Khuyến khích DN yếu kém rút niêm yết
Một CTCK buổi thị trường vào cảnh chợ chiều |
Có cảm giác việc niêm yết quá dễ, khiến công ty nào muốn lên sàn thì lên. Phải chăng vì đó mà hiện nay trên sàn có những mã, những công ty rất tồi tệ, cũng là một nguyên nhân khiến thị trường ảm đạm, hình ảnh thị trường thê thảm, thưa ông?
Ông Trần Đắc Sinh: Đó cũng là một nguyên nhân nhưng không phải là nguyên nhân chính.
Quan điểm của ông thế nào về việc DN rút niêm yết?
Ông Trần Đắc Sinh: Trên sàn có vài chục công ty làm ăn khó khăn, và tình hình tài chính cũng không được tốt. Nên không thể để kéo dài mãi. Vì vậy, việc DN rút khỏi thị trường là điều đáng hoan nghênh.
Vì trong rổ VN-Index mà có những công ty quá xấu thì gây ra hình ảnh thị trường bị ảnh hưởng. Đương nhiên điều kiện hủy niêm yết cũng khó khăn, chứ không chỉ DN muốn là làm được. Vì nó còn liên quan đến yếu tố bảo vệ cổ đông thiểu số.
Việc rút khỏi thị trường cũng có những cái khó khăn. Trừ số cá biệt phải rút, còn lại số mình muốn người ta ta rút thì người ta không rút. Mà người ta muốn rút cũng khó vì những quy định ngặt nghèo. Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM sẽ tiếp tục phân loại, chia ra các bảng niêm yết, bảng nào DN tốt, bảng nào DN xấu để nhà đầu tư lựa chọn. Vừa rồi có làm bảng VN-Index 30 là những DN hàng đầu tốt. Đã là thị trường thì có sản phẩm tốt sản phẩm xấu, nhưng nếu xấu quá thì làm mất hình ảnh thị trường, thì cũng phải bàn với DN có phương cách để rút niêm yết. Hoặc nếu quá xấu thì ta có thể đơn phương hủy niêm yết.
Có công ty nói với tôi là muốn niêm yết nhưng mà cái gì cũng phải công bố, ngại quá. Nói như vậy là anh không muốn minh bạch thông tin.
Thứ nữa, nếu DN rút thì những cổ đông nhỏ lẻ muốn bán, thì bán ở đâu? Đồng ý không đạt được mục đích thì rút, nhưng vấn đề thanh khoản và minh bạch hóa không xử lý được. Cho nên như vậy một công ty phải tính toán rất kỹ khi quyết định rút niêm yết.
Nếu không bị phá sản, thì khi rút niêm yết cổ phiếu của cổ đông nhỏ có phải buộc công ty phải mua lại? Nếu công ty không mua thì số phận các cổ đông nhỏ sẽ như thế nào?
Ông Trần Đắc Sinh: Việc đó thuộc giải quyết của đại hội cổ đông. Nhưng mà thông thường các cổ đông lớn nắm tỷ lệ cao biểu quyết mất. Nên các cổ đông nhỏ lẻ rất khó bàn bạc, quyền lợi vẫn bị ảnh hưởng.
Vì vậy nên khi có ý định rút niêm yết, DN phải bàn bạc tính toán rất kỹ.
Cứ nghĩ ông rất buồn rầu cho TTCK hiện tại nhưng hóa ra ông lại có vẻ lạc quan?
Ông Trần Đắc Sinh: Buồn thì có chứ sao không! Buồn vì các CTCK của ta, trong nền kinh tế khó khăn đã không vượt qua được. Hai là cũng có buồn bởi vì một số CTCK làm ăn chụp giựt, không quản trị rủi ro tốt, từ đó đã đâm ra đổ bể. Vừa là trách nhiệm của mình nhưng đó cũng vừa là nỗi buồn. Còn vấn đề nữa là vấn đề giao dịch. Giá trị khoảng 5.000 tỷ đồng/ngày thì các CTCK sống được. Chứ như năm 2012 chỉ vài trăm tỷ đồng/ngày, thì so với kỳ vọng của mình là rất thấp, dẫn đến thị trường sụt giảm, CTCK bị èo uột.
Kinh tế thất bại, DN khó khăn, người ta không mua bán cổ phiếu nữa. Nhiều mã chỉ giao dịch được vài trăm cổ phiếu/ngày, có cổ phiếu hoàn toàn không giao dịch được. Chẳng hạn cổ phiếu địa ốc, giá thấp nhưng nợ nần nhiều, có ai mua bán nó để làm gì?
Trước cảnh chợ chiều như vậy, những người đứng đầu trong lĩnh vực, làm sao không buồn lòng?
Kỳ cuối: Năm 2015 hoàn tất sắp xếp lại thị trường