Có phải tiêm vắc xin Covid-19 đến hết đời không?
Nhiều người lo lắng mỗi lần tiêm vắc xin theo thời gian kháng thể lại hết thì có phải tiêm vắc xin Covid-19 đến hết đời không?
Vừa tiêm xong mũi vắc xin số 3, nhìn danh sách vẫn còn các mũi tiêm tiếp theo, chị Vũ Thị Hằng – Hà Nội không khỏi “rùng mình” vì mỗi lần tiêm là một lần tâm lý căng thẳng vì tác dụng phụ của vắc xin.
Chị Hằng kể hai mũi đầu chị tiêm Verocell về buồn ngủ, mệt mỏi, hơi buồn nôn nhưng mũi 3 chị tiêm Moderna về sốt cao, mệt mỏi, tay sưng vù nhấc lên buộc tóc cũng khó. Chị Hằng lo lắng nhìn danh sách mũi tiêm trên cuốn sổ tiêm chủng của mình lên tới mũi 5, mũi 6.
Các loại vắc xin Covid-19 hiện đã được chứng minh có khả năng chống lại nguy cơ mắc bệnh, diễn biến bệnh nặng, nhập viện và tử vong do Covid-19 ở hầu hết các đối tượng. Tuy vẫn, có nguy cơ lây nhiễm, những người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 có tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 thấp hơn đáng kể so với những người không được tiêm chủng và khi nhiễm bệnh, các triệu chứng có xu hướng nhẹ hơn (NACI, 2021).
Tuy nhiên, các bằng chứng thời gian gần đây cho thấy hiệu quả của vắc xin có thể giảm theo thời gian và các loại vắc xin Covid-19 hiện đang sử dụng có thể kém hiệu quả hơn đối với biến thể Delta. Do đó, việc tiêm bổ sung mũi vắc xin thứ 3 là cần thiết để có được sự bảo vệ lâu dài hơn.
Theo BS Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm, TP.HCM, nhiều người sau khi đọc các thông tin về vắc xin tăng cường tiêm mũi 3 và vắc xin giảm kháng thể theo thời gian cũng hốt hoảng nhắn tin xin bác sĩ tư vấn.
Tiêm vắc xin tại TP.HCM. |
BS Khanh cho biết giống như các vắc xin khác, vắc xin Covid-19 phải tiêm nhắc lại vì sau khoảng 4-6 tháng kháng thể sinh ra từ hai liều vắc xin cơ bản bị suy giảm. Mức độ kháng thể tăng sau khi tiêm vắc xin giúp bệnh nhẹ hơn, rút ngắn thời gian nhiễm, ngăn ngừa nguy cơ nặng và tử vong.
Một số nghiên cứu cho thấy tiêm nhắc lại vắc xin mRNA (Pfizer hoặc Moderna) làm tăng lượng kháng thể lên khoảng 10 lần. Như vậy, BS Khanh cho rằng chỉ cần tiêm vắc xin mũi số 3 hoặc mũi bổ sung cho nhóm người có bệnh lý nền, trên 65 tuổi thì không cần phải tiêm mũi vắc xin nữa nên người dân không cần lo lắng phải tiêm vắc xin suốt đời.
Đa phần sau tiêm vắc xin mũi 3 với vắc xin Astrazenca, vắc xin Pfizer, vắc xin Moderna kháng thể lên rất cao và đủ để phòng bệnh. Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, được công bố trên Lancet tháng 12/202, đánh giá mức độ an toàn và đáp ứng miễn dịch được tạo ra bởi mũi vắc xin tăng cường đồng loại và khác loại, ở những người đã nhận được hai liều ban đầu của vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer.
Nghiên cứu cho thấy tiêm đồng hay khác loại tăng cường đều có hiệu quả trong việc tăng cường phản ứng miễn dịch ở 28 ngày sau tiêm và các tác dụng phụ dung nạp tốt. Cũng giống như mũi thứ hai, khả năng miễn dịch của cơ thể sẽ đạt mức cao nhất hai tuần sau khi tiêm.
Vì vậy những người đã tiêm mũi 3 không cần lo lắng phải tiêm vắc xin tới hết đời.
"Nhiệm vụ" của vắc xin là "huấn luyện” cơ thể chống lại một mầm bệnh cụ thể bằng cách sử dụng một phần bất hoạt hoặc được giảm độc lực của virus mầm bệnh, hoặc một bản sao của virus đó, nhờ đó thúc đẩy sự phản ứng của hệ miễn dịch.
Khi các kháng thể dần ngừng hoạt động, các tế bào bộ nhớ hay còn gọi là tế bào T là một loại tế bào bộ nhớ có thể giúp kích hoạt phản ứng của các tế bào khác để chống chọi với mầm bệnh.
Dù kháng thể giảm nhưng tế bào này vẫn hoạt động và được kích hoạt ngay khi gặp mầm bệnh thực sự. Quá trình này được gọi là sự phản ứng trí nhớ. Theo các chuyên gia vắc xin, việc hệ miễn dịch suy giảm sau một thời gian tiêm vắc xin là bình thường nhưng điều này không có nghĩa là trí nhớ của hệ miễn dịch cũng suy giảm. Vì vậy sẽ không vì sự suy giảm đó mà phải tiêm suốt đời.
Hơn nữa, với biến thể Omicron và số ca mắc hiện nay thì khả năng đạt miễn dịch cộng đồng qua vắc xin và tự nhiên sẽ nhanh chóng hơn. Khi có miễn dịch cộng đồng thì không cần tiêm vắc xin tiếp – BS Khanh nói. BS Khanh dự đoán khả năng cao chỉ cần mũi 3 là đủ.
Khánh Chi