Nhiều bệnh viện rơi vào 'thế khó' mùa Covid-19
Trong làn sóng dịch thứ 4, cả nước ghi nhận hơn 20 cơ sở y tế phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động thậm chí phong tỏa cứng vì liên quan tới Covid-19.
Nguy cơ sốc nhiệt của nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ
Những ngày qua khu vực Bắc Bộ nắng nóng, nhân viên y tế trên cả nước đang thực hiện công tác chống dịch Covid-19 ngoài áp lực công việc thì nỗi ám ảnh nhất với họ là mặc trên người những bộ quần áo phòng hộ.
Đến nay, nhiều ca Covid-19 được phát hiện qua quá trình có triệu chứng khi người bệnh đi khám tại các cơ sở y tế. Riêng khu vực TP.HCM nhiều bệnh viện lớn phải tạm đóng cửa khi ca Covid-19 ghé qua khám bệnh.
Sáng 27/5, một thai phụ 30 tuổi ở quận Tân Phú đến Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ TP.HCM khám với triệu chứng ho, sốt, đau họng, mệt… Bệnh nhân được đưa vào buồng cấp cứu sàng lọc, xét nghiệm, kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay sau đó, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ tạm ngưng đón người bệnh đến khám, thăm bệnh trong hai ngày, từ ngày 28/5 đến ngày 29/5, nhằm khử khuẩn, đảm bảo an toàn cho người bệnh và thân nhân trong tình hình dịch phức tạp.
Tại Hà Nội, Phòng khám Trần Duy Hưng của BV Thu Cúc bị đình chỉ 20 ngày không tiếp nhận bệnh nhân vì trước đó có bệnh nhân có yếu tố dịch tễ đến.
PGS Nguyễn Hoài Nam – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Minh Anh TP.HCM, chia sẻ hiện tại tâm lý chung của các bệnh viện nhất là bệnh viện tư nhân đang bối rối họ rơi vào cảnh 'trên đe dưới búa'. Bác sĩ Hoài Nam cho biết nếu không mở cửa đón tiếp bệnh nhân, từ chối khám chữa bệnh cũng bị phạt mà mở cửa để đón tiếp người bệnh thì chỉ cần F0 ghé qua là bệnh viện cũng lao đao, phức tạp.
Bệnh viện Hoàn Mỹ từng bị đóng cửa vì F0 tới khám. |
Bác sĩ Nam cho biết một số bệnh viện quỹ đất không có nên việc xây dựng các vùng đệm phân luồng sàng lọc cũng hạn chế chứ không phải là bản thân giám đốc không muốn thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh.
Hiện tại, TP.HCM đã có nhiều ca Covid-19 trong cộng đồng và bất cứ khi nào các phòng khám, bệnh viện cũng là nơi mà các F0 có thể đến.
Một bệnh nhân vào khám chi phí để tiếp đón, phục vụ bệnh nhân có thể lớn hơn chi phí khám bệnh. Ví dụ 2 bộ bảo hộ cũng tốn hơn 100 nghìn, sát khuẩn, phun khử khuẩn…. PGS Nam tâm sự có lúc ông và các đồng nghiệp tự hỏi hay là đóng cửa bệnh viện để tránh “hạn” Covid-19.
PGS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, cho biết các bệnh viện cũng không hoàn toàn né bệnh nhân bởi bệnh viện cần bệnh nhân để hoạt động. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 lây lan ra cộng đồng, virus lẩn khuẩn trong cộng đồng thì nguy cơ có ca Covid-19 vào bệnh viện rất hiện hữu. Vì vậy, tất cả các bệnh viện cần nâng cao cảnh giác, nhân viên y tế tiếp xúc với các ca nghi ngờ cũng hết sức cẩn trọng.
PGS Hiếu cho biết ở BV đại học Y các ca phải nhập viện sẽ được test Covid-19 trước còn bệnh nhân đến khám vẫn thực hiện phân luồng, sàng lọc. Nếu có yếu tố nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ được đưa đi làm xét nghiệm PCR để chẩn đoán.
Hiện cái khó của nhiều bệnh viện tư đó là họ không có khả năng để làm tốt công tác sàng lọc từ vùng đệm, nhưng bất cứ bệnh viện nào vẫn cần hoạt động chỉ cần làm tốt phòng hộ cá nhân ở nhân viên y tế.
Trước đó, Bộ Y tế cũng ra công văn yêu cầu các bệnh viện hạn chế tối đa người nhà, người thân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hạn chế nhập viện nội trú khi không thực sự cần thiết. Rà soát bố trí khoa, phòng; quy trình khám, chữa bệnh hợp lý... không để người bệnh phải nằm ghép. Bố trí khoảng cách ít nhất là 2m giữa các giường bệnh. Bảo đảm thông khí tự nhiên trong buồng bệnh, khoa, phòng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Khuyến cáo người dân nên đến tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu để được khám, chữa bệnh. Triển khai đăng ký trực tuyến, đặt lịch hẹn trước khi đến khám, chữa bệnh. Triển khai đăng ký trực tuyến và khuyến cáo người dân không nên đến quá sớm trước lịch hẹn.
Ngoài ra, với người bệnh mắc bệnh mạn tính, đã điều trị ổn định, thực hiện khám bệnh, kê đơn thuốc điều trị ngoại trú từ 1 đến 3 tháng, đồng thời đảm bảo cung cấp đủ thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh theo kê đơn thuốc cho đến lịch tái khám dự kiến tiếp theo.
K.Chi