Không phải người mẹ nào cũng sẵn sàng hiến tạng con mình dù đã chết não
Ca ghép tạng xuyên Việt lần 2 đã diễn ra thành công tại Bệnh viện Việt Đức |
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động Hiến mô và bộ phận cơ thể người Việt Nam thay mặt ngành y tế gửi lời cảm ơn đến gia đình, đặc biệt là người mẹ với tấm lòng "cho đi tất cả" đã dũng cảm hiến tạng con trai không may bị chết não do tai nạn giao thông.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tâm sự: “Để có thể đưa ra quyết định hiến tạng con mình chẳng may bị chết não do tai nạn giao thông, đây không phải là việc mà ai cũng có thể làm được. Chính việc làm cao cả của người mẹ V.T.A.P đã mang lại sự hồi sinh cho 6 người bệnh đang chờ ghép mô tạng”
Bộ trưởng Y tế cũng đã đánh giá cao nỗ lực của các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã tham gia vào ca ghép tạng, phối hợp một cách nhuần nhuyễn để mang lại kết quả tốt đẹp. Cả 2 ca ghép tạng xuyên Việt đầu tiên cả nước đều xuất phát từ người cho chết não ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ca ghép tạng xuyên Việt lần 2 được tiến hành vào cuối tháng 4 vừa qua. Chiều 25/4, Bệnh viện Chợ Rẫy thông báo có người chết não đồng ý hiến tạng. 5h sáng ngày 26/4, đoàn y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức từ Hà Nội bay vào TP.HCM để nhận tạng.
Người hiến tạng là một thanh niên 20 tuổi gặp tai nạn giao thông bị chết não. Nam bệnh nhân được ghép quả tim của chàng trai, năm nay 64 tuổi từng bị suy tim, đặt stent 9 lần, thời gian sống chỉ tính bằng ngày.
Người nhận khối gan hiến tặng lâu nay suy gan giai đoạn cuối, 54 tuổi.
Sau khi được ghép, sức khỏe hai bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện. Song song đó tại TP.HCM, có hai người được ghép thận và 2 người được ghép giác mạc từ nguồn hiến của chàng trai.
Bộ trưởng đã quyết định tuyên dương Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người - và phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy đã theo dõi, chăm sóc cho người sau hiến tạng. Chính những công việc thầm lặng này đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của lĩnh vực hiến- ghép mô-tạng từ người hiến tạng chết não hay ngừng tim tại Việt Nam trong tương lai.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tính trong vòng 8 năm, từ tháng 4.2008 đến tháng 4.2016, bệnh viện đã nhận được 16 trường hợp tình nguyện hiến mô-tạng khi qua đời, trong đó có 13 trường hiến tặng khi chết não và 3 trường hợp hiến tặng khi tim ngừng đập với 27 thận, 4 gan, 2 tim, 1 khối tim-phổi, 12 giác mạc. Từ nguồn tạng này, 46 người đã được hồi sinh nhờ ghép tạng kịp thời.
Riêng trong năm 2015 bệnh viện đã nhận được 7 trường hợp hiến mô-tạng. Để có được sự tình nguyện hiến tặng của 7 gia đình này, Đơn vị Điều phối hiến ghép các bộ phận cơ thể người của Bệnh viện đã phải tiếp cận gần 150 gia đình người bệnh.
Năm 2016 có 2 trường hợp hiến tặng mô-tạng, 1 người ngừng tim ở nhà chỉ hiến được 2 giác mạc, 1 người chết não hiến đa tạng. Việc điều phối dựa trên nguyên tắc công bằng, tuân thủ các nguyên tắc pháp lý, y học, đảm bảo tính nhân văn. Đơn vị Điều phối hiến ghép các bộ phận cơ thể người cũng đã tiếp nhận được 1.848 đơn tình nguyện hiến tặng mô tạng nhân đạo khi qua đời.
Đầu tháng 9 năm ngoái, Bệnh viện Việt Đức cũng thực hiện ca ghép gan, tim từ nguồn tạng hiến từ người cho chết não được vận chuyển bằng máy bay từ TP HCM ra Hà Nội. Tranh thủ ăn, ngủ nghỉ, thay quần áo trên ôtô, hơn 100 y bác sĩ hai bệnh viện Chợ Rẫy và Việt Đức phối hợp để kịp mổ lấy tim gan từ người hiến tạng ở TP HCM vận chuyển ra Hà Nội bằng máy bay ghép cho bệnh nhân.