Khuyến nông tạo nền tảng cho nông nghiệp Thủ đô phát triển bền vững
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương năm 2022, đơn vị đã triển khai hiệu quả các chương trình khuyến nông. Cụ thể, Trung tâm Khuyến đã tổ chức thực hiện tổng số 19 mô hình, triển khai tại 68 điểm trên địa bàn thành phố với 1.602 hộ, Hợp tác xã tham gia (trong đó có 9 mô hình Trồng trọt; 10 mô hình Chăn nuôi và Thủy sản). Các mô hình cơ bản đạt được mục tiêu và kế hoạch đề ra.
Để nâng cao chất lượng nông sản, thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, trong năm qua. Công tác thông tin, tuyên truyền được tăng cường, đã bám sát định hướng, chỉ đạo của ngành, tập trung phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Công tác thông tin tuyên truyền và xúc tiến thương mại đã làm tốt vai trò cập nhật giá cả thị trường…
Đặc biệt, trong năm qua, đơn vị đã tổ chức thành công Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ hai năm 2022. Đối với hoạt động của Quỹ Khuyến nông đã góp phần không nhỏ vào định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển nông thôn mới tại các địa phương trên địa bàn TP.
Năm 2023, đơn vị tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua các mô hình trình diễn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế từ 10 – 20% so với ngoài mô hình. Tập huấn cho hơn 14.000 lượt cộng tác viên, nông dân, người sản xuất được tiếp cận, nắm bắt tiến bộ khoa học nâng cao trình độ trong quản lý, sản xuất.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương đánh giá, các mô hình, chương trình khuyến nông đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực; không chỉ giúp người nông dân tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn mà giúp nông dân tiếp cận với nền sản xuất hiện đại, tạo nền tảng cho nông nghiệp Thủ đô phát triển bền vững.
Mô hình khuyến nông trình diễn đã bám sát vào định hướng, chương trình trọng điểm của địa phương, phù hợp với điều kiện của các tiểu vùng sinh thái, đáp ứng nhu cầu của nông dân nên được nông dân hưởng ứng và nhân rộng. Công tác khuyến nông tiếp tục phát huy được vai trò trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn Thủ đô.
Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Phương nhấn mạnh, hiện nay, nhu cầu của nông dân, người sản xuất đối với dịch vụ khuyến nông ngày càng tăng lên về cả số lượng và chất lượng, đòi hỏi hệ thống khuyến nông phải hoạt động có hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ công bảo đảm về số lượng và chất lượng.
Để làm được điều này, việc củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông là một yêu cầu tất yếu, đồng thời là giải pháp bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khuyến nông. Cùng với đó, sự phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đòi hỏi khuyến nông phải có những đổi mới cả về tổ chức và hoạt động, có phương pháp tiếp cận phù hợp để nắm bắt, tiếp nhận và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất.
Trải qua 20 năm, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã góp phần không nhỏ vào việc khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, ngành nghề; thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, nhân rộng các mô hình khuyến nông thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung như: Vùng hoa, cây cảnh Tây Tựu, Đông Ngạc, Đại Mỗ (Từ Liêm), Đông La (Hoài Đức), Hồng Vân (Thường Tín); Vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Đông Anh, Sóc Sơn, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ; Vùng nuôi trồng thủy sản ở Thanh Trì, Mỹ Đức, Chương Mỹ…
NH