Khỏi Covid-19 đã 3 tháng vẫn ho, khó thở
Từ trải qua những ngày sinh tử chiến đấu với Covid-19, nhiều người trở lại cuộc sống bình thường không còn như trước khi sức khỏe giảm trầm trọng.
Tại BV Đại học Y Dược TP.HCM các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận người bệnh đến khám “hậu Covid-19”. Nhiều bệnh nhân khó thở, ho liên tục dù đã trải qua F0 từ 2 – 3 tháng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tư – 43 tuổi, TP.HCM đã trải qua Covid-19 hơn 3 tháng nhưng tới nay những cơn ho như vỡ họng, khó thở vẫn theo đuổi chị. Chị Tư kể lúc là F0 chị bị nặng phải thở máy không xâm nhập. Rời bệnh viện về nhà là chuỗi ngày cuộc sống “đi mượn” khi cơ thể không còn là của mình.
Chị Tư đối diện với những ngày mất ngủ, khó thở, nhịp tim nhanh, ho. Đặc biệt chị bị rối loạn lo âu lúc nào cũng nghĩ tới mình sẽ chết, mất ngủ. Chị thực sự mệt mỏi. Vì không có điều kiện để chữa triệu chứng 'hậu Covid-19' chị Tư cứ sống chung với nó. Đã 3 tháng qua chị vẫn đối diện với ho, khó thở, mất ngủ. Cuộc sống suy giảm trầm trọng.
Cũng tương tự, anh Đoàn Văn Tài – 45 tuổi, trú Gò Vấp, TP.HCM cũng khổ sở vì 'hậu Covid-19'. Anh Tài cho biết trong giai đoạn bệnh Covid-19 anh không có triệu chứng gì. Anh nghĩ mình chỉ là người lành mang trùng, thấy mình may mắn hơn người khác. Nhưng sau 2 tuần âm tính thì anh Tài lại rơi vào chứng 'hậu Covid-19' khi cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi, nhịp tim nhanh, mất ngủ và trong tâm trạng luôn bất ổn, lo lắng.
Anh Tài không nghĩ mình mang di chứng 'hậu Covid-19' vì không có triệu chứng gì. Đến lúc đi khám bệnh cũng có nhiều người giống anh trong giai đoạn dương tính không có triệu chứng gì thì hậu Covid-19 vẫn nặng nề, khổ sở. Lúc trước anh Tài có thể vác bao hàng nặng 50-60 kg, giờ gắng hết sức mới nhấc nổi 20 kg.
Nhiều mặt bệnh mới sau Covid-19. |
PGS Nguyễn Hoài Nam – Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết nhiều người sau khi đã vượt qua 'đại nạn', phổi dần hồi phục, xét nghiệm Covid-19 âm tính nhưng nhưng sức khỏe khá yếu, đi lại chưa vững, chỉ tự làm vệ sinh cá nhân. Đặc biệt, có nhiều người sau Covid-19 vẫn thiếu oxy thầm lặng, thở nặng nhọc, SpO2 dao động 88-92%.
Người ta gọi bệnh Covid-19 là bệnh “chết đuối cạn” vì bệnh nhân rơi vào tình trạng khó thở. Đặc biệt tình trạng bệnh nhân bị mất ngủ, khó thở nhẹ, hụt hơi, ho thì rất nhiều do tình trạng viêm phổi sau khi nhiễm Covid-19.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng khoa Khám hậu Covid-19 cũng cho biết hàng ngày có rất nhiều người bệnh tới khám với các triệu chứng của hậu Covid-19 như khó thở, ho thậm chí bệnh nhân đã qua 3, 4 tháng vẫn chưa khỏi các di chứng này.
BS Vinh cho rằng nếu người bệnh Covid-19 đã âm tính nhưng vẫn khó thở nên tìm tới các cơ sở y tế khám không nên tự ở nhà thở oxy có thể gây xơ phổi. Thực tế, BS Vinh cũng gặp có bệnh nhân dù âm tính nhưng khó thở và cứ lệ thuộc vào máy tạo nồng độ oxy tại nhà đến khi xơ phổi việc điều trị cho bình phục sẽ khó hơn rất nhiều.
Có những bệnh nhân bị di chứng dù trong thời gian cấp tính Covid-19 không có triệu chứng nhưng sau khi điều trị khỏi bệnh lại có vấn đề về phổi. Thường bệnh xuất hiện lai rai vào những tháng thứ hai, thứ ba và thứ tư hậu Covid-19. Những tổn thương phổi không thể hồi phục trong thời gian ngắn, chúng cần ít nhất 3-4 tuần.
BS Vinh khuyến cáo người bệnh Covid-19 sau thời gian điều trị có dấu hiệu của hậu Covid-19 như khó thở, chóng mặt, hụt hơi, mệt mỏi, ho, mất ngủ thì nên tới các cơ sở y tế khám tổng quát, chụp hình phổi xem có bị tổn thương phổi hay không để điều trị kịp thời khi chưa bị xơ phổi.
Những bệnh nhân tự điều trị ở nhà, nếu có những biểu hiện khó thở, thở hụt hơi cũng cần đi khám ngay, theo dõi điều trị sớm nhanh phục hồi hơn.
Mệt mỏi
Đau đầu
Rối loạn chú ý
Rụng tóc
Khó thở
Mất vị giác
Mất khứu giác
Thở gấp sau vận động
Đau khớp
Ho
Đổ mồ hôi
Buồn nôn hoặc nôn
Đau, khó chịu ở ngực
Khánh Chi