Khủng hoảng ngân hàng Síp - 'Nạn nhân' của Eurozone?
![]() |
Hệ thống ngân hàng của Cộng hòa Síp vẫn phải đóng cửa do không còn tiền mặt để trả cho người dân sau sự kiện rút tiền hàng loạt xảy ra trong tuần |
Đảo Síp – Thiên đường tài chính
Năm 2004, Cộng hòa Síp gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Để phát triển kinh tế, chính phủ của đất nước bé nhỏ này đã quyết định sử dụng đồng tiền chung vào năm 2008. Dưới sự giám sát của EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Sip được biến thành một thiên đường tài chính thực thụ với một hệ thống ngân hàng có quy mô khổng lồ so với tiềm lực kinh tế của nước này.
Síp có thể được cho là quốc gia kỳ lạ khi mà tổng tài sản của hệ thống ngân hàng nước này cao gấp 7-8 lần GDP quốc gia. Các ngân hàng của Síp nhận số tiền gửi lên đến hàng tỷ euro, mà phần lớn trong đó là được gửi từ nước Nga. Nga và Cộng hòa Síp vốn có quan hệ kinh tế khá mật thiết từ nhiều thập kỷ. Rất nhiều doanh nhân Nga đã tới đây và phát triển công việc kinh doanh. Rất nhiều người Nga đã định cư hoặc mua nhà tại Síp, 40% số tiền nằm trong hệ thống ngân hàng của Síp là tiền gửi từ Nga.
Cơn bão Hy Lạp thổi bay hệ thống tài chính của Síp
Đúng với lẽ thường, các ngân hàng Síp đem số tiền gửi khổng lồ tái đầu tư ở các quốc gia khác. Bị thu hút bởi mức lợi suất hấp dẫn, họ đầu tư vào trái phiếu phát hành bởi chính phủ Hy Lạp và ngay lập tức bị ảnh hưởng khi nền kinh tế Hy Lạp chìm sâu vào suy thoái. Các ngân hàng Síp cũng đầu tư khá nhiều vào trái phiếu chính phủ Síp.
Trong vòng chưa đầy 2 năm tính đến giữa năm 2011, kinh tế Síp đã rơi vào suy thoái lần thứ hai với các hoạt động kinh doanh giảm 2,3% trong quý 3/2012, là quý giảm thứ 6 liên tiếp. Tháng 6 năm ngoái, Chính phủ Síp đã phải xin cứu trợ từ các nước thành viên Eurozone khác, do khu vực ngân hàng nước này trở nên kiệt quệ vì phải xóa nợ cho Hy Lạp.
Điều kiện của gói cứu trợ trị giá 5,8 tỷ euro
Toàn bộ quá trình trên diễn ra dưới sự giám sát lỏng lẻo của bộ ba quyền lực EU - ECB - IMF. Síp vẫn cho rằng các ngân hàng tuân thủ chặt chẽ luật lệ bảo mật. Tuy nhiên, theo tờ báo Đức Spiegel , các quan chức Đức cho rằng những gì được báo cáo trên giấy tờ không phải là những gì đang diễn ra trên thực tế.
Để cứu Cộng hòa Síp ra khỏi tình trạng cạn tiền mặt và vỡ nợ, EU đã yêu cầu nước này đánh thuế 9,9% lên các khoản tiền gửi ngân hàng trên 100.000 euro. Nếu Síp thông qua điều kiện này, EU sẽ thông qua kế hoạch cứu trợ 5,8 tỷ euro ( tương đương 10 tỷ USD). Với các khoản tiền gửi nhỏ hơn, thuế suất EU yêu cầu là 6,75%. Síp là quốc gia thứ 5 trong eurozone gửi đề nghị cứu trợ tài chính.
Đây là lần đầu tiên EU đề nghị điều khoản đánh thuế tiền gửi với một gói giải cứu. Hiện tượng domino trong hệ thống tài chính của các quốc gia thành viên EU mà hiện đã chạm tới Síp có thể sẽ khiến cho sự suy thoái tài chính của khu vực này tiến sâu tới một mức mới.
Khủng hoảng rút tiền
Ngay khi nhận được tin Quốc hội sẽ họp để thông qua điều kiện của EU, người dân Síp ồ ạt đi rút tiền. Chỉ trong vòng 2 ngày, chính phủ Síp đã buộc phải đóng cửa toàn bộ hệ thống ngân hàng và các sàn giao dịch chứng khoán để tránh khỏi tình trạng cạn kiệt tiền do người dân rút hết.
Trong bối cảnh người dân không thể rút tiền do các ngân hàng đóng cửa, Chính phủ Anh gửi khẩn cấp 1 triệu đô tiền mặt đến Síp bằng máy bay quân sự để hỗ trợ khẩn cấp cho binh sĩ Anh và gia đình đang vướng phải tình trạng hỗn loạn ở Síp. Chính phủ Anh cho biết quyết tâm làm mọi điều điều có thể để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng Síp với người Anh.
Còn với Nga, quốc gia có nhiều ảnh hưởng nhất nếu Síp thông qua điều kiện này, tất cả các doanh nghiệp cũng như cá nhân gửi tiền ở các ngân hàng của Síp đã lên tiếng phản đối và yêu cầu Chính phủ và Quốc hội nước này không thông qua lệnh đánh thuế tiền gửi tiết kiệm. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch này của Síp và gọi đây là một quyết định "nguy hiểm và thiếu công bằng". Trước đây, nhằm hỗ trợ Síp thoát khỏi khủng hoảng, Nga đã đồng ý cho đảo quốc này vay 3,36 tỷ USD đồng thời cho phép kéo dài thời hạn trả nợ.
Bác bỏ điều kiện của EU, Síp đối mặt với nguy cơ vỡ nợ
Ngày 19/3, trước sức ép từ người dân, Quốc hội Síp chính thức bác kế hoạch đánh thuế tiền gửi với 36 nghị sỹ quốc hội phản đối, 19 người không bỏ phiếu và không ai đồng ý.
![]() |
Người dân ăn mừng vì quyết định đánh thuế tiền gửi tiết kiệm đã bị bác bỏ |
Bộ trưởng Tài chính Luxembourg - Luc Frieden nhận xét: "Đây không phải là kết quả thuận lợi cho cả Síp và Eurozone. Có lẽ chúng tôi sẽ phải đàm phán về các điều khoản khác. Vấn đề bây giờ là thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo ổn định cho khu vực". Ông cũng cho biết 17 bộ trưởng tài chính Eurozone sẽ cần phải họp lại để bàn luận bước tiếp theo cho Chính phủ Síp.
Đức, một quốc gia luôn khắt khe đối với gói cứu trợ dành cho Síp, tỏ ra thất vọng vì quyết định hủy kế hoạch đánh thuế tiền tiết kiệm của quốc hội Síp và cảnh báo quốc gia nhỏ bé này đang lựa chọn một phương án quá dễ dàng.
Các ngân hàng của đảo Síp sẽ vẫn phải tiếp tục đóng cửa do quốc hội Síp đã bãi bỏ việc đánh thuế tiền gửi ngân hàng.
Mặc dù ECB tuyên bố vẫn tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng Síp đang gặp khó khăn nhưng theo các chuyên gia, quyết định của quốc hội Síp có thể khiến thỏa thuận cứu trợ với Eurozone đổ vỡ, cũng như khiến các đối tác châu Âu nổi giận và khiến khủng hoảng sẽ tiếp tục lan rộng.