Dịp Tết 'quá chén', gan quá tải cả năm
Vào dịp Lễ, Tết số bệnh nhân nhập viện liên quan tới tiêu hóa, gan mật gia tăng mạnh, trong đó nguyên nhân chính đó là do uống rượu bia quá nhiều.
Căn bệnh diễn tiến cực nhanh và nguy hiểm do thói quen bia rượu
Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực Nội - Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí vừa cấp cứu thành công một trường hợp người bệnh bị viêm tuỵ cấp, sốc nhiễm khuẩn diễn biến nhanh hiếm gặp.
Lá gan của người bình thường làm việc như thế nào?
Gan là một cơ quan quan trọng trong việc cân bằng và duy trì sức khỏe của con người. Trên thực tế, các chức năng của gan vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã thống kê được hơn 500 vai trò, sinh lý chức năng gan riêng biệt.
Ngoài việc chuyển hóa các chất để có thể dễ dàng hấp thụ vào cơ thể; tổng hợp các chất cần thiết như các yếu tố đông máu, tổng hợp albumin… Gan còn là “ngôi nhà” dự trữ rất nhiều vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, gan còn là nơi sản xuất dịch mật, một dịch thể quan trọng trong quá trình tiêu hóa.
Bên cạnh đó, một chức năng không thể thiếu của gan đó là đào thải độc tố. Những độc tố tan trong mỡ sẽ được các tế bào gan phân giải thành những chất kém nguy hiểm hơn hoặc dễ tan trong nước hơn để đào thải ra bên ngoài. Chính vì những chức năng quan trọng đó mà gan được xem như là một “nhà máy hóa chất” của con người.
Tuy nhiên ở rất nhiều người, gan không chỉ phải “xử lý” một khối công việc khổng lồ như thế, mà còn phải thường xuyên “tăng ca” xử lý thêm rượu, bia, đồ uống có cồn. Điều này vô hình chung, khiến cho gan bị quá tải và phải chịu “áp lực” nặng nề.
Nghiên cứu đã chỉ ra, chỉ có khoảng 5 - 10% lượng rượu đưa vào cơ thể được bài tiết qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu; 90 - 95% lượng rượu, bia còn lại được chuyển đến gan để xử lý. Tuy nhiên, một lá gan khỏe mạnh, “công suất” tối đa chỉ có thể xử lý được khoảng 2 đơn vị cồn một ngày.
Theo các chuyên gia, lượng cồn đi vào cơ thể ở mức an toàn là một đơn vị/ngày. Trong đó một đơn vị = 25 ml thức uống chứa cồn 40 độ, hoặc 50 ml thức uống chứa cồn 20 độ. Nếu vượt quá, tế bào gan hoạt động quá tải, cồn trong rượu chuyển hóa thành acetaldehyde – đây không chỉ là một chất độc hại đối với gan mà còn làm tổn thương đến cả hệ thần kinh, thị giác, tiêu hóa….
GS Đào Văn Long chia sẻ về ảnh hưởng bia rượu tới gan. |
Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại rượu giả, rượu nhái kém chất lượng, chứa toàn cồn công nghiệp ethanol. Lượng rượu bia này nếu được hấp thụ vào cơ thể không những làm tăng tốc độ “tàn phá” gan mà còn có nguy cơ gây ngộ độc rượu.
Uống rượu ngâm củ ấu tàu, người đàn ông co rút chân tay, tím tái toàn thân
Sau khi uống nhầm một chén rượu ngâm củ ấu tàu, 5 phút sau chân tay người đàn ông co rút lại, người rét run, có biểu hiện vã mồ hôi, kích thích, vật vã, tím tái toàn thân
Rượu bia phá hủy gan như thế nào?
GS.TS Đào Văn Long – Nguyên Trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai, Nguyên Giám Đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan Mật cho biết “Những người tiêu thụ rượu bia thường xuyên là những đối tượng dễ bị mắc các bệnh lý nguy hiểm về gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan,… hơn những người khác”.
Trong đó, gan nhiễm mỡ là giai đoạn sớm nhất liên quan tới thói quen uống rượu bia. Theo thống kê cho thấy, có đến 90% người thường xuyên sử dụng rượu bia bị gan nhiễm mỡ. Tình trạng gan nhiễm mỡ sẽ dần thuyên giảm nếu người bệnh uống ít đi hoặc ngừng uống rượu.
Ở giai đoạn viêm gan, các tế bào gan bị hoại tử. Viêm gan do rượu có thể diễn biến nặng hơn, nhất là ở những người đã có bệnh lý về gan từ trước như viêm gan B, viêm gan C... Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ có các triệu chứng như: sốt, vàng da, chán ăn, đau vùng hạ sườn bên phải,….. Khi gan bị tổn thương kéo dài, tế bào chết dần được thay thế bằng các mô xơ và bắt đầu quá trình xơ hóa gan.
Theo các bác sĩ, phần lớn người thường xuyên sử dụng rượu bia có biến chứng thành xơ gan. Đây là một bệnh lý nguy hiểm bởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, xơ gan có thể tiến triển nặng và biến chứng thành ung thư gan gây tử vong ở người bệnh.
Ung thư gan – đây là “đoạn cuối con đường” của các bệnh lý về gan và cũng là mức độ nặng nhất. Ước tính, ung thư gan nguyên phát trên nền xơ gan chiếm tới 80% các trường hợp. Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) đã xếp hạng rượu bia là tác nhân gây ung thư mức độ 1 không chỉ đối với gan mà còn cả thực quản, dạ dày, đại trực tràng,…
Đừng để 3 ngày tết “quá chén” khiến cả năm gan bị quá tải
Có rất nhiều nguyên nhân khiến lá gan bị tàn phá, trong đó có virus, hóa chất độc hại và rượu bia là những kẻ tàn phá “nhiệt tình” nhất. Vì thế, để có một cái Tết khỏe mạnh, không gây áp lực cho gan cũng như hệ tiêu hóa nói chung, GS.TS. Đào Văn Long nhấn mạnh: “Không uống rượu bia hoặc chỉ sử dụng với một mức độ cho phép, đó là, 1-2 đơn vị cồn/ngày”.
Uống nhiều nước, đặc biệt là nước cam, chanh để tăng lượng nước và sức đề kháng cho cơ thể.
Người bệnh gan cần kiêng đồ ăn chua cay, thực phẩm chế biến sẵn...
Xây dựng cho mình một chế độ sinh hoạt lành mạnh, không sử dụng thuốc lá, thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao.
Tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ, không được tự ý sử dụng các loại thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ, thực hiện khám sức khỏe định kỳ.
“Trong trường hợp phát hiện các biến chứng như gan nhiễm mỡ, viêm gan hoặc thậm chí xơ gan, người bệnh bắt buộc phải ngừng uống bia rượu, đồ uống có cồn và tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ”. GS.Long chia sẻ
K.Chi
Những 'sát thủ' đánh sập lá gan của bạn
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM cho biết bệnh gan là kẻ giết người thầm lặng, bởi nó không có triệu chứng rõ ràng và nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng đã muộn.