Mướp đắng, 'tuyệt chiêu' giảm cân, những ai không nên ăn?
Mướp đắng có hàm lượng chất xơ cao và lượng calo thấp, vì vậy đây là thực phẩm được nhiều chị em sử dụng để giảm cân.
Giảm 3,5 kg/tháng nhờ chăm chỉ ăn mướp đắng
Chị Cao Thị Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết sau khi sinh bé thứ hai chị tăng cân vô độ. Từ chỗ chỉ 51 kg, khi mang thai tăng lên 67 kg, sinh xong vẫn duy trì ở mức 58 kg.
Chị Hà được bạn mách ăn mướp đắng để giảm cân. Đây là món sở trường của chị. Mỗi ngày chị ăn hai bữa chính bằng mướp đắng. Thực đơn rất đơn giản mướp đắng để tủ lạnh ăn kèm ruốc và ½ bát cơm nhỏ hoặc mướp đắng xào với trứng. 200 gram mướp đắng chị Hà xào với 3 quả trứng vừa đảm bảo đủ chất xơ, vitamin và đạm cần thiết/bữa ăn. Nhờ chăm chỉ, một tháng chị Hà giảm được 3,5 kg thân hình thon gọn hơn. Từ size XL, size L bà mẹ này đã mặc được quần áo size M.
Không chỉ riêng chị Hà, ông xã chị cũng ăn cùng với vợ, hạn chế tinh bột, cũng giảm được 2 kg, mỡ bụng giảm rõ rệt.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, cho biết mướp đắng tên khoa học là Momordica charantia L, thuộc họ Bầu Bí (Cucurbitaceae) là một loại trái cây có hàm lượng calo và carbs thấp nhưng có nhiều chất xơ có lợi.
Trái mướp đắng (khổ qua) bản thân nó có lượng vitamin và chất khoáng dồi dào. Các vi chất dinh dưỡng trong mướp đắng bao gồm: vitamin A, vitamin C, canxi, kali, phốt pho, kẽm, đồng, sắt và magie. Mướp đắng cũng cung cấp một số vitamin B và chất chống oxy hóa hữu ích, như lutein và zeaxanthin.
Mướp đắng có tác dụng giảm cân. |
Mặc dù loại quả này ít được sử dụng phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày, nhưng không thể phủ nhận rằng mướp đắng chứa khá ít calo. Khoảng 100 gram khổ qua thì chỉ chứa tối đa 34 calo. Theo một nghiên cứu tại Đại học Hawaii, chiết xuất từ khổ qua không chỉ làm giảm thiểu các tế bào mỡ mà còn ngăn chặn sự hình thành của chúng. Vì vậy, ăn mướp đắng giảm cân luôn được nhiều người áp dụng.
Ngoài ra, sử dụng khổ qua có nhiều lợi ích cho sức khoẻ như tăng cường khả năng miễn dịch, tăng cường sức khoẻ tim mạch, hỗ trợ thị lực, hạ huyết áp, giảm loét dạ dày do vi khuẩn H.pylori, kháng khuẩn, kháng vi-rút, giảm đau ở bệnh nhân thoái hóa khớp, chữa lành các vết thương, vết loét ở da, giúp hạ đường huyết và và cải thiện dung nạp glucoza.
Ai không nên ăn mướp đắng?
BS CKI. Nguyễn Trần Như Thủy - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 cũng cho biết mướp đắng hay còn gọi trái khổ qua, cẩm lệ chi, lương qua.
Theo Đông y khổ qua vị đắng, lạnh; quy vào kinh Tỳ, Vị,Tâm và Can, có tác dụng thanh nhiệt giải thử (làm mát hạ sốt), minh mục giải độc (kháng sinh sáng mắt). Quả và hạt tươi hoặc khô đều có thể dùng làm thuốc. Điều trị các trường hợp bị sốt, nóng mất nước, viêm đường niệu, sỏi đường niệu, mụn nhọt, đau mắt, giúp hạ đường huyết, giảm cholesterol máu, làm sáng da, trị mụn nhọt vùng da, hỗ trợ trí các bệnh vẩy nến (dùng làm xà phòng), giúp hỗ trợ giảm cân do ít calo và nhiều chất xơ, tăng cường miễn dịch bền chắc thành mạch và tốt cho xương do cung cấp nhiều vitamin C và K.
Trong quả có chứa glycozit đắng: momordixin, charantin; hỗn hợp các chất thuộc nhóm stigmastadienol; protid, acid amin; lipid và các sắc tố chủ yếu: lycopen; một số vitamin và muối khoáng.
Hạt chứa chất béo và chất đắng. Ngoài r,a khổ qua chứa các chất alkaloid như quinin và morodicine, nhựa và saponin glycoside, có thể là nguyên nhân gây ra chứng khó dung nạp ở một số người.
Một số lưu ý là người có huyết áp thấp, người đang sử dụng thuốc hạ đường huyết, người có bệnh về đường tiêu hoá, người có bệnh gan thận cần thận trọng khi sử dụng lượng nhiều vì tác dụng hạ áp, hạ đường huyết của khổ qua có thể hiệp đồng cùng tác dụng của thuốc không tốt cho sức khỏe người bệnh, lượng chất xơ trong khổ qua làm cho khó tiêu, có thể còn gây đầy hơi nên người bị bệnh lý về gan và thận cần tránh ăn.
Đối với người bệnh thiếu men G6PD (loại men đóng vai trò trong chuyển hóa hồng cầu) cũng nên tránh không sử dụng khổ qua.
BS Thuỷ cũng cho biết bạn không nên xào khổ qua ở nhiệt độ quá cao, bởi sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng của nó, tốt nhất bạn có thể bào mỏng, chần sơ với nước nóng để giảm bớt vị đắng, xào trứng hoặc nấu canh thịt đều tốt.
Khánh Chi