F0 bị sốt cần làm gì?
Hiện nay đa số người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng, nhưng có một số người có thể bị sốt đặc biệt là người chưa tiêm vắc xin. Vì vậy việc xử lý khi bị sốt cũng rất quan trọng, giúp người bệnh không bị mệt.
Theo BS Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch hội truyền nhiễm TP HCM, sốt là tình trạng tăng thân nhiệt do nhiều nguyên nhân trong đó có nhiễm trùng do virus. Sốt cũng là một cách thức cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus... nên sốt có thể hiểu là một tình trạng "tốt", nên không phải cứ sốt là phải tìm cách "hạ sốt".
Chỉ hạ sốt nếu sốt trên 39-40 độ C, sẽ gây ra tình trạng mệt, mất nước, rối loạn thần kinh (kích thích hoặc thậm chí co giật ở trẻ nhỏ).... lúc đó cần hạ sốt. Vì vậy khi bạn đo nhiệt độ nếu thấy trên 38,5 độ C thì bắt đầu cần hạ sốt.
Các cách hạ sốt: Đầu tiên là nới lỏng quần áo, đảm bảo môi trường thoáng khí, bệnh nhân nên mặc áo cotton, thoáng nhưng không được để nhiễm lạnh, bệnh nhân F0 đang sốt, không nên mặc bộ đồ bảo hộ chống dịch. Bạn có thể sử dụng thêm các biện pháp cơ học như lau khăn cùng nách, bẹn, đắp khăn lạnh vùng trán.
Sử dụng thuốc hạ sốt có thể dùng Paracetamol ( panadol, efferalgan...) theo liều chỉ dẫn. Tối thiểu mỗi lần cách nhau 4 giờ. Nếu dị ứng với Paracetamol ta dùng Ipuprofen. Nếu có tiền sử bệnh gan thì không nên lạm dụng, hoặc nếu cần dùng thì nên dùng kèm luôn thuốc bảo vệ tế bào gan.
Bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM. |
Trong thời gian qua, nhiều bệnh nhân cho biết khi họ nhận các túi thuốc bác sĩ đều thấy các túi thuốc điều trị Covid-19 túi nào cũng có Paracetamol. BS Khanh nhấn mạnh, các bạn không nên lạm dụng nó, chỉ dùng khi sốt cao trên 38,5 độ C. Nếu không có triệu chứng vì sợ hãi quá đã uống thuốc thì sẽ nguy hiểm, có thể ngộ độc thuốc.
Khi sốt cao, nếu dùng thuốc hạ xuống không nhiều, đừng vội tăng liều, các bạn nên nới rộng quần áo, mặc ít đồ, làm mát bằng các biện pháp vật lý. Đảm bảo đủ nước điện giải vì sốt gây mất nước bằng các loại nước trái cây, osezol...
3 bệnh mãn tính đặc biệt lưu ý
Theo Bộ Y tế, có 20 bệnh mãn tính khi gặp thêm bệnh Covid-19 sẽ nguy hiểm. Tuy nhiên, bác sĩ Khanh lưu ý trong cộng đồng hiện nay thì các bệnh mãn tính dưới đây là hay gặp nhất:
Với bệnh nhân đái tháo đường
Đây là một bệnh có nguy cơ rất cao, dễ gây nặng và tử vong do cơ thể đã tổn thương nhiều cơ quan như tăng huyết áp, suy thận, mạch máu xơ vữa...
Khi mắc Covid-19, cơ thể dễ tổn thương, các cục máu đông dễ gây biến chứng như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, thận, phổi.... Nếu không kiểm soát đường máu tốt, dễ dẫn đến hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu.
Do dó người bệnh cần lưu ý luôn giữ liên lạc với bác sĩ đang theo dõi điều trị cho mình, theo dõi Glucose máu thật sát bằng máy đo đường huyết. Nếu đường máu quá cao, sớm chuyên sang điều trị bằng tiêm Insulin kịp thời. Nếu có điều kiện nên uống thuốc ức chế virus như Monulpiravir, Remdefovir, cần liên hệ bác sĩ để dùng thuốc chống đông.
Nếu dùng Dexamethasol, Medrol thì càng phải theo dõi chặt đường máu có thể dùng sớm kháng sinh dự phòng bội nhiễm.
Với bệnh nhân tăng huyết áp
Bản thân bệnh tăng huyết áp đã dễ gây tai biến như nhồi máu phổi, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não. Trên bệnh nhân Covid-19, các nguy cơ này càng tăng cao, nên người có bệnh này cần:
- Giữ liên hệ chặt chẽ với bác sĩ đang điều trị cho mình để nhận được lời khuyên và hướng dẫn chuyên môn.
- Phải sử dụng thuốc điều trị huyết áp đúng chỉ đinh, không được bỏ thuốc.
- Theo dõi chặt chẽ huyết áp, ít nhất là đo 2 lần/ ngày.
- Sớm dùng thuốc chống đông (nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng).
Với bệnh phổi tắc nghẽn, hen phế quản
Bản thân những bệnh này bệnh nhân đã khó thở, cuộc sống đã khó khăn nên nếu bị Covid-19, nguy cơ càng trầm trọng. Vậy bênh nhân cần:
- Giữ liên lạc với bác sĩ vẫn điều trị cho mình
- Tuân thủ đúng những thuốc đang điều trị
- Luôn luôn đảm bảo đủ thuốc kháng sinh, dãn phế quản khi cần
- Sớm điều trị Corticoid (nên hỏi ý kiến bác sĩ của bạn)
- Đặc biêt phải chuẩn bị thuốc khí dung, máy khí dung, nếu có điều kiện thì nên có máy tạo oxy.
Khánh Chi