Không chỉ nam, nữ giới cũng giảm ham muốn tình dục sau khi mắc Covid-19
Tại phòng khám hậu Covid- 19, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, không ít người bệnh than phiền về các triệu chứng chậm kinh, rối loạn chu kì kinh nguyệt, đau bụng kinh nhiều hơn.
Hỏi: Cách đây hơn 2 tháng tôi tiêm mũi 3 phòng Covid-19. Sau mỗi lần tiêm chủng tôi đều bị rối loạn kinh nguyệt khi thì chậm kinh nhưng lúc lại rong. Tình trạng này diễn ra tương tự khi tôi mắc Covid-19. Theo lịch thì thời điểm tôi mắc Covid-19 trùng với kỳ kinh nhưng đến nay, dù đã khỏi bệnh 2 tuần rồi nhưng vẫn không thấy đâu.
Xin bác sĩ cho biết, có tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau mắc Covid-19 hay không? Nguyên nhân gây ra tình trạng này có phải do hậu Covid-19? Việc này có ảnh hưởng đến quan hệ tình dục hay không?
Xin cảm ơn bác sĩ!
Nguyễn Như Loan (Đống Đa, Hà Nội)
Trả lời:
Chào bạn!
Tình trạng rối loạn kinh nguyệt trong và sau Covid-19 không phải là tình trạng hiếm gặp. Tại phòng khám hậu Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, không ít người bệnh than phiền về các triệu chứng chậm kinh, rối loạn chu kì kinh nguyệt, đau bụng kinh nhiều hơn.
Hiện, các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục khảo sát để ước tính quy mô của tình trạng rối loạn kinh nguyệt cũng như suy giảm chức năng tình dục ở nữ giới.
Không chỉ nam, nữ giới cũng giảm ham muốn tình dục sau khi mắc Covid-19 |
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Frontiers in endocrinology: 1031 phụ nữ đã hoàn thành cuộc khảo sát. 441/46% cho biết có sự thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt của họ kể từ khi bắt đầu đại dịch. 483/53% cho biết các triệu chứng tiền kinh nguyệt trở nên tồi tệ hơn, 100/18% cho biết bị rong kinh mới và 173/30% xuất hiện đau bụng kinh mới so với trước đại dịch. 72/9% cho biết bị trễ kinh.
Đáng lưu ý có tới 467/45% cho biết giảm ham muốn tình dục.
Nguyên nhân của tình trạng này là do căng thẳng và suy nhược có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh nguyệt của phụ nữ. Các tác nhân gây căng thẳng có thể kích hoạt trục dưới đồi-tuyến yên-tuyến sinh dục (HPG) và có thể thay đổi điều hòa hormone giải phóng gonadotropin (GnRH).
Rối loạn kinh nguyệt cũng xảy ra thứ phát sau tập thể dục quá mức, ăn kiêng và hạn chế calo.
Các liệu pháp điều trị như thuốc steroid cũng ảnh hưởng đến các nội tiết tố và hoạt động của chu kì kinh nguyệt. Cũng có giả thiết cho rằng bản thân bệnh lý Covid-19 có thể ảnh hưởng đến chu kì kinh nguyệt, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu thêm về các tổn thương này
Chậm kinh, rong kinh, hoặc đau bụng nhiều hơn trong chu kì kinh là các triệu chứng có thể gặp trong Covid- 19 cũng như hậu Covid- 19. Khi bị các triệu chứng này, nên tái khám BS chuyên khoa sớm, cố gắng ăn uống lành mạnh, có lối sống sinh hoạt khoa học, giữ tinh thần thoải mái và lạc quan để vượt qua các triệu chứng hậu Covid-19.
BS Đinh Thế Tiến (Phụ trách phòng khám hậu Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang)