Người tăng huyết áp có nên tiêm vắc xin phòng Covid-19?
Hiện tại không có khuyến cáo huyết áp là bao nhiêu thì có thể tiêm vắc xin Covid-19 cũng như không có chống chỉ định tiêm chủng cho bệnh nhân tăng huyết áp
Câu hỏi:
Tôi ngoài 50 tuổi, bị tăng huyết áp, phải uống thuốc hàng ngày 3 năm nay. Vậy cho hỏi, tôi có tiêm được vắc xin phòng Covid-19 hay không? Nếu tiêm được thì cần chú ý những gì?
Trương Văn Thắng (Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Trả lời:
BS. Bùi Văn Thường, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân tăng huyết áp cũng như các bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch mạn tính khác có nguy cơ xuất hiện các biến chứng nặng thậm chí tử vong cao hơn khi mắc Covid-19. Vì vậy, đây là nhóm đối tượng cần được ưu tiên tiêm chủng sớm để ngăn ngừa xuất hiện các biến cố nặng đó.
BS Thường cũng lưu ý, trong thời gian tiêm chủng (trước và sau tiêm), người tăng huyết áp vẫn tiếp tục duy trì thuốc huyết áp, không được dừng thuốc.
Trả lời câu hỏi, tiêm vắc xin có gây tăng huyết áp không, BS Thường thông tin: Không có cơ chế liên quan giữa việc tiêm vắc xin và tăng huyết áp. Tuy nhiên, một số nghiên cứu quan sát cho thấy có một tỉ lệ xuất hiện tăng huyết áp ngay sau tiêm, điều này được giải thích là do liên quan tới yếu tố tâm lý lo lắng khi tiêm chứ không liên quan trực tiếp đến vắc xin.
BS Thường cũng nhấn mạnh, hiện tại không có khuyến cáo huyết áp là bao nhiêu thì có thể tiêm vắc xin Covid- 19. Không có chống chỉ định tiêm chủng cho bệnh nhân tăng huyết áp.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn nhất khi tiêm chủng, trước khi tiêm, huyết áp nên ở mức giới hạn bình thường (90-140mmHg với huyết áp tâm thu và 60-90mmHg với huyết áp tâm trương).
Khi huyết áp quá cao (kể cả tiêm hay không tiêm vắc xin) cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến cố tim mạch/ đột quỵ. Ngoài ra, huyết áp cao gây khó khăn cho việc theo dõi, đánh giá một số phản ứng sau tiêm, đặc biệt là các trường hợp phản vệ sau tiêm vắc xin. Các trường hợp dù đã tối ưu điều trị tăng huyết áp nhưng huyết áp vẫn cao thì cần được tiêm ở các cơ sở y tế có khả năng theo dõi, xử trí hồi sức tốt.
Ngoài ra, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cũng khuyến cáo 5 điều nên thực hiện trước và sau tiêm vắc xin ngừa Covid-19 gồm:
Ngủ thật ngon vào đêm trước khi tiêm. Đây là điều quan trọng, giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tối đa.
Bổ sung đủ nước trước và sau tiêm. Sau tiêm, cơ thể có thể bị sốt, dễ gây mất nước. Nên uống từ từ, chia nhỏ lượng uống, có thể bổ sung nước hoa quả như nước chanh, nước cam để cung cấp thêm vitamin C, A.
Ăn đầy đủ và đa dạng thực phẩm. Nên ăn đủ các nhóm chất thịt, cá trứng sữa, các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi.
Ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Nếu buồn nôn và chán ăn sau tiêm, nên dùng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp gà, cháo thịt bằm với đậu xanh... và chia nhỏ bữa ăn.
Nghỉ ngơi hoặc tập thể dục nhẹ nhàng. Sau tiêm, cơ thể mệt mỏi do tác dụng phụ, nên nghỉ ngơi, có thể tập thể dục nhẹ nhàng chất béo bão hòa làm tăng phản ứng viêm như: đi bộ chậm...
Song song với đó, HCDC cũng khuyến cáo 4 điều không nên thực hiện khi đi tiêm:
Không để bụng đói trước khi tiêm. Nhịn đói trước tiêm có thể gây chóng mặt, ngất xỉu, đặc biệt nếu bạn là người sợ kim tiêm.
Không uống rượu, bia trước và sau tiêm. Rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vaccine.
Không uống nhiều thực phẩm chứa caffein (trà, cà phê, nước tăng lực...) trước khi tiêm. Caffein làm tăng tần số tim, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim khi sử dụng quá nhiều. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng.
Không ăn nhiều chất béo bão hòa. Thức ăn nhanh, đồ chiên, nướng, chứa nhiều chất béo bão hoà làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây hại sức khỏe.
N. Huyền