Uống 50 viên thuốc chống trầm cảm, người phụ nữ suy hô hấp, rối loạn nhịp tim
Uống một lúc khoảng 20 viên Amitriptyline và 30 viên Sulpiri (thuốc chống trầm cảm), người phụ nữ lơ mơ, gia đình đưa đến viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, phải thở máy...
Cấp cứu 5 bà cháu trong tình trạng 'miệng nôn, trôn tháo' do ăn cá sấu hỏa tiễn
Sang nhà người quen được chiêu đãi món thịt cá sấu hoả tiễn, sau đó còn mang trứng về ăn tiếp bữa tối. Sau khi ăn khoảng 90 phút, 5 bà cháu bà Hoa phải nhập viện cấp cứu...
Hôn mê, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim
Các bác sĩ Khoa Hồi sức Tích cực Nội - Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết vừa cứu sống thành công người phụ nữ 31 tuổi uống quá liều thuốc chống trầm cảm.
Gia đình cho biết người bệnh có tiền sử trầm cảm và đang điều trị bằng thuốc tại nhà. Trước khi nhập viện khoảng 2 tiếng người bệnh có uống khoảng 20 viên Amitriptyline và 30 viên Sulpirit.
Các loại thuốc này có tác dụng giảm lo âu, thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, sau uống người bệnh lơ mơ, gọi hỏi biết nhưng chậm chạp. Gia đình vội vàng đưa người bệnh tới Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cấp cứu.
Một trong hai loại thuốc giảm lo âu, chống trầm cảm mà bệnh nhân uống |
Bệnh nhân đến viện trong trạng thái hôn mê, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim. Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành đặt ống nội khí quản, cho người bệnh thở máy, rửa dạ dày, dùng thuốc kiểm soát rối loạn nhịp tim.
Sau khi điều trị tích cực người bệnh đã qua cơn nguy kịch, các chỉ số sức khỏe được kiểm soát. Và sau 3 ngày điều trị người bệnh tỉnh táo, nhịp tim trở lại bình thường và được chuyển khoa Tâm thần kinh để điều trị nội khoa. Người bệnh đã ổn định và được xuất viện sau 7 ngày điều trị.
Rất dễ tìm cách tự sát
Trao đổi với phóng viên Infonet, TS Trần Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho rằng, tất cả người bệnh trầm cảm nói riêng, người bệnh tâm thần nói chung đều phải có người nhà theo dõi sát sao. Trong đó một việc vô cùng quan trọng là quản lý thuốc và uống thuốc theo đơn, không để người bệnh tự ý lấy thuốc uống.
Bởi mức độ ảnh hưởng của bệnh có thể rất nặng nề. Khả năng những người bị trầm cảm muốn tự tử là khá cao. Theo thống kê có khoảng 15% những bệnh nhân bị trầm cảm có hành vi tự sát trong một thời điểm nào đó của cuộc đời và có khoảng 4% bệnh nhân chết do tự sát.
“Người bệnh có thể tự sát bằng nhiều cách như tự làm hại bản thân, tự gây thương tích, dùng vũ khí, dây, thuốc độc… Và thuốc chữa bệnh không phải là tình huống ngoại lệ để mà người nhà lơ là”, TS. BS Trần Hồng Thu nói.
Khi người bệnh có ý tưởng tự sát mãnh liệt thì họ có thể dùng bất cứ cái gì để thực hiện. Do đó, việc để thuốc trầm cảm cho người bệnh tự quản lý sẽ rất dễ để họ lạm dụng, liều lĩnh…
“Trong đầu người mắc trầm cảm toàn suy nghĩ tiêu cực, muốn ra sao thì ra nên họ sẵn sàng làm mọi thứ mà không thiết gì”, TS. BS Trần Hồng Thu.
TS. BS Trần Hồng Thu cảnh báo, tỷ lệ trầm cảm hiện nay rất nhiều. Trong đó bao gồm tỷ lệ trầm cảm đơn độc và trầm cảm đơn kèm theo các bệnh lý tâm thần khác hoặc bệnh trầm cảm kèm theo các bệnh khác trong cơ thể … Bệnh rất thường gặp và nhiều trường hợp cũng hay bị nhầm sang bệnh khác.
Theo Bộ Y tế, đến năm 2017 chúng ta có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Viện Sức khoẻ Tâm thần có khoảng 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%.
Tuy nhiên còn rất nhiều bệnh nhân không đến bệnh viện thăm khám, điều trị. Nguyên nhân là do, nhiều người vẫn còn mơ hồ về căn bệnh này, khiến việc chẩn đoán sớm và điều trị bệnh gặp rất nhiều khó khăn.
TS. Trần Thị Hồng Thu, nhấn mạnh bệnh trầm cảm có thể được điều trị bằng thuốc hoặc kết hợp với liệu pháp tâm lý. Nếu không được điều trị thành công thì khả năng người bệnh bị tái phát sẽ rất cao, ước lượng khoảng 50%. Vì thế bạn nên làm các bài test mức độ trầm cảm nếu có những biểu hiện bất thường để có kế hoạch đến viện kiểm tra sức khoẻ và nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ đội ngũ các y bác sĩ.
- Ít quan tâm hứng thú.
- Cảm thấy thất vọng.
- Mất ngủ hoặc ngủ nhiều.
- Kiệt sức.
- Chán nản.
- Cảm thấy bản thân thất bại, vô dụng.
- Khó tập trung vào công việc.
- Di chuyển chậm chạp hoặc nói chậm.
- Có ý niệm về cái chết.
Nếu bệnh nhân có 5-9 triệu chứng kéo dài trên 2 tuần, ảnh hưởng chức năng của người bệnh hoặc đôi khi cần nhập viện thì tức là đã mắc trầm cảm.
N. Huyền