Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương: Hà Nội nên thí điểm cách ly F1, F0 tại nhà
Dù số ca Covid-19 không nhiều nhưng Hà Nội nên thí điểm cách ly F0, F1 tại nhà để nếu số ca có tăng thêm thì Hà Nội đã có kinh nghiệm xử lý, không còn lạ lẫm - Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương đề xuất
PGS.TS Trần Đắc Phu: 'Hà Nội nên thí điểm cách ly F1 tại nhà'
Hà Nội nên thực hiện thí điểm ngay cách ly F1 tại nhà - vừa có tính chất thí điểm vừa mang tính tập dượt sẵn sàng cho tình huống các ca bệnh nhiều lên.
Nên thí điểm dù số ca F0 còn ít
PGS Nguyễn Viết Nhung cho biết cho rằng hiện Bộ Y tế đã có hướng dẫn các địa phương cách ly F1 tại nhà và thực hiện, với TP HCM thấy rõ ràng lợi ích của nó. Đó là hình thức ta cách ly các trường hợp đủ điều kiện.
Vì vậy, dù số ca Covid-19 chưa cao PGS Nhung cho rằng Hà Nội không nên đưa hết F1 đi cách ly tập trung, F0 vào viện mà nên thí điểm mỗi quận huyện cách ly sau đó báo cáo để xem có nút thắt nào thì gỡ ngay.
Ví dụ, 1 F0 cách ly tại nhà đáp ứng đủ điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, xây dựng 4 phương châm tại chỗ, có tổ Covid-19 ngay tại địa phương theo dõi sức khoẻ của F0 và cần làm thành thục quy trình này để nếu số ca có tăng thêm thì Hà Nội đã có ngay kinh nghiệm xử lý, không còn lạ lẫm trong việc này.
Hướng dẫn của Bộ Y tế cho biết thực hiện thí điểm để hoàn thiện quy trình, giải quyết các vướng mắc.
Theo PGS Nhung, khi số lượng cần cách ly lớn, nếu cách ly F1 hết sẽ gây ra quá tải, lây nhiễm ở khu cách ly tập trung khó tránh khỏi. Vì vậy phải sử dụng nguồn lực cách ly F1 tại nhà.
Hơn 80% F0 không triệu chứng, hoặc triệu chứng rất nhẹ, không cần vào bệnh viện, không cần chăm sóc y tế thực sự, thì có thể cách ly ngoài bệnh viện. Khi số lượng cách ly lớn thì bệnh viện không thể cung cấp số giường đủ được. Trong khi số lượng ít trở nặng, cần chăm sóc y tế thực sự thì cần phải có giường để điều trị.
Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cách ly tại nhà đối với F1, F0 thực sự giảm tải cho y tế và còn lợi ích hơn nữa cho người dân, vì khi có đủ điều kiện ở nhà, cuộc sống đỡ đảo lộn hơn, có điều kiện tốt hơn chăm sóc sức khỏe của mình, tránh được lây nhiễm chéo trong cách ly tập trung.
PGS Nguyễn Viết Nhung |
Điều kiện cách ly F1, F0 tại nhà
Cách ly tại nhà là ngăn chặn nguồn lây nhiễm bệnh cho cộng đồng, cho người khác vì vậy F1 cần tuân thủ điều kiện:
Điều kiện 1: F1 tại nhà phải hiểu Covid-19 là gì, lây ra sao, đảm bảo không lây nhiễm và mọi người phải cam kết.
Điều kiện 2: Gia đình phải đủ cơ sở vật chất để làm, ví dụ có phòng khép kín vệ sinh, tách biệt với cả gia đình... Tốt hơn là có phòng đệm trao đổi thức ăn.
Điều kiện 3: Phải có người phục vụ chúng ta vì F1 sẽ không ra khỏi phòng, người thân hiểu biết về cách ly và cam kết như thế nào.
Điều kiện 4: giám sát, tuy là cách ly tại nhà, song vẫn có cả hệ thống y tế theo dõi và nhiều người hỗ trợ. Điều kiện này cực kỳ quan trọng, nhấn mạnh phải là tổ Covid cộng đồng, cán bộ y tế được giao nhiệm vụ.
Với F0 ngoài các điều kiện như F1 trên thì cần thêm 3 điều kiện khác nữa:
Điều kiện 5: F0 phải biết theo dõi sức khỏe của mình, ví dụ đo nhiệt độ, huyết áp, dụng cụ đo bão hòa oxy ở đầu ngón tay, phải biết thế nào là khó thở, tức ngực, theo dõi định kỳ hàng ngày... thường xuyên trao đổi với người giám sát, thực hành đúng, khi ta cần hỗ trợ. Thông thường là sau 1 tuần nếu có biến chứng sẽ xảy ra rồi, cần gọi ai nếu cần chăm sóc.
Điều kiện 6: Nếu cách ly tại nhà, thì mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo cách ly với người thân nhưng người thân vẫn cần theo dõi kiểm tra F0 không nên bỏ mặc F0. Có thể cho F0 tự xét nghiệm tại nhà.
Điều kiện 7: Nếu có biến chứng cần vào bệnh viện chăm sóc thì cần điều kiện như thế nào, bảo hộ ra sao, phương tiện...
Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành văn bản số 5599/BYT- MT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn cách ly F0 tại nhà sau thời gian điều trị tại các cơ sở y tế, nhằm giảm số lượng người bệnh Covid-19 được điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố đang có số lượng người bệnh và nhu cầu điều trị tăng cao như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…
Nên dừng việc phun hoá chất ngoài trời phòng ngừa Covid-19?
Theo các chuyên gia việc sử dụng hoá chất phun ngoài đường, phun lên cây, không trung, hoàn toàn không có tác dụng tiêu diệt vi rút gây bệnh Covid-19 mà làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Khánh Chi