Khởi nghiệp với mô hình khắc gỗ 3D, chàng trai kiếm tiền tỷ mỗi năm
Đang miệt mài hoàn thiện sản phẩm trả đơn khách đặt, anh Nguyễn Văn Bính (sinh năm 1986, quê Hà Nam) chia sẻ, học xong cấp 3, anh ra Hà Nội bươn chải đủ nghề để kiếm sống, từ làm vũ công, kinh doanh đồng hồ, kính mắt, điện thoại….
Trong một lần giúp bạn làm một món quà, anh biết đến mô hình khắc gỗ 2D, 3D và rất thích thú với nó. Anh Bính ngỏ ý xin học nghề nhưng xưởng thủ công không dạy.
Năm 2015, khi chuyển vào Đà Nẵng lập nghiệp, anh Bính ấp ủ ý tưởng khắc laser trên gỗ để làm đồ lưu niệm, quà tặng cho khách du lịch. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ dừng lại ở ý tưởng bởi lúc đó anh không hề biết gì về máy móc, quy trình, vật liệu, đồ hoạ…
“Mặc dù rất thích nhưng tôi không dám làm. Tôi chọn mở cửa hàng ký gửi để kiếm sống ở mảnh đất Đà thành này. Trong khoảng thời gian 1 năm đó, tôi nhận thấy Đà Nẵng là một thành phố du lịch nhưng các mô hình lưu niệm ở Đà Nẵng chưa được sản xuất nhiều, mẫu mã sơ sài, chưa đặc sắc. Sau đó tôi quyết định rẽ hướng, bắt tay vào làm đồ lưu niệm”, anh Bính chia sẻ.
Năm 2016, anh chính thức khởi nghiệp với mô hình khắc gỗ 2D, 3D bằng việc đầu tư 300 triệu đồng để mua máy khắc laser và tự nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi đồ hoạ. Anh bắt đầu từ những món đồ lưu niệm đơn giản như móc khoá, ống đựng bút, rồi tới mô hình cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý… Sau 1 tháng, những mô hình đầu tiên cũng ra đời.
Để ra được một sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là nghiên cứu kiến trúc của công trình, địa điểm định thực hiện bằng quan sát thực tế hoặc qua hình ảnh, video. Sau đó lên ý tưởng, vẽ hình ảnh, chi tiết của mô hình lên máy tính. Tiếp đó, đưa hình ảnh, vật liệu vào máy khắc laser. Cuối cùng là dán keo, sắp xếp, lắp ghép các chi tiết để thành mô hình hoàn thiện.
Từ những món đồ đơn giản, dần dần, anh Bính làm ra những sản phẩm cầu kỳ, phức tạp hơn. Đặc biệt, có nhiều công trình kiến trúc, địa danh mà anh Bính chưa có cơ hội đặt chân đến nhưng vẫn được tái hiện một cách chi tiết, sinh động.
“Với những mô hình đó, tôi phải xem các hình ảnh, video trên mạng, xới tung tất cả các ngóc ngách để lên ý tưởng 3D, vẽ chi tiết hoa văn đặc trưng của công trình”, anh nói. Thông thường để ra được mẫu đầu tiên thì một mô hình 3D mất từ 5-15 ngày, đối với mô hình 2D là 3-5 ngày.
Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào nghề, anh Bính chia sẻ, vì xuất phát từ “con số 0” nên tất cả đều phải tự mày mò, học hỏi và gặp không ít khó khăn.
Khi làm xong sản phẩm, anh đem đi chào hàng ở Hội An, đem đến 5-6 cơ sở nhưng đều chỉ nhận được cái lắc đầu. May mắn có một vài cửa hàng ở Đà Nẵng đồng ý nhận bán thử.
“Nhờ một vài mối ban đầu đó mà tôi có tiền để tiếp tục duy trì cơ sở sản xuất. Sau đó, một số cửa hàng bán đồ lưu niệm ở sân bay tự tìm đến cơ sở sản xuất của tôi để đặt mua hàng”, anh Bính nhớ lại.
Sau 7 năm hoạt động, cơ sở được nhiều người biết đến. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ ở thị trường chính là Đà Nẵng mà còn được gửi đi khắp các tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM, Đà Lạt, Huế… Sản phẩm vừa bán sỉ, vừa bán lẻ. Trong đó chủ yếu là bán sỉ. Kênh phân phối chính là các siêu thị, cửa hàng đồ lưu niệm, quà tặng. Đặc biệt, cơ sở sản xuất thường xuyên nhận được đơn đặt hàng lớn từ các doanh nghiệp, các sở ngành, thành phố để làm quà tặng cho khách.
Mỗi sản phẩm có giá bán từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng. Nhờ có lượng khách ổn định, mỗi tháng anh có doanh thu hơn 120 triệu đồng. Cơ sở cũng tạo việc làm cho gần chục lao động, đặc biệt là các sinh viên ngành kiến trúc.
Nói về dự định tương lai, anh Bính cho biết sẽ phát triển đa dạng mẫu mã, đưa sản phẩm tới nhiều tỉnh thành hơn. Anh cũng đang ấp ủ mở rộng quy mô để khách hàng có thể đến mua, trải nghiệm làm sản phẩm.
“Không chỉ là công việc kiếm tiền đơn thuần, làm đồ lưu niệm còn là một cách thể hiện tình yêu của tôi đối với thành phố biển. Tôi rất yêu thành phố này, thông qua những món đồ, tôi mong muốn một góp phần nhỏ quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng đến với du khách gần xa”, anh Bính tâm sự.
Diệu Thùy