Khủng hoảng tị nạn châu Âu: Khi các nạn nhân còn quá nhỏ
Hình ảnh cậu bé khoảng một tuổi hoặc nhiều hơn, nằm úp mặt trên bờ biển, đầu nghiêng sang một bên giống như tư thế của bất kỳ em bé nào khi ngủ. Nhưng những làn nước lạnh lẽo liên tục táp vào mặt cậu bé, còn cơ thể nhỏ nhắn của em đã hoàn toàn không còn sự sống. Cậu bé mặc chiếc áo đỏ, quần xanh, đi đôi giày bé xíu này là một trong 12 người bị chết đuối ở Thổ Nhĩ Kỳ và thi thể dạt vào một bờ biển hôm 2/9.
Hình ảnh cậu bé nằm cô quạnh trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ khiến cả thế giới bàng hoàng. Nguồn: CNN |
Bức ảnh cậu bé nằm một mình giữa bờ biển rộng lớn và sau đó được một nhân viên cứu hộ bế lên đã được chia sẻ trên khắp thế giới đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ cùng những xót thương dành cho các nạn nhân còn quá nhỏ tuổi trong cuộc khủng hoảng nhập cư này.
“Không có tính người”
Một số người bày tỏ họ hy vọng hình ảnh thi thể của cậu bé áo đỏ nằm trên biển sẽ trở thành một bằng chứng mang tính thuyết phục nhất trong cuộc gặp mặt sắp tới giữa các Bộ trưởng châu Âu nhằm tìm ra cách giải quyết thỏa đáng cho cuộc khủng hoảng.
Nadim Houry, phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực Trung Đông và Bắc Phi, đã miêu tả bức ảnh bằng hai từ “ám ảnh”. “Bản cáo trạng lớn nhất của sự thất bại tập thể”, ông viết.
Burhan Akman đăng tải trên trang cá nhân của mình: “Cảm thấy xấu hổ cho thế giới này. Tôi nhìn thấy con người nhưng không thấy được tính nhân văn ở đây”.
Nhân viên cứu hộ bế cậu bé trên tay. Nguồn: CNN |
Một quan chức tỉnh Mugla, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Chúng tôi không biết danh tính của cậu bé cũng như gốc gác của cậu. Cậu bé và các nạn nhân khác nằm trong nhóm người nhập cư Syria vượt biển trên hai con thuyền để tới đảo Kos của Hy Lạp. Nhóm cứu hộ đã cứu sống được một số người trên con thuyền đó. Hiện còn hai người đàn ông và một đứa trẻ trong nhóm vẫn đang mất tích”.
Hơn 2.600 người đã thiệt mạng khi cố vượt qua biển Địa Trung Hải để tới châu Âu từ đầu năm tới nay, khu vực này giờ đã trở thành điểm có nhiều người tị nạn chết nhất trên thế giới. Tổ chức Di cư quốc tế IOM cũng cảnh báo, con số này vẫn còn tiếp tục tăng.
Một số người bị chết chìm, những người khác phải trốn chui lủi và một số khác chết ngạt trong những không gian chật chội. “Federico Soda, giám đốc khu vực Địa Trung Hải của IOM cho biết: “Trong một vài tuần trở lại đây, chúng tôi chứng kiến rất nhiều người thiệt mạng. Chúng tôi nghĩ rằng điều này có thể giải thích được rằng sự thật là các nhóm buôn lậu người ngày càng trở nên tàn ác và bạo lực”.
Những cách đối phó đa chiều
Hơn 350.000 người đã tới châu Âu trong năm nay nhằm chạy trốn chiến tranh, sự nghèo đói và tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đã có rất nhiều cách xử lý khác nhau từ phía các chính phủ cũng như phản ứng của người dân từng nước, một số muốn cho người nhập cư vào nhưng số khác lại chặn đường đi của họ.
Hình ảnh của cậu bé áo đỏ tràn ngập trên các báo. Nguồn: Aljazeera |
Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn Antonia Guterres cho CNN biết: “Tôi đã cảm thấy rất giận dữ khi nhìn thấy bức ảnh của cậu bé nói trên. Những người này bị buộc phải lên thuyền, họ trả 4.000 hoặc 5.000 euro và họ đã chết trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Điều này không có nghĩa lý gì hết. Chúng ta cần một biện pháp thích hợp cho tình trạng này, theo ý kiến của tôi, chỉ có châu Âu cùng liên kết lại mới có thể đưa ra một câu trả lời rõ ràng nhất”.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã lên kế hoạch gặp mặt các thành viên khác trong Liên minh châu Âu vào hôm nay để tìm ra cách giải quyết tình trạng khẩn cấp này. Đất nước của ông là một điểm chuyển giao của người tị nạn muốn tìm cách nhập cư vào châu Âu và Hungary đã trả lời họ bằng cách lập một hàng rào chắn ngay tại biên giới với Serbia.
Tại Đức, Bộ trưởng Nội vụ sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội sau khi một trung tâm xin tị nạn của nước này đã bị đốt cháy. Trưởng ban đối ngoại EU, Federica Mogherini, đã yêu cầu một hành động đoàn kết và khẳng định đây sẽ là một phần trong chương trình nghị luận của các Bộ trưởng Ngoại giao châu Âu họp mặt hôm 4 và 5/9 sắp tới.
Các quan chức CH Czech cho biết họ đã bắt đầu buộc những người nhập cư không có giấy tờ tùy thân rời khỏi các đoàn tàu. Trong một số trường hợp, cảnh sát Czech còn đánh dấu và đánh số những người nhập cư này bằng loại mực có thể xóa được.
“Chúng tôi không thể cho những người không có giấy tờ và nhận diện đi vào lãnh thổ Czech được. Chúng tôi cần phải thẩm vấn họ, đó là quy định bắt buộc. Tôi biết các nước khác không làm như vậy, có thể cho phép họ đi qua nước của mình một cách tự do nhưng luật pháp của Czech không cho phép chúng tôi làm như vậy”, Katerina Rendlova, một quan chức cơ quan nhập cư Czech cho biết.
Trong cuộc khủng hoảng này, bị kẹt ở giữa chính là những người đàn ông và phụ nữ tuyệt vọng đem theo những đứa con bé nhỏ của mình, những người đã phải đánh đổi tất cả, kể cả mạng sống để chen lấn, xô đẩy, tìm một chốn dung thân ở một vùng đất mới.
Một số hình ảnh xót xa của các em bé tị nạn:
Hình ảnh đời thường của cậu bé Aylan Kurdi, 3 tuổi, được cho là cậu bé mặc áo đỏ trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua. Cư dân mạng đã bày tỏ sự xót thương cho số phận quá ngắn ngủi của em. Nguồn: Facebook |
Một người phụ nữ Syria che mặt cùng con nhỏ ngồi trên đường phố cầu xin sự giúp đỡ của mọi người. Nguồn: Aljazeera |
Một cậu bé người Syria sống trong khu trại tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Aljazeera |
Cảnh sát đưa một em bé đang la khóc qua biên giới Macedonia. Nguồn: EPA |
Một người đàn ông đang cho cháu của mình uống sữa. Em bé còn quá nhỏ và chưa thể hiểu được sự rối loạn đang diễn ra xung quanh. Nguồn: AP |
Dáng ngủ hồn nhiên nhưng đầy thương xót của hai em bé tị nạn người Syria trên sàn nhà lạnh lẽo của một ga tàu điện ngầm tại Hungary. Nguồn: AP |
Bài viết được tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.