Bệnh bạch hầu: Biến chứng rất nặng nhưng nguy cơ mắc thấp ở thành phố
Theo bác sĩ Khanh bệnh bạch hầu có thể xảy ra ở bất cứ ai, biến chứng thường rất nặng nhưng ở thành phố nguy cơ xảy ra ít hơn vì trẻ đã được tiêm phòng.
Bệnh bạch hầu: Biến chứng rất nặng nhưng nguy cơ mắc thấp ở thành phố |
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong tháng 6/2020 đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại xã Đắk Sor, huyện Krông Nô; 8 trường hợp mắc tại xã Quảng Hòa và xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Trong đó, có 1 trường hợp tử vong tại xã Quảng Hòa. Khu vực này có tỷ lệ tiêm chủng thấp 48-52%, các trường hợp mắc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 (TP HCM), bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm có biến chứng và tỷ lệ tử vong cao. Bệnh bạch hầu thường xảy ra ở những trẻ không được tiêm ngừa hoặc sau một thời gian tiêm ngừa, nồng độ kháng thể giảm dần và có khi thấp dưới ngưỡng bảo vệ, vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập, tiết ra độc tố. Độc tố bạch hầu hấp thu vào máu, theo tuần hoàn đi khắp cơ thể, dẫn đến tổn thương ở các cơ quan khác: Viêm cơ tim, viêm dây thần kinh... Biến chứng có thể xảy ra trong những ngày đầu của bệnh hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bệnh đã khỏi.
Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, hay gặp hơn ở trẻ 3-4 tuổi trở lên. Nếu bệnh xảy ra ở người lớn có hệ miễn dịch khỏe mạnh, cơ hội bệnh tự khỏi có thể lên tới 60%-70%. Trong khi đó, trẻ em mắc bệnh bạch hầu thường nặng và khó tự khỏi hơn, nếu đã dẫn đến biến chứng nặng như tắc đường thở hay viêm cơ tim. Đây là biến chứng nặng và thường khó cứu chữa.
Ca bệnh ở Đắk Nông thuộc khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp chưa đạt 50%. Như vậy miễn dịch cộng đồng không có. Nếu tiêm bạch hầu không đủ mũi vẫn có thể mắc bệnh.
Theo giải thích của bác sĩ trước đây, trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trẻ em thường được tiêm 3 mũi phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván vào lúc hai - ba và bốn tháng tuổi. Nhưng hiện nay, theo phác đồ mới của Bộ Y tế, trẻ phải được tiêm nhắc lại một mũi phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván vào lúc 18-19 tháng tuổi. Nhiều trường hợp không được tiêm nhắc lại nên vẫn có thể bị tấn công.
Ngoài ra, những tường hợp có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch yếu dù có tiêm chủng vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
Tuy nhiên, bác sĩ Khanh cũng cho biết cha mẹ không nên quá lo lắng với bệnh này. Dịch ít có khả năng lây lan nhất là ở vùng có mật độ tiêm chủng lớn như các thành phố lớn thì không cần lo lắng quá vì hầu hết trẻ đều được tiêm phòng.
Bệnh bạch hầu chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang trùng. Khi tiếp xúc gần các chất tiết đường hô hấp chứa vi khuẩn bạch hầu bắn ra không khí và người lành hít phải. Thời gian ủ bệnh từ 3 đến 5 ngày sau đó người bệnh có các biểu hiện sốt, ho, dấu hiệu của viêm họng, viêm mũi, viêm thanh quản, họng đỏ, nuốt đau và 1-2 ngày sau màng giả xuất hiện.
Để phòng bệnh bạch hầu, cha mẹ hãy thực hiện ngay các biện pháp dưới đây:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Lịch tiêm chủng vắc xin phòng bạch hầu SII hoặc ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:
Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi
Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.
Khánh Chi
Từ những bệnh nhân đột quỵ do nắng nóng, chuyên gia chỉ cách phòng
Trong những ngày nắng nóng như vừa qua tại khoa cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa trung ương, số ca nhập viện liên quan tới nắng nóng tăng lên đột biến khoảng 150 %.