Không muốn hàm ơn người bội bạc
Buổi tối, khi con say ngủ, chị nhìn vết thương, nước mắt cứ thế trào ra. Sao mà chị thấy mình tệ, sao mà chị thấy hối hận thế này.
Chị là mẹ đơn thân, mùa dịch này khỏi nói cũng biết những người mẹ như chị vất vả thế nào. Ở nhà cùng con nhỏ, rất nhiều lúc chị căng thẳng, mệt mỏi. Dẫu đã nhiều lần động viên mình phải kiên nhẫn với con, dẫu biết con đang tuổi hay tò mò, khám phá, nhưng áp lực nhiều thứ bủa vây đôi khi làm chị chẳng còn bình tĩnh được.
Trước kia chị làm giúp việc theo giờ, công việc tuy không ổn định, phải nay đi nhà này dọn dẹp, mai đi nhà khác, nhưng bù lại, chị tự chủ về thời gian, lo được cho con gái, nhất là việc thu xếp giờ đưa đón con đi học. Chị siêng lắm, nên nhiều người lưu số điện thoại, cứ cần là gọi chị, riết rồi thành mối quen. Thỉnh thoảng công việc nhiều và nặng nhọc, chị còn được thưởng thêm tiền. Cứ thế, chị tích cóp dần, lo cho con chẳng thua kém gì bạn bè.
Từ ngày dịch giã, chị không đi phụ giúp việc được nữa, đành nhận mấy món hàng thủ công về làm. Nhiều hôm con nghịch phá làm mất chi tiết này, lạc mất mảnh ghép kia, khiến chị cáu kỉnh. Hai mẹ con thui thủi trong căn phòng trọ, tiền bạc eo hẹp, hàng hóa xếp ngổn ngang. Có những lúc mệt mỏi, chị chỉ muốn hất hết đi mớ hàng đó, trách mình sao quá khổ cực, gồng gánh giữa chốn thị thành.
Cuộc sống áp lực khiến chị nhiều lúc cáu gắt với con - Ảnh minh họa |
Bẵng đi mấy tháng dịch, người cũ nhắn chị, ngỏ ý muốn chu cấp ít tiền cho con. Chị lạnh lùng từ chối. Ngày chị mang bầu, người ta đòi bỏ. Ngày chị đi sinh, lủi thủi một mình, vậy mà khi con cứng cáp, người ta lại nằng nặc đòi gặp mặt. Chị quyết không cho, tin nhắn anh ta phũ phàng thế nào, chị còn giữ, tờ giấy cam kết không nhận con, anh ta đã ký. Lúc đó, chị biết thế nào là cạn tình. Giờ anh ta biết chị khó khăn nên muốn gửi vài đồng, nhằm mong chị cho gặp con. Tất nhiên chị chẳng thể chấp nhận, dù thực tế, chị đang khốn khó trăm bề.
Một bữa, chị ra đầu hẻm nhận quà cứu trợ, con gái ở nhà thấy chuông điện thoại reo thì bắt máy. Chị về, thấy số người cũ, thấy con đang hồn nhiên trả lời dẫu chẳng biết bên kia là ai, chị giận con thì ít mà nổi nóng với người cũ thì nhiều.
Ngay lập tức, chị cầm cái điện thoại cục gạch cũ, quăng vào góc nhà, ở đó có chiếc cốc thủy tinh mỏng. Xui rủi thế nào chiếc cốc vỡ, mảnh thủy tinh bay văng vào tay con gái đang ngồi gần đó. Máu rướm ra, tuy vệt nhỏ thôi nhưng làm chị sững người, con bé sợ đến mức không dám khóc.
Suốt buổi hôm đó, con không dám lại gần chị, không dám ôm ấp mẹ như thường. Còn chị, vừa hối hận vì lỡ làm con bị thương, vừa trách mình nóng nảy. Sau khi nghe con bình tĩnh kể, chị mới biết người cũ hỏi địa chỉ, con bé hồn nhiên cứ tưởng “chú đó” là người tốt sẽ cứu trợ mẹ con mình như lời anh ta nói. Chị cười chua chát và nghĩ, kể cả chị có thê thảm đến mức nào, cũng không cần anh ta dùng hai từ “cứu trợ”.
Con gái chị, dù tay bị đau, dù mới băng bó vội vàng, cũng vòng tay xin lỗi mẹ, rồi phụ mẹ nhặt rau, nấu nướng. Trong lúc làm, con bé thủ thỉ: “Hôm nay mẹ buồn, để con phụ luộc rau muống cho mẹ nhé”. Chị cảm động, ít nhất trong những ngày khó khăn này, chị còn có một thiên thần nhỏ ở cạnh bên.
Ít nhất trong những ngày khó khăn này, chị còn có một thiên thần nhỏ ở cạnh bên - Ảnh minh họa |
Buổi tối, khi con say ngủ, chị nhìn vết thương trên tay con, nước mắt hối hận cứ thế trào ra. Cả một mùa dịch, vì áp lực kinh tế, vì khốn khó mà nhiều lúc chị hằn học với cả đứa con mình. Cho tới khi bàn tay bé xíu của con bị thương, chị mới giật mình nhận ra mình không ổn.
Đến khuya, người cũ nhắn: “Tôi muốn lo, mà cô không chịu thì sau này đừng trách”. Chị không trả lời, bởi những năm tháng qua, chị chẳng cần anh ta mà vẫn sống tốt, lúc khó khăn nhất đời mà không có ai cạnh bên thì một trận dịch này có là gì với chị? Huống hồ, Sài Gòn đang dần bình thường mới, chị rồi cũng sẽ đi làm trở lại, sẽ nhanh thôi con gái được gặp bạn bè sau bao ngày xa cách.
Chị cũng đã vài lần nhận cứu trợ từ những người chẳng quen biết trên đời, thật biết ơn và trân trọng. Nhưng có những người, cả đời chị không muốn mắc nợ, không muốn mình và con phải hàm ơn.
T.Giang
Ngày vợ sinh con trai, bác sĩ chữa hiếm muộn tự thú sự thật khiến tôi sụp đổ
Thật không ngờ tôi lại sống trong bong bóng hạnh phúc giả tạo.
Theo www.phunuonline.com.vn