5 rối loạn cần chú ý sau tiêm vắc xin, sau nhiễm Covid-19
Có nhiều người bị rối loạn kinh nguyệt, có các thay đổi của cơ thể như thở nhanh, hụt hơi, mệt mỏi, đánh trống ngực sau khi tiêm vắc xin hoặc sau nhiễm Covid-19.
Đủ triệu chứng
Chị Nguyễn Hải Hà (sinh năm 1996, quận 6, TP.HCM) cho biết cả gia đình chị đã trải qua F0. Bản thân chị Hà trải qua những ngày “dặt dẹo” do tác dụng phụ của vắc xin rồi đến hậu Covid-19. Tháng 8/2021, chị được tiêm mũi vắc xin đầu tiên. Sau tiêm, chị liên tục mệt mỏi, ốm sốt người như cúm dù xét nghiệm nhiều lần vẫn âm tính.
Được 1 tháng, cả nhà chị Hà trở thành F0. Vì đã được tiêm 1 mũi vắc xin nên triệu chứng cũng không quá nặng nhưng sau đó là những tháng ngày sống như người đi mượn. Chị Hà 26 tuổi nhưng hay bị mồ hôi trộm, người như bốc hoả. Thậm chí, chị đọc thông tin không khác gì tuổi mãn kinh. Người mệt mỏi, mồ hôi trộm khó chịu, tóc rụng, da khô sạm. Đặc biệt, chị rất mỏi hàm khi ăn, nhai cơm cũng thấy mỏi khó chịu.
Không giống chị Hà, chị Bùi Thị Phượng (Lương Ngọc Quyến, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết chị bị các triệu chứng rất khó chịu từ sau khi tiêm vắc xin như người mệt mỏi, đơ đơ, đặc biệt là chu kỳ kinh nguyệt lúc có lúc không và không còn đều như trước.
Chị Phương đã đi kiểm tra sức khoẻ bác sĩ cho biết mọi chỉ số đều bình thường, hooc môn, buồng trứng không có gì nhưng không biết vì sao chu kỳ kinh nguyệt bị ảnh hưởng. Bác sĩ chỉ kết luận chị bị rối loạn thần kinh thực vật cần theo dõi và điều trị.
Theo BS Nguyễn Hữu Trung – Giảng viên trường đại học Y Dược TP.HCM, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tình trạng gia tăng căng thẳng, thay đổi cân nặng, hoạt động thể chất và những thay đổi lớn khác về lối sống có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Những điều này đều rất phổ biến trong đại dịch Covid-19. Trong đó, căng thẳng là nguyên nhân thường gặp nhất, cũng là vấn đề mà nhiều người phải trải qua trong thời kỳ dịch bệnh.
Ảnh minh hoạ. |
Trong giai đoạn bị căng thẳng, nhất là khi đại dịch đang hoành hành, cơ thể tạm thời điều tiết hệ thống sinh sản bên trong để tránh mang thai và bảo tồn năng lượng. Đây là một phản ứng tự nhiên của cơ thể ở cấp độ não bộ, giúp giải thích một số thay đổi về kinh nguyệt được quan sát thấy trong đại dịch ở người bị bệnh Covid-19 hoặc người đã tiêm chủng.
Những rối loạn cần chú ý
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng cho biết tình trạng rối loạn thần kinh thực vật như vậy không phải hiếm. Bản thân bác sĩ Hoàng qua trò chuyện với các bệnh nhân đến khám bệnh sau khi tiêm vắc xinCovid-19 và hỗ trợ chăm sóc các F0 tại nhà cũng thấy một số người có các triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật, trong khi trước đó họ không có các triệu chứng này.
Các triệu chứng sau tiêm vắc xin Covid-19 hoặc nhiễm Sars-Cov-2 bạn cần chú ý:
Thứ nhất, tay chân lạnh và yếu, tức ngực khó thở nhưng SpO2 bình thường, hụt hơi, vã mồ hôi trộm, đôi khi tối ngủ ướt đầm lưng. Lo lắng, bồn chồn, khó ngủ, ngủ không sâu giấc. Dễ cáu gắt.
Thứ hai, hồi hộp đánh trống ngực, nhịp tim nhanh quá hoặc chậm quá, huyết áp thất thường, hạ huyết áp tư thế đứng.
Thứ ba, thiếu máu lên não - khả năng tập trung giảm, cảm giác nặng, bì bì ở da đầu, hay quên, giảm trí nhớ, dễ hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, ăn ngủ kém.
Thứ tư, người bạn có các triệu chứng tiêu hóa - khô miệng (hoặc quá nhiều nước bọt), trào ngược dạ dày - thực quản (nóng rát sau xương ức), cảm giác tức hoặc đau nhâm nhẩm ở dạ dày, rối loạn co thắt đại tràng (đau bụng dưới từng cơn, đi lỏng khi ăn thức ăn lạ,...). Nhanh đói nhưng không ăn được nhiều.
Thứ năm, rối loạn hormon - chậm kinh nguyệt, rụng tóc, da khô bong tróc, cảm giác khô ở khớp, giảm ham muốn.
Theo bác sĩ Hoàng, nếu gặp tình trạng này kéo dài, các bạn nên đi khám chuyên khoa Nội thần kinh để bác sĩ có hướng dẫn điều trị cụ thể.
K.Chi