Những trẻ sau sinh "chết oan" tại nhà

Chúng tôi “giật mình” bởi con số 75 trẻ dưới 1 tuổi tử vong trong 6 tháng đầu năm ở huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.
Những ngày giữa tháng 7 mưa liên miên, trời u ám… như càng làm tăng thêm nỗi buồn khi chúng tôi về một số bản, xã của huyện Mường Chà, nghe kể lại nhiều trường hợp trẻ sơ sinh tử vong. Số trẻ tử vong có trên 90% mắc bệnh viêm phổi bởi chính điều kiện: ăn ở, sinh hoạt và sinh con tại nhà... đã gây nên những cái chết oan uổng.

Điểm đầu tiên chúng tôi đến trong chuyến công tác vừa qua về huyện Mường Chà là bản Trung Dình, xã Huổi Lèng. Bản nhỏ với vài chục nóc nhà vẫn chưa nguôi ngoai nỗi buồn, hoang mang, lo sợ của người dân bởi chỉ trong tháng 4, đã có 4 đám tang liên tiếp của một bà mẹ và 3 trẻ từ 1 - 2 tháng tuổi.

Những trẻ sau sinh
Trẻ em ở Hừa Ngài không được chăm sóc, giữ ấm thường là nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi. Ảnh: K.C

Theo chỉ dẫn của bà con trong bản, phải mất 30 phút đi bộ trên con đường nhỏ ngoằn ngoèo, xuyên qua rừng cây, chúng tôi mới đến nhà anh Hồ A Thếnh. Ngôi nhà tối tăm, ẩm thấp những ngày qua mưa nhiều nên phân gia súc thả rông theo nước mưa chảy quanh nhà bốc mùi xú uế nồng nặc. Anh Thếnh trả lời câu được, câu mất như người vô hồn, khuôn mặt bơ phờ vẫn còn hiện rõ nét bàng hoàng, đau xót… Bởi từ giữa năm 2012 anh mất đứa con đầu lòng và đến tháng 4/2013 mất cả vợ lẫn con vừa sinh ra chưa đầy tháng. 

Hai đứa con sinh tại nhà, người trong gia đình tự đỡ đẻ, chăm sóc nên anh Thếnh nói với chúng tôi: "Từ trước đến nay, phụ nữ trong bản đều sinh ở nhà chẳng sao, trẻ con vẫn khỏe mạnh, đứa nào xấu số không sống được thì phải chết thôi!"

Chúng tôi hỏi khi vợ mang thai, anh có đưa chị đi khám hay tư vấn tại trạm y tế xã hay bệnh viện, anh Thếnh trả lời: Ở nhà còn nương, ruộng và phụ nữ Mông ít người đi khám thai. Chỉ trước khi vợ anh đau bụng thì gia đình đoán là sắp sinh và bảo ở nhà chuẩn bị các đồ sinh nở theo tập quán... 

Mọi người trong gia đình anh Thếnh cho rằng 2 đứa trẻ và bà mẹ chết là do số mệnh… Hai đứa con tử vong đều có biểu hiện tương tự, khi sinh ra vẫn bình thường, sau 1 tuần đầu bú ít và hay khóc nhưng gia đình đều không đưa đi bệnh viện vì cứ nghĩ đó là biểu hiện bình thường. Đến cuối tuần thứ 2, da trẻ tím tái, khó thở và tử vong chỉ trong thời gian 30 phút. 

Hai gia đình khác trong bản có trẻ tử vong mà chúng tôi đến là nhà anh Hạng A Páo và Giàng Sáy Giàng. Các cháu tử vong có biểu hiện tương tự như cháu bé nhà anh Thếnh. Hai người mẹ sinh con đều được gia đình đỡ đẻ, chăm sóc tại nhà.

Mang theo nỗi lòng, tâm trạng buồn tiếp tục hành trình chuyến công tác, chúng tôi chỉ mong sao sẽ không còn được nghe câu chuyện tương tự như thế, nhưng khi vào bản San Suối, xã Hừa Ngài thì lại thêm nỗi buồn, ai oán… bởi ở đây có gấp đôi trẻ tử vong sau sinh từ 1 - 2 tháng so với bản Trung Dình.

Chúng tôi cùng cán bộ y tế xã Sùng A Xế đi thăm các gia đình có trẻ tử vong trong bản. Các hộ đều thuộc diện khó khăn, nheo nhóc và đông con. Nhiều gia đình, đứa nhỏ sinh sau đứa lớn 1 năm nên còi cọc, suy dinh dưỡng. 

Trò chuyện với gia đình anh Sùng A Dua chúng tôi được biết, đứa con gái Sùng Thị Lý sinh ra chưa đầy 1 tháng đã mất đột ngột, anh chị chỉ thấy con khó thở trong khoảng thời gian ngắn và không kịp đưa ra trạm y tế xã. Khi sinh ra được 1 tuần, do công việc làm nương bận rộn, nhà không có người làm, 2 con đầu còn nhỏ không thể trông em nên anh chị phải đưa con lên nương cùng để tiện cho việc chăm sóc. Chỉ đến khi thấy con khóc nhiều, anh mới bảo chị cho con ở nhà một hôm thì đứa trẻ qua đời.

Những trẻ sau sinh
Đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn là một trong những nguyên nhân làm cho người dân Mường Chà chưa thể quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Nguyễn Huấn

Trên đường từ bản San Suối trở về, anh Xế cho biết: Trong 5 tháng vừa qua (từ tháng 1- 5) xã có 12 trẻ chết sau sinh từ 1 - 3 tháng, nhiều trẻ vừa sinh ra tử vong khi chưa kịp đặt tên. Các trẻ tử vong đều sinh tại nhà, có gia đình gọi cô đỡ của bản nhưng cũng có nhà gia đình tự đỡ và chỉ sau từ 1 - 2 tuần tuổi, trẻ đã được bố mẹ đưa lên nương. Các trường hợp tử vong, Trạm đã báo cáo với Trung tâm Y tế huyện và cán bộ y tế huyện vào kiểm tra, kết luận trẻ bị viêm phổi do không được khám thai tư vấn và khi trẻ mắc bệnh không được chữa trị kịp thời. Dù trong thời gian qua, Trạm Y tế xã thường xuyên cử cán bộ xuống tuyên truyền, vận động người dân cách phòng tránh bệnh trẻ hay mắc và khuyến khích việc sinh tại các cơ sở y tế nhưng chưa đạt hiệu quả. Do đường xa, người dân ngại ra sinh tại trạm y tế, cuộc sống khó khăn, tập quán người Mông đã làm cho nhiều trẻ thiệt mạng không đáng có.

Khi xem báo cáo tại Trung tâm Y tế huyện Mường Chà, chúng tôi “giật mình” bởi con số 75 trẻ dưới 1 tuổi tử vong trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, số trẻ tử vong ở 13/14 xã, thị trấn, với trên 90% mắc bệnh viêm phổi, đều sinh tại nhà và là trẻ dân tộc Mông.

Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Vũ Thị Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Chà cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm phổi: Do thay đổi thời tiết đột ngột, trẻ không được giữ ấm… 

Trong quá trình mang thai, người mẹ phải đi kiểm tra định kỳ, nhất là giai đoạn cuối, để được tư vấn kịp thời. Đa số phụ nữ người Mông hoàn cảnh gia đình khó khăn, ăn uống không đảm bảo nên sinh trẻ thiếu cân. Các trẻ thiếu cân phản xạ đường thực quản chưa hoàn thiện, vận động cơ không đều đặn nên thường bị trào ngược thực quản dạ dày. Trong các trường hợp này, nếu sữa bị hít nhầm vào phổi, sẽ gây ra các triệu chứng như thở gấp, hụt hơi, tím tái mặt, lượng sữa hít vào càng nhiều triệu chứng càng nặng, gây ra viêm phổi.
 
Môi trường sống bị ô nhiễm, người mẹ thiếu vệ sinh là nguyên nhân chính trẻ bị nhiễm bệnh. Khi trẻ sinh phải được tiệt trùng các đồ dùng, người mẹ rửa tay với xà phòng trước khi tiếp xúc với trẻ. Tránh không cho tiếp xúc với các nguồn lây bệnh, nếu mẹ bị cảm, phải đeo khẩu trang khi cho trẻ bú. 

Các bệnh như viêm khoang miệng, viêm da, viêm dây rốn… đều có thể dẫn tới viêm phổi sơ sinh. Chính điều kiện sống của người dân ở bản vùng sâu, xa, môi trường bị ô nhiễm và tập quán của người Mông tắm ngay cho trẻ sau sinh không đúng quy trình, vệ sinh sạch sẽ nên dẫn đến viêm nhiễm dây rốn. 

Khi trẻ có triệu chứng ho kéo dài phải đưa đến cơ sở y tế điều trị. các trẻ vừa qua đều không được đưa đến cơ sở y tế, hay đưa đến muộn, trong tình trạng nguy kịch. Viêm phổi không phải là bệnh nan y khó chữa, nếu được điều trị kịp thời, khi trẻ có biểu hiện ho kéo dài thì chỉ từ 3 - 4 ngày là khỏi bệnh nhưng nếu để nặng thì tử vong rất nhanh.

Để không còn cái chết oan uổng của trẻ sau sinh cần phải cải thiện môi trường sống, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, nâng cao nhận thức của người dân. Một vấn đề đặt ra cho chính quyền cơ sở, cấp, ban, ngành huyện Mường Chà trong thời gian tới là cần có giải pháp thiết thực.

Nguồn: Điện Biên Phủ online

Những người không nên ăn mướp

Quả mướp tốt cho những người bị thiếu máu, đái tháo đường, tim mạch. Tuy nhiên, một số người cần lưu ý khi sử dụng mướp trong thực đơn hằng ngày.

Người 32 tuổi có thận như cụ già sau khi dùng thực phẩm chức năng của Nhật

Một tháng sau khi dùng thực phẩm chức năng của Kobayashi, một nhân viên y tế tại Bệnh viện Kobe bắt đầu gặp phải các vấn đề sức khỏe không rõ nguyên nhân.

Vợ chồng bác sĩ kể lại giây phút cấp cứu hàng chục người gặp tai nạn giao thông

"Em là bác sĩ, em sẽ hướng dẫn mọi người sơ cứu đúng cách", bác sĩ Giáp không kịp cởi mũ bảo hiểm, vừa hô to, vừa xắn tay áo lao vào cấp cứu các nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Kon Tum.

Loại quả giúp chống lão hoá đang được bán khắp nơi ở Việt Nam

Dâu tây là trái cây được nhiều người yêu thích, tốt cho sức khỏe, hỗ trợ quá trình chống lão hóa. Dâu tây khó bảo quản, ở nhiệt độ thường chỉ 24 giờ sẽ bị thâm, héo cuống. Nếu mua phải loại quả để bên ngoài 4-5 ngày vẫn tươi ngon bạn nên thận trọng.

Bác sĩ bức xúc với 'đơn thuốc quốc dân chữa bách bệnh' được lan truyền khắp nơi

Khó chịu vì bị tiểu buốt, chị M. vào nhà thuốc kể bệnh và được bán cho đơn thuốc "thần kỳ" chỉ 2 ngày sau hết triệu chứng nhưng tác dụng phụ vô cùng nguy hiểm.

Xử phạt bác sĩ không ghi đơn thuốc rõ ràng: Có quy định sao khó áp dụng?

Theo Nghị định 117 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, một trong các hành vi liên quan đến kê đơn thuốc sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng là “không ghi đầy đủ, rõ ràng vào đơn thuốc".

Đề nghị xử lý bác sĩ viết đơn thuốc chữ như 'giun dế quái đản'

"Thời buổi hiện đại mà bác sĩ vẫn kê đơn thuốc viết tay với chữ như "giun dế" đến quái đản, không ai dịch được thì không thể chấp nhận nổi", độc giả Minh Phạm gửi ý kiến về diễn đàn của VietNamNet.

'Chữ bác sĩ trên đơn thuốc đến dược sĩ cũng phải đoán mò thì nguy hiểm quá'

Chữ viết, đặc biệt là của các bác sĩ khi kê đơn thuốc, cần phải đủ cẩn thận, rõ ràng, để đa số người dân, dược sĩ có thể đọc được mà không phải "dịch ngược dịch xuôi, đoán già đoán non".

Những đơn thuốc như 'vẽ giun ra giấy' không ai dịch nổi vì chữ bác sĩ quá xấu

Xung quanh câu chuyện bác sĩ viết chữ trong đơn thuốc nhưng không ai luận dịch nổi, kể cả dược sĩ, bạn đọc VietNamNet cho rằng chuyện này không hiếm, dù hiện nay đơn thuốc in máy đã phổ biến.

Hành trình đi nhờ người dịch chữ bác sĩ trên đơn thuốc

Để mua được 4 loại thuốc trong đơn bác sĩ viết tay, một gia đình ở Nghệ An đã phải đi qua nhiều quầy thuốc ngoài viện, nhờ 4 người dịch chữ bác sĩ và chỉ kết thúc khi đến mua ở nhà thuốc bệnh viện.

Đang cập nhật dữ liệu !