Nới lỏng giãn cách xã hội: Người dân cần làm gì?
Theo BS Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM dù hết thời gian giãn cách xã hội nhưng người dẫn vẫn không thể chủ quan lơ là, vẫn cần khai báo y tế.
8 ngày qua Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 mới, số ca mắc được công bố khỏi bệnh cũng ngày một tăng. Tại Việt Nam, từ 23/4 đã hết thời gian giãn cách xã hội, nhiều tỉnh, thành phố người dân đã dần quay trở lại nhịp sống hàng ngày.
Tuy nhiên, theo BS Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, hiện nay dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn đang ở mức cao. Các nước vẫn tê liệt vì Covid-19 và tại Châu Á như Nhật Bản, Singrapore vẫn đang trở thành “ổ dịch”. Chính vì thế, khả năng lây nhiễm trong cộng đồng của người dân Việt vẫn chưa hết.
Hết giãn cách xã hội người dân vẫn cần giữa khoảng cách an toàn. |
Khi hết cách ly, bác sĩ Khanh cho rằng tuyệt đối người dân không được lơ là, chủ quan. Các kịch bản trước đó đưa ra nếu lơ là, chủ quan với dịch bệnh thì các ca nhiễm sẽ lây lan trong cộng đồng rất nhanh. Virus phát tán tùm lum không tìm được nguồn lây sẽ nguy hiểm.
Bác sĩ Khanh cho rằng nới lỏng giãn cách nhưng người dân vẫn cần thực hiện khai báo y tế. Các cơ quan cũng nên yêu cầu người đến thực hiện khai báo y tế để tránh trường hợp có ca mắc (F0) nào đó mình đã xác định mình là F1, F2 để có biện pháp cách ly.
Ngoài ra, bác sĩ Khanh cho rằng thời gian phát hiện ca bệnh càng giãn cách xa thì khả năng nó lây trong cộng đồng càng cao hơn.
Thời điểm này, bác sĩ Khanh lo lắng tâm lý buông lỏng phòng bệnh, mọi người nghĩ hết cách ly và ăn mừng, các quan bia, nhà hàng bắt đầu mở cửa. Điều này nguy hiểm vì nhìn lại các ca mắc bệnh cho thấy nguyên nhân chủ yếu là do không tuân thủ phòng hộ tốt khi tiếp xúc gần với người mắc bệnh.
Tiếp xúc gần nguy cơ lây bệnh rất cao như trường hợp ca bệnh là nhân viên của hãng Điện Máy Xanh ở Đà Nẵng hoặc các ca bệnh do cùng tham dự buổi sinh hoạt tôn giáo chung, cùng ở trong bệnh viện, căn tin. Tiếp theo, những người này lại tiếp tục lây cho gia đình, hàng xóm.
BS Khanh cho rằng mọi người cần biết được địa chỉ, tiền sử, nguy cơ mắc bệnh của những người mình tiếp xúc, ăn uống cùng để ghi lại cụ thể lịch trình tiếp xúc mỗi ngày.
Từ đó giúp cho cơ quan y tế dễ dàng xác định được những đối tượng F1, F2 khi chẳng may bản thân là F0, F1.
Việc ghi lại lịch trình của mình để khi xảy ra tình huống phát hiện F0 thì nhớ lại chính xác. Tránh phải khai báo sai. Các cơ quan dịch tễ không mất thời gian truy lòng vòng và có thể bao vây, cách ly kịp thời.
Ngoài ra, theo BS Khanh, trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp, mỗi người nên ý thức hạn chế đến nơi đông người bởi rất dễ mắc bệnh, chờ ổn định tình hình dịch bệnh trong nước và xung quanh rồi đi cũng không muộn.
Khi nhịp sống công sở quay trở lại, bác sĩ Khanh cho rằng vẫn nhớ giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang. Khi ăn uống thì bắt buộc phải tháo khẩu trang ra nên phải xác định được người mình ăn cùng ở đâu, có tiền sử, nguy cơ mắc bệnh không. Nếu không rõ tiền sử thì không nên ngồi ăn chung.
Khánh Chi