Không cần vũ khí hạt nhân, Triều Tiên cũng có thể "san phẳng" Hàn Quốc
Theo tạp chí National Interest, mặc dù các chuyên gia nước ngoài thường tập trung vào số lượng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, song hiểm họa thực sự nằm ở lực lượng pháo binh hùng hậu và các lực lượng đặc nhiệm thiện chiến có thể đe dọa Hàn Quốc.
Trong trường hợp chiến tranh xảy ra ở bán đảo Triều Tiên, lực lượng bộ binh của Triều Tiên sẽ gây rất nhiều tổn hại đối với quân đội Hàn Quốc và quân đội Mỹ có mặt tại đất nước này.
Triều Tiên có một lực lượng xe tăng hùng hậu. |
“Với 70% lực lượng bộ binh được bố trí phía nam tuyến đường nối giữa thủ đô Bình Nhưỡng và thành phố Wonsan, Triều Tiên có thể tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào bất kỳ lúc nào”, Sách Trắng năm 2014 của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết. “Cụ thể, các loại pháo tự hành 170mm và hệ thống tên lửa phóng loạt 240mm có thể bất ngờ tập kích vào khu vực đô thị của thủ đô Seoul. Thêm vào đó, Triều Tiên đang thử nghiệm một loại hệ thống tên lửa phóng loạt 300mm có thể bắn tới miền Trung Hàn Quốc”.
Bên cạnh đó, Triều Tiên còn có một lực lượng pháo binh gồm các tên lửa 122mm được bố trí tại các khu vực gần biển phía Tây đất nước và gần biên giới phía Nam. Trong các chiến dịch quân sự, các pháo này sẽ nằm trong các hào sâu để tăng khả năng sống sót. Tổng cộng, Hàn Quốc ước tính rằng Triều Tiên có 8.600 pháo nòng các loại và 5.500 hệ thống tên lửa phóng loạt.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng đang nâng cấp lực lượng xe thiết giáp của mình, mặc dù đây không phải là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. “Việc nâng cấp các xe tăng vẫn đang diễn ra liên tục, khi các xe tăng T-54 và T-55 đã được thay thế bằng các xe tăng Chonma-ho và Songun-ho”, Sách Trắng viết. Triều Tiên đang có hơn 4.300 xe tăng và 2.500 xe bọc thép khác có thể sẵn sàng được điều động.
Bình Nhưỡng còn có một lực lượng đặc nhiệm đông đảo và được đào tạo bài bản, và đây được coi là một trong những hiểm họa lớn nhất mà Mỹ và Hàn Quốc phải đối mặt. Theo nguồn tin từ quân đội Mỹ, lực lượng này được huấn luyện rất kỹ và trang bị đầy đủ vũ khí.
“Triều Tiên có khoảng 200.000 lính đặc nhiệm. Họ được chia thành nhiều đơn vị chiến lược khác nhau. Mục đích của các đơn vị này là nhằm ngầm đột nhập và các khu vực quan trọng để tấn công các cơ sở và đơn vi quân đội có vai trò quan trọng, đồng thời ám sát những quan chức cấp cao, quấy rỗi hậu phương cùng nhiều nhiệm vụ khác. Họ sẽ đột nhập qua các đường ngầm bên dưới khu vực phi quân sự, tàu ngầm hoặc nhảy dù từ trên cao”, Sách Trắng cho biết.
Mặc dù công nghệ quân sự của Triều Tiên tương đối lạc hậu, song nếu chiến tranh xảy ra, Triều Tiên có thể gây tổn hại rất lớn đối với Hàn Quốc và quân đội Mỹ.