên Triều Tiên và buộc nước này dừng chương trình hạt nhân của mình.
Ngày 10/1, Mỹ đã điều một máy bay ném bom B-52 đến một căn cứ ở phía Nam Seoul, còn Hàn Quốc bắt đầu các hoạt động tuyên truyền qua loa phóng thanh ở khu vực biên giới với Triều Tiên. Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), Tổng bí thư Triều Tiên Kim Ki-nam cho biết đây là hành động “có thể đẩy hai miền Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh”.
Trong ba lần thử nghiệm vũ khí hạt nhân trước, Triều Tiên đã cho phóng tên lửa tầm xa, khiến lệnh cấm vận quốc tế đối với nước này ngày càng thắt chặt. Nhưng lệnh cấm buôn bán vũ khí và các mặt hàng có giá trị lớn không thể buộc Bình Nhưỡng quay trở lại vòng đàm phán giải giáp vũ khí, đã đổ vỡ năm 2009, và quốc gia này lại tiếp tục sản xuất đầu đạn hạt nhân.
Nhiều chuyên gia về vũ khí tỏ ra nghi ngờ về tính xác thực của tuyên bố thử nghiệm bom nhiệt hạch của Triều Tiên ngày 6/1, bởi trận động đất xảy ra khi đó giống với loại đầu đạn hạt nhân có sức công phá thấp hơn mà nước này đã từng cho nổ. Sau khi vụ việc này xảy ra, Hàn Quốc tăng cường phòng bị ở các địa điểm nơi họ đã đặt loa phóng thanh phát đi thông điệp chỉ trích Triều Tiên.
Về việc máy bay B-52 đến Hàn Quốc, Trung tướng Terrence O’Shaughnessy, một chỉ huy của Không quân Mỹ cho biết: “Hoạt động của phi cơ B-52 tái khẳng định cam kết bảo vệ an ninh của các nước đồng minh, đồng thời chứng minh khả năng quân sự nhằm hỗ trợ Hàn Quốc”.
Tướng Terence O'Shaughnessy (trái) của Không quân Mỹ và tướng Lee Wang-geun (phải) tại căn cứ không quân Osan ở phía Nam thủ đô Seoul (Hàn Quốc). |
Trong khi đó, Trung Quốc, từ lâu là đồng minh lớn của Triều Tiên, vẫn chưa bày tỏ sự đồng tình với Mỹ và Hàn Quốc về việc trừng phạt Bình Nhưỡng. Điều đó sẽ khiến Liên Hợp Quốc chưa thể đẩy mạnh cấm vận Triều Tiên trong khi Hàn Quốc tiếp tục hội đàm với các nước lân cận nhằm kêu gọi sự ủng hộ của họ.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc trao đổi với người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung-se rằng các bên phải nỗ lực nối lại đàm phán nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry giục Trung Quốc ủng hộ thực hiện biện pháp cứng rắn đối với Bình Nhưỡng.
Báo Global Times (Trung Quốc) đã có bài báo chỉ trích “chính sách thù địch” của Mỹ đối với Triều Tiên, khiến nước này bắt đầu thử nghiệm hạt nhân trở lại.
“Trung Quốc không phải là nguyên nhân dẫn đến vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên và không nắm giữ chìa khóa để giải quyết tình trạng này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oanh cho biết. “Dù vậy, hiểu được tầm quan trọng của hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như hòa bình và ổn định của vùng Đông Bắc Á, Trung Quốc kêu gọi các bên tìm giải pháp hợp tình nhằm xây dựng hòa bình ở bán đảo Triều Tiên”.
Trung Quốc bày tỏ sự ngần ngại trong việc lên án mạnh mẽ chính phủ Triều Tiên do lo ngại tình trạng bất ổn có thể dẫn đến tình trạng di dân của hàng triệu người Triều Tiên, hoặc Bình Nhưỡng sẽ tái hợp với Hàn Quốc và khiến Bắc Kinh phải đối mặt với một đồng minh của Mỹ ngay sát biên giới.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ báo Today, ấn phẩm tiếng Anh của tập đoàn truyền thông MediaCorp của Singapore, phát hành lần đầu vào tháng 11/2000.