Khủng hoảng tị nạn châu Âu: “Chúng tôi bị đối xử như loài vật”
CNN cho biết, những phương tiện vũ trang đã được triển khai bên phía Macedonia nhằm ngăn chặn những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang cố gắng chen chân để vượt qua biên giới. Khi có một vài người đẩy được hàng rào thép gai, mở đường sang bên kia ranh giới, ngay lập tức quân đội Macedonia đã cho nổ hai quả lựu đạn cảnh cáo.
Trong suốt đêm ngày 22/8, trời mưa hàng tiếng đồng hồ, càng làm cho khung cảnh tại khu vực “nút thắt cổ chai” này thêm bi thương. Những người tị nạn phải chịu đựng sự ẩm ướt và đói khát trong các khu lều trại với một vài tổ chức phi chính phủ có mặt ở đó để giúp đỡ họ.
Một người đàn ông Syria cho biết rằng anh không bao giờ tưởng tượng được châu Âu sẽ như thế này. “Hãy nhìn con bé mà xem. Ở Syria nó như một cô công chúa, nhưng giờ đây con bé giống như con chuột vật. Họ đối xử với chúng tôi như những con vật”, anh vừa nói vừa chỉ vào cô con gái 3 tuổi của mình.
Anh khẳng định nếu có ai đó gửi trả anh lại Syria thì anh cũng sẵn sàng đi. “Thà chết vì bom đạn ở quê hương mình còn hơn chết ở đây”, anh nói.
Người tị nạn ở trong hoàn cảnh khốn khó tại biên giới Macedonia. |
Một người phụ nữ đang mang thai đã bật khóc và cầu xin cảnh sát Macedonia đưa ra câu trả lời xem liệu họ có được phép vượt biên giới hay không. Một người đàn ông đứng tuổi ngồi gần đó chỉ tay vào tim mình và cho CNN biết, ông đã trải qua hai cuộc phẫu thuật và giờ đây sức khỏe không được tốt.
Cảnh tượng tuyệt vọng này diễn ra sau khi Macedonia tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia hôm 21/8 ở khu vực biên giới phía Bắc và phía Nam khi nước này phải đối mặt với dòng người tị nạn ùn ùn kéo đến. Tuyên bố trên khẳng định quân đội có thể tham gia để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Cảnh sát cũng dùng hơi gas để chặn đám đông trẻ em, đàn ông và phụ nữ cố vượt qua biên giới Hy Lạp. Macedonia không phải là một thành viên của Liên minh châu Âu nhưng là một quốc gia chuyển tiếp được nhiều người di cư chọn trên đường tiến vào Tây Âu và Bắc Âu.
Tình trạng đáng sợ
Ivo Kotevski, phát ngôn viên Bộ Nội địa Macedonia, cho CNN biết, nước này đang phải chịu một áp lực lớn từ Hy Lạp để đưa ra một giải pháp. Các quan chức đã cho phép một số lượng hạn chế người tị nạn được phép qua biên giới sau khi đã tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt. Tuy nhiên, do Macedonia không thuộc EU nên nước này không được tiếp nhận sự hỗ trợ thêm và đơn giản là không thể đáp ứng được một lượng lớn người tị nạn theo cách nhân đạo nhất.
Kotevski cũng yêu cầu cộng đồng quốc tế không chỉ giúp nước này trong việc vận chuyển, xây dựng trại tị nạn và giải quyết làn sóng di cư hiện tại mà còn có thể tìm ra được một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng này.
Nawras, 25 tuổi, đến biên giới Hy Lạp-Macedonia 3 ngày trước, đã miêu tả cuộc đối đầu với cảnh sát là vô cùng đáng sợ. Anh cho biết lựu đạn và cả hơi gas cũng được dùng để chống lại phụ nữ và trẻ em. Một số người đã được phép đi qua biên giới nhưng phần lớn vẫn buộc phải ở lại đây dưới trời mưa lạnh và đói. “Tôi không biết phải làm gì. Điều này quả thật khủng khiếp”, Nawras nói.
Khủng hoảng nằm ngoài tầm kiểm soát của Macedonia
Bộ trưởng Bộ Nội địa Macedonia cho biết, khoảng 44.000 người tị nạn đã đến Macedonia trong hơn hai tháng qua, bao gồm 33.461 người Syria. Số còn lại đến từ Afghanistan, Iraq, Pakistan và các nước châu Phi khác. Những người di cư muốn nộp đơn xin tị nạn có quyền ở 3 ngày tại Macedonia cho đến khi đơn được chấp thuận.
Đối với những người di cư, vượt qua Macedonia là phần nguy hiểm nhất trong hành trình bởi họ có thể phải đối mặt với các băng nhóm vũ trang và mafia. Những người di cư thường chờ cho đến khi có một nhóm đông người để đi qua một cách an toàn.
Bộ trưởng Ngoại giao Macedonia, Nikola Poposki cho CNN biết, số người nhập cư trái phép cố gắng thâm nhập Macedonia đã tăng vọt trong mấy ngày qua, khoảng từ 3.000 đến 4.000 người một ngày. “Hiển nhiên là điều này đã vượt quá tầm kiểm soát của giới chức địa phương, dẫn đến một hàng dài người xếp hàng dọc biên giới”, ông nói.
Ông cũng khẳng định quốc gia nhỏ bé với 2 triệu dân của mình đang cố gắng làm những gì tốt nhất cho dòng người nhập cư này. “Tất nhiên là những người này không phải đang đi du lịch. Sẽ không có một cách giải quyết nào thỏa đáng nếu EU không hợp tác với chúng tôi”, ông cho biết.
Cuộc khủng hoảng ngày càng lan rộng
“Nút thắt” ở Macedonia chỉ là một phần trong cuộc khủng hoảng tị nạn ngày càng lan rộng ở châu Âu. Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc, UNHCR, cho biết số lượng người di cư tới châu Âu bằng đường biển trong năm nay là khoảng 264.500 người tính đến ngày 14/8, bao gồm 158.456 người vào Hy Lạp, 104.000 người tới Italy, 1.953 người tới Tây Ban Nha và 94 người vào Malta.
Cùng lúc đó là 1.716 người tị nạn và nhập cư tiến vào Hy Lạp thông qua đường biên giới nước này với Thổ Nhĩ Kỳ. Phần lớn những người di cư đến từ Syria, Afghanistan hoặc Iraq.
Bài viết được tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.