Con thấp lùn tưởng giống ông ngoại, đi khám ra 'thủ phạm' khác
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng con thấp bé chủ yếu do di truyền, dù rất lo lắng nhưng đành chấp nhận vì nghĩ không thể cải thiện được.
Người Việt có còn thấp bé nhẹ cân?
GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia nhận định mức tăng trưởng chiều cao của người Việt thời gian qua là rất nhanh, tương tự giai đoạn vàng của Nhật Bản giai đoạn 1955-1995.
Chậm tăng trưởng vì thiếu hooc môn
Chị Nguyễn Thị Tới (Kon Tum) tâm sự con trai chị 13 tuổi nhưng thấp bé hơn các bạn cùng trang lứa, chỉ nặng 33 kg, cao 130 cm. Ngày còn bé con trai chị phát triển bình thường nhưng từ năm 3 tuổi bé rất chậm lớn. Có năm cao được 2,3 cm, có năm chẳng cao hơn chút gì.
Chị Tới đưa con đi kiểm tra dinh dưỡng bác sĩ chỉ kê vài thực phẩm bổ sung canxi, sữa bổ sung chiều cao. Hai năm nay, chiều cao con vẫn không cải thiện là mấy nên chị đành nghĩ chắc do con giống ông ngoại nên thấp bé. Chị Tới kể bố đẻ chị cao 1,58 mét nhưng mẹ chị lại cao 1,65 mét vì vậy 4 chị em nhà chị đều cao giống mẹ. Khi con trai chị thấp bé thì cháu lại được mọi người nói giống ông ngoại, di truyền thấp bé. Bản thân chị Tới cũng nghĩ như vậy nên bỏ chẳng theo các loại thực phẩm tăng chiều cao.
Cách đây 1 năm, chị xem trên mạng thấy thông tin tăng trưởng của trẻ chậm có thể do bệnh, hai vợ chồng chị Tới đưa con lên TP.HCM khám bệnh. Kết quả, bé thấp nhỏ không phải do di truyền mà bé bị thiếu hooc môn tăng trưởng do suy tuyến yên.
Sau 1 năm tiêm hooc môn tăng trưởng, bé tăng thêm được 16 cm, điều mà hai vợ chồng chị Tới chưa bao giờ nghĩ tới. Hiện con chị đã cao gần 1,5 mét. Nếu vẫn duy trì điều trị thì bé có thể đạt chiều cao 1,65 mét đến 1,7 mét.
Theo BSCKI. Hoàng Khánh Chi - Khoa Nội tiết BV Đại học y dược TPHCM, rất nhiều bậc phụ huynh thấy con thấp bé thường chủ quan nghĩ có thể do bố mẹ “chim chích” nên con thừa hưởng gen di truyền. Trong khi đó, nguyên nhân gây chậm tăng trưởng ở trẻ có rất nhiều. Do di truyền chỉ chiếm 23 % góp phần vào tăng trưởng của trẻ.
Các nguyên nhân gây chậm tăng trưởng khác đó là do bệnh lý trẻ bị các bệnh di truyền, thiếu hooc môn tăng trưởng. Trẻ bị xạ trị cũng ảnh hưởng tới tăng trưởng, suy tuyến giáp, hội chứng cushing, trẻ suy dinh dưỡng ăn uống không đủ...
Trẻ thấp lùn cần tầm soát để tìm nguyên nhân. |
Trường hợp trẻ sinh ra nhẹ cân so với tuổi thai cũng khiến trẻ chậm tăng trưởng. Ước khoảng có 5 % trẻ không có tăng trưởng chiều cao cho tới lúc 3, 4 tuổi nếu khi sinh trẻ nhẹ cân. Những trẻ này cũng cần điều trị.
Yếu tố dinh dưỡng, bác sĩ Chi cho biết dinh dưỡng chiếm 30 % ảnh hưởng tới chiều cao. Trẻ dinh dưỡng tốt thì cân nặng với chiều cao đều tốt. Trẻ dưới 6 tuổi dinh dưỡng tốt thì khi lớn lên trẻ sẽ có mức tăng trưởng tốt. Sau 6 tuổi trẻ hay có sự chênh lệch chiều cao, lúc này do yếu tố di truyền mang lại.
Trẻ vận động kích thích cũng giúp tăng trưởng tốt vì khi vận động đổ mồ hôi hooc môn tăng trưởng giải phóng giúp trẻ cao hơn.
Trẻ ngủ sớm thì chiều cao cũng tốt hơn. Nên cho trẻ ngủ trước 9h đêm. Giai đoạn giấc ngủ sâu thì hooc môn của trẻ tiết ra nhiều nhất, giúp trẻ cao hơn.
Ngoài ra, môi trường sống không thoải mái, trẻ áp lực học hành, gia đình ngược đãi thì chiều cao cũng bị ảnh hưởng.
Làm sao để biết con chậm tăng trưởng
BS Chi cho biết bình thường trẻ mới sinh ra chiều cao trung bình 50 cm, sau 1 năm sẽ tăng khoảng 25 cm, 2 tuổi 85 cm, 3 tuổi 95 cm, sau 3 tuổi mỗi năm tăng 5cm. Tuổi dậy thì có thể tăng 7- 8 cm thậm chí 10 cm. Sau dậy thì trẻ tăng khoảng 1-2 cm/ năm.
Chính vì thế, cha mẹ cần theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ. Nếu trẻ có tăng đều thì tốt, còn đi ngang cần khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết. Ví dụ sau 3 tuổi chiều cao của trẻ 1 tăng dưới 4 cm/năm cần đi tới bác sĩ để tìm rõ nguyên nhân.
Tốc độ tăng trưởng sẽ dừng khi tuổi xương được 14 - 15 tuổi ở bé trai và 15 - 16 tuổi ở bé gái. Lúc này các sụn xương sẽ đóng lại, việc điều trị hormone tăng trưởng sẽ không còn tác dụng. Do đó việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị đúng thời điểm là rất quan trọng. Ở giai đoạn đầu, trẻ sẽ được điều trị tại chuyên khoa Nội tiết Nhi bằng hormone tăng trưởng. Khi đến độ tuổi thiếu niên, trẻ sẽ được đánh giá lại tình trạng rối loạn hormone tăng trưởng. Nếu rối loạn hormone tăng trưởng vẫn tiếp diễn, cần điều trị lâu dài cho bé tại chuyên khoa Nội tiết người lớn.
Bệnh viện bật báo động đỏ lúc nửa đêm cứu sống bệnh nhân huyết áp bằng 0
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng tổn thương nặng, không còn mạch đập, sốc mất máu, dập nát bả vai. Các bác sĩ đã bật báo động đỏ toàn viện để cứu người bệnh lúc nửa đêm.
Khánh Chi