Bác sĩ y học cổ truyền chia sẻ bí quyết ăn uống tăng sức đề kháng mùa dịch
Thạc sĩ, BSCK I y học cổ truyền Võ Thị Ngọc Thuý – Phòng khám Đỉnh Đại Hữu, Quận 1, TP.HCM chia sẻ những kinh nghiệm về ăn uống, chăm sóc bản thân mình như thế nào trong mùa Covid-19.
Bỏ thói quen uống nước lạnh
BS Thuý cho biết các thông tin chị chia sẻ là theo lý luận đông y chứ không phải “thước ngọc khuôn vàng” hay “được chứng minh bằng khoa học”, nhưng an toàn và tốt hơn cho sức khoẻ mọi người.
Đông y quan niệm những người thân nhiệt lạnh (cơ địa âm) thì virus dễ xâm nhập vào hơn người có thân nhiệt bình thường hay hơi cao. Việc uống nước đá, nước ướp tủ lạnh và suốt ngày ngâm mình trong máy lạnh dù là 28 độ C cũng làm cho thân nhiệt mình giảm đi hay gọi là giảm sức đề kháng, bác sĩ Thuý khuyến cáo tốt nhất buổi sáng mới ngủ dậy nên uống nước ấm hoặc pha 1-3 giọt chanh và 1,2 hạt muối vào 1 ly nước ấm khoảng 200 mL để làm vệ sinh cho cơ thể là điều nên làm. Cả ngày uống nước ấm được càng tốt hoặc uống nước ở nhiệt độ phòng.
Uống nước vào ban ngày nhiều hơn ban đêm để thận được nghỉ ngơi. Khi ở phòng lạnh nhớ uống nước thường xuyên để không khô hầu họng giúp virus dễ xâm nhập. Buổi tối nhớ uống nước ấm.
Ảnh minh hoạ. |
Ăn nhiều rau củ quả
Hiện đang là mùa hè và đang có ôn dịch bệnh (dịch bệnh truyền nhiễm) nên tránh hoặc hạn chế các thức ăn tạo nhiệt nhiều như bơ sữa, thịt bò, thịt đỏ, mỡ hay nội tạng động vật… fastfood (gà rán, khoai Tây chiên, bánh mì kẹp thịt, mì gói…) bia, rượu, nước có ga, đường bánh kẹo và các loại trái cây béo, ngọt nhiều cũng phải hạn chế (sầu riêng, vải, nhãn, mít, xoài, chôm chôm…).
Nên chia nhỏ liều khi ăn và không ăn liên tục để tránh tạo nhiệt lượng bên trong cơ thể.
Nên ăn thường xuyên và xoay vòng rau củ quả có tính thanh nhiệt giải nhiệt độc mùa hè như diếp cá, rau má, khoai lang, dưa chuột, ớt chuông, tía tô, bạc hà, thanh long, mận, ổi, lê, lựu, bưởi, mơ, táo, cam, chanh…
Nếu có điều kiện, bạn có thể bổ sung thêm vào các loại rau trái cây giàu tính chống oxi hoá như việt quất dại, cần tây, cải Brussels, măng tây, cải bó xôi, rau mùi, ngò tây, dầu dừa, tỏi, gừng, quả mâm xôi, xà lách, đu đủ, cải xoăn…
Thường xuyên uống nước cần tây bẹ (từ 100g-300g/ ngày) hoặc xay chung với táo đỏ (liều lượng 1/3-1/2 cần tây) để thanh lọc độc cơ thể, tăng sức đề kháng. Người nào lạnh bụng dễ tiêu chảy thì nên bỏ chút gừng hoặc xay chung với vài lá tía tô hay lá quế (khoảng 10 ngọn).
Tuy nhiên, BS Thuý lưu ý do rau củ quả tươi đa số thuộc âm nên không phù hợp cho những người có cơ địa âm là những người sợ lạnh, da kém hồng hào, môi nhợt, tiêu hoá kém, dễ hụt hơi. Những người này có thể uống hỗn hợp bột gạo lức huyết rồng, mè vàng, đậu đỏ và muối hột rang, tỉ lệ thì có thể theo 6:2:2 và muối thì một chút cho đủ vừa mặn. Uống bột này thay cho sữa vừa cung cấp đủ dưỡng chất và canxi mà tốt cho đường tiêu hoá cũng như tăng đề kháng.
Đông y quan niệm virus thuộc dạng âm nên khi cơ thể dương thì nó sẽ khó xâm nhập. Tuy nhiên người có cơ địa dương quá biểu hiện nóng, da dẻ hồng hào, khát nước, uống nhiều nước thì nên ăn thêm những loại rau xanh, đậu đen, mè đen để hạ nhiệt.
Ngoài ra, BS Thuý chia sẻ, tỏi giúp tăng cường hệ miễn dịch và diệt virus nên ăn sống mỗi ngày một ít. Hồ tiêu giúp ấm thận nên không quên bỏ vào thức ăn. Thay việc nêm các loại muối tinh chế bằng muối hột nguyên chất.
Có thể xông nhà bằng bồ kết khô hoặc các loại lá cây có tinh dầu như sả, bưởi, cam, chanh…tinh dầu bỏ vào đèn xông cũng có ích. Và quan trọng nhất là xông các loại lá cây hay tinh dầu thiên nhiên vào mũi họng của mình để làm sạch không khí. Nếu không có các loại đó thì nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối pha với tỏi.
K.Chi