'Siêu vắc xin Evusheld' có phải bùa hộ mệnh chống Covid-19?
Những ngày qua, thông tin về 'siêu vắc xin Evusheld' được nhiều người quan tâm thậm chí nó được coi như “bùa” hộ mệnh chống Covid-19.
Kháng thể đơn dòng Evusheld của AstraZeneca đầu tiên trên thế giới để dự phòng Covid-19 đã được Bộ Y tế chính thức cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Nó được mệnh danh là siêu vắc xin.
Theo đó, chỉ vài giờ sau khi tiêm Evusheld cơ thể đã có đủ lượng kháng thể cần thiết để bảo vệ không mắc Covid-19 với hiệu quả lên tới 83% và không có trường hợp nào bệnh nặng hay tử vong trong suốt 6 tháng theo dõi trong nghiên cứu PROVENT của AstraZeneca.
Những người không thể tiêm bất kỳ loại vắc xin Covid-19 nào hiện có vì từng xảy ra tác dụng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần của vắc xin Covid-19 như: dị ứng nặng, sốc phản vệ… vẫn được chỉ định tiêm. Evusheld được chứng minh có hiệu quả phòng ngừa ít nhất 6 tháng, đặc biệt có thể phòng ngừa cả biến chủng Omicron.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA, trong những ngày qua các thông tin về siêu vắc xin Evusheld được nhiều người quan tâm, thậm chí không ít người xin ý kiến của TS Vũ có nên tiêm hay không.
Evusheld được FDA cấp phép khẩn cấp tháng 12/2021, Evusheld được cấp phép sử dụng với mục tiêu ngăn cản lây nhiễm. FDA cũng có chỉ định cho người dùng kháng thể này đó là:
Thứ nhất, người không mắc virus và người không tiếp xúc với người mắc Covid-19 trong thời gian gần đó.
Thứ hai, Evusheld chỉ sử dụng trên người suy giảm miễn dịch vừa và nặng. Thông thường những người này dù tiêm đủ 3 mũi vắc xin thì cũng không thể sinh được kháng thể tốt như người bình thường như người bị ung thư máu, ghép tuỷ, ghép tạng phải sử dụng thuốc chống thải ghép, người bị HIV… khi đó Evusheld là lựa chọn cho họ.
Thứ ba, người tiêm vắc xin nhưng bị các phản ứng phụ của vắc xin thậm chí sốc phản vệ khiến họ không thể tiêm được vắc xin, được khuyến cáo tiêm Evusheld.
Siêu vắc xin Evusheld có phải bùa hộ mệnh chống Covid-19 ? |
Theo TS Vũ, khác với các vắc xin mang kháng nguyên tiêm vào cơ thể để cơ thể tạo ra kháng thể chống lại virus. Còn Evusheld thì khác hoàn toàn nó là tiêm trực tiếp kháng thể vào cơ thể để nhận biết virus, ngăn cản virus xâm nhập vào cơ thể, nó là kháng thể thụ động, không phải kháng thể do chính tế bào của cơ thể sinh ra như khi ta tiêm vắc xin.
TS Vũ cho rằng người bình thường vẫn nên tiêm vắc xin và cố gắng tiêm đủ 2 – 3 mũi vắc xin thì không cần tiêm Evusheld nữa. Lợi ích của vắc xin Covid-19 khác với việc chúng ta tiêm trực tiếp kháng thể. Tiêm kháng thể có thể suy giảm sau 6 tháng và kháng thể thụ động này không tác động tới hai hệ miễn dịch lớn của cơ thể là tế bào T và tế bào B.
Trong khi đó, vắc xin Covid-19 thông thường có tác dụng kích hoạt hai hệ thống miễn dịch trong cơ thể hệ thống miễn dịch tế bào B và tế bào T. Tế bào B tạo ra kháng thể để bám lên virus tránh xâm nhiễm vào cơ thể nhưng mặt trận tế bào B không còn hiệu quả như trước do biến chủng mới thay đổi, kháng thể này không bám tốt nên người tiêm đủ vắc xin mũi 2 – 3 vẫn nhiễm biến chủng mới.
Nhưng tế bào T vẫn có khả năng nhận biết tế bào nào của cơ thể đang bị virus tấn công nên tế bào T sẽ tấn công tế bào mang virus tiêu diệt tế bào mang virus và chính virus nên ngăn sự trở nặng của bệnh Covid-19, virus tiêu diệt nhanh hơn.
Khi chúng ta tiêm Evusheld sẽ không có sự hoạt hoá hai tế bào T và B nên không thể gọi nó là siêu vắc xin.
Ngoài ra, cũng như vắc xin khi tiêm Evusheld người tiêm cũng có thể có các phản ứng phụ như đau đầu, mệt mỏi. Evusheld cũng bị virus vượt rào. Có nghiên cứu thấy rằng Evusheld giảm khả năng trung hoà virus với chủng Omicron khoảng 12 – 30 lần, vì vậy nếu có biến chủng mới xuất hiện thì sẽ không còn.
TS Vũ cho rằng gọi nó là siêu vắc xin Evusheld là không phù hợp vì nó không có siêu như vậy và chỉ sử dụng trên những người suy giảm miễn dịch và không thể tiêm vắc xin. Nếu bạn vẫn có thể tiêm vắc xin Covid-19 thì nên tiêm vắc xin vì lợi ích của vắc xin Covid-19 như trên vẫn tốt. Khi đã nhiễm thì không cần tiêm Evusheld – TS Vũ nhấn mạnh.
Khánh Chi