Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ có bắt buộc không?
Nhiều phụ huynh lo lắng việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 tới 11 tuổi, băn khoăn không biết việc tiêm chủng này có bắt buộc hay không?
Chị Nguyễn Lan Anh (Hà Nội) cho biết con chị 10 tuổi, đang học lớp 4 chưa mắc Covid-19 nhưng chị vẫn không đăng ký cho con tiêm vắc xin. Sau khi thấy chị không đăng ký cho con, cô giáo đã gọi điện hỏi vì sao bé chưa mắc Covid-19 và gia đình lại không tiêm. Chị Lan Anh cho biết đó là lựa chọn của gia đình.
Tuy nhiên, khi con chị đi học về nhà cháu nói với mẹ cô hỏi bạn nào chưa mắc Covid-19 thì đứng lên. Khi con đứng lên thì cô hỏi con có tiêm vắc xin Covid-19 không. Vì bối rối nên con trả lời cô có. Tối cô giáo lại nhắn tin cho mẹ con hỏi về việc muốn tiêm cho con ở trường hay ở bệnh viện.
Chị Lan Anh quả quyết gia đình không tiêm. Chị lo lắng không biết trường hợp trẻ có phải bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19 không?
Về vấn đề này, TS BS Phạm Quang Thái – Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em không phải là bắt buộc trong hoàn cảnh hiện tại, việc đăng ký tiêm theo từng gia đình.
Ảnh minh hoạ. |
Tuy nhiên, BS Thái cho biết quan điểm của ông là mọi trẻ em đều cần vắc xin để được bảo vệ trước bệnh Covid-19. Những bằng chứng khoa học cho thấy vắc xin không những bảo vệ trẻ khỏi mắc bệnh nặng và tử vong mà còn làm giảm nguy cơ bị hậu Covid-19 khi không may bị mắc bệnh.
Những trẻ có bệnh lý nền, có tình trạng sức khoẻ không tốt như béo phì hay bệnh lý bẩm sinh thì rất cần được tiêm và nên được ưu tiên tiêm trước. Chỉ có các trẻ có tình trạng dị ứng/phản vệ với liều tiêm trước hay thành phần của vắc xin thì mới có chống chỉ định với vắc xin này.
Ngoài ra, trẻ em đang có bệnh lý tiến triển hoặc mắc các bệnh cấp tính thì cần hoãn tiêm và khám chuyên khoa, chỉ khi không còn tình trạng bệnh cấp tính và các bệnh lý đang mắc được chẩn đoán là ổn định thì mới đủ tiêu chuẩn để được tiêm vắc xin Covid-19.
Cũng theo TS thái, vắc xin phòng bệnh Covid-19 loại dành cho trẻ em sử dụng công nghệ mRNA hay ARN thông tin. Đây là công nghệ đã được phát triển nhiều năm trước đây nhằm tạo ra thuốc điều trị ung thư và các bệnh lý nguy hiểm khác.
'Thực tế công nghệ này đã được sử dụng và được chứng minh trên lâm sàng về tính an toàn và hiệu quả và chỉ gần đây áp dụng cho vắc xin phòng Covid-19. Khi đưa vào để sản xuất vắc xin, cũng đã có khá nhiều câu hỏi liên quan đến tính an toàn của vắc xin này.
Đến hiện tại, vắc xin này đã có hàng trăm triệu liều sử dụng trên thế giới cũng như việc giám sát hậu bán hàng của các hãng dược, vắc xin đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả hơn hẳn các công nghệ truyền thống trước đây. Vì vậy không có gì đáng ngại khi vắc xin được sử dụng để tiêm cho trẻ em', TS Thái cho biết.
Với 2 loại vắc xin Pfizer và vắc xin Moderna được sử dụng trong đợt tiêm chủng này, chắc chắn tác dụng sẽ không giống nhau hoàn toàn bởi hàm lượng cũng như công nghệ của hai hãng là không hoàn toàn giống nhau.
Theo đó, cơ quan y tế bố trí vắc xin Pfizer cho nhóm trẻ nhỏ hơn và Moderna cho nhóm trẻ lớn hơn là để đảm bảo tính an toàn, hiệu quả cũng như giảm thiểu hao phí trong chiến dịch tiêm chủng.
Việc theo dõi hiệu quả và đảm bảo an toàn tiêm chủng vẫn liên tục được tiến hành trong suốt chiến dịch để đảm bảo trẻ em Việt Nam được bảo vệ ở mức độ cao nhất.
K.Chi