Mẹ đi chống dịch sốt vì căng sữa, con đòi mẹ bế qua tivi
Điều dưỡng Hạnh được tăng cường từ Bệnh viện 103 về Bắc Giang điều trị cho bệnh nhân Covid -19. Những ngày đầu xa con, bầu sữa căng tức, chị nhớ con khủng khiếp. Mỗi khi gọi điện về, con thấy mẹ là cười bập bẹ “mẹ ơi… mẹ bế”
Bác sĩ trẻ cạo trọc đầu ra tâm dịch: 'Tôi gửi đơn xin đi Bắc Giang'
Trước khi chuẩn bị ra Bắc Giang chống dịch, Bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu đã quyết định 'xuống tóc' để thuận tiện mặc quần áo phòng hộ chống dịch.
Chị Phùng Thị Hạnh – sinh năm 1993, là cán bộ của Bệnh viện Quân y 103, là 1 trong 100 cán bộ y tế xuống hỗ trợ Bắc Giang chống dịch. Hạnh đang nuôi con nhỏ 18 tháng tuổi chưa cai sữa. Ban đầu, Hạnh nghĩ sẽ cho con bú sữa mẹ tới 2 tuổi. Nhưng có lẽ bây giờ thì không thể thực hiện được.
Chia sẻ với chúng tôi, Hạnh tâm sự: 'Chiều nay ít việc hơn chút nên được các đồng nghiệp ưu tiên một buổi chiều để nghỉ ngơi, bây giờ các đồng nghiệp của tôi mới giao ca về (22h ngày 29/5). Nếu tôi đi làm thì cũng như vậy'.
Chị Hạnh và bé Kem. |
22h khuya của 10 ngày trước, Hạnh đang ôm con ru bé ngủ thì nhìn điện thoại thấy tin nhắn thông báo khẩn cấp của cơ quan, đã là khẩn cấp thì phải xem ngay.
Thông báo về việc thành lập đoàn công tác xuống Bắc Giang hỗ trợ địa phương chống dịch. Hơn 100 cán bộ công nhân viên.
Bà mẹ trẻ vẫn nghĩ “chắc không có tên mình”. Hạnh chỉ nghĩ xem khoa mình ai đi. Kéo đến khoa của cô thì chỉ có tên cô Phùng Thị Hạnh duy nhất. Đây là công việc cũng là nhiệm vụ rồi. Cô vội vàng thu xếp đồ đạc. Kỳ lạ, cả đêm không thể ngủ nổi. Hạnh nghĩ tới con mình.
Sáng sớm dậy đi làm, con vẫn còn ngủ. Hạnh chỉ nhìn con từ xa rồi đến cơ quan lên đường xuống Bắc Giang. Khi đến nơi, cô thấy mệt và bắt đầu căng tức sữa. Cơ địa nhiều sữa và cả đêm qua bé Kem (con gái Hạnh) không ti mẹ, cô thấy cảm giác người khá mệt.
Hạnh nghỉ tại đơn vị Trung đoàn 831 và bắt tay ngay vào công việc. Nhưng đến hôm sau Hạnh bị sốt vì căng sữa. Vì từng tắc sữa nên Hạnh rất sợ. Cô lo lắng không biết làm gì bây giờ. Ngực đỏ, nóng rát. Hạnh chịu đau nặn từng tí sữa một. 3 ngày đầu, cô nằm bẹp do sốt rồi nhớ con. Hạnh tìm mua thuốc tiêu sữa nhưng không ăn thua.
Mỗi ngày, số ca bệnh ở Bắc Giang cứ ngày một tăng lên. Hạnh bắt đầu vào cuộc chiến chống Covid-19 tại đây cùng các đồng nghiệp.
Ám ảnh nhất của Hạnh đó là mặc quần áo bảo hộ. Trời nắng, người nóng nực vì căng sữa, ngứa ngáy khắp người, mồ hôi chảy ròng ròng rơi xuống mắt cay xè. Xung quanh đều là các đồng nghiệp nam nên chẳng thể chia sẻ được về chuyện bỉm sữa của mình. Cô cố gắng làm tốt công việc của mình ở nơi điều trị. Khi nào rảnh rỗi lại nhớ tới con.
Chỗ Hạnh làm việc là nơi điều trị cho bệnh nhân Covid -19 từ nặng tới nhẹ, già trẻ, phụ nữ mang thai đều có.
Những ngày đầu xa con, nỗi nhớ con khủng khiếp. Mỗi lần gọi về, con thấy mẹ là cười bập bẹ “Mẹ ơi… Mẹ bế” khiến chị Hạnh không thể cầm được nước mắt.
Mẹ xuống tâm dịch, con ở nhà với bà giúp việc mới. Hai ngày đầu con khóc không ăn, tắm cũng khóc. Chồng chị bảo “con không quen bà giúp việc”. Thế là, hai bố con và bà giúp việc về nhà bà nội. Đêm hai bà cũng dỗ cháu nhưng vì thiếu hơi mẹ nên con bé vẫn quấy khóc. Mọi người kể, bình thường Kem chơi rất vui vẻ nhưng nếu vô tình nhìn thấy ảnh mẹ, con bé lại khóc.
Bé Kem khóc khi thấy mẹ trên tivi. |
Hạnh kể vài hôm trước, chị được đoàn quay phim của truyền hình quân đội phỏng vấn. Khi họ hỏi về con, Hạnh chỉ khóc, khóc không nói được gì. Lúc ấy mọi người vẫn quay lại hình ảnh cô khóc. Nhưng hôm sau, anh quay phim và biên tập viên đến bảo Hạnh video hôm qua mic để xa quá nghe không rõ. Thực ra Hạnh biết do cô khóc nhiều nên nói không được.
Hạnh đành cầm mic và nói lại. Giọng nói nghẹn đặc cảm giác không thể thốt ra được. Cô không nghĩ rằng những chia sẻ của mình trên tivi con lại nhìn thấy. Khi nhận được video người nhà gửi con đang khóc vì nhớ mẹ. Hạnh cũng khóc theo. Chỉ biết dỗ con: Ngoan mẹ sẽ về sớm.
Nhưng cô cũng không biết khi nào hết dịch để về. Số ca mắc không ngừng tăng, cuộc chiến còn dài.
Khánh Chi
Xúc động clip bé gái khóc nấc đòi mẹ trên tivi: Thương các chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch!
Theo chia sẻ của người dì ruột, ở nhà cháu bé rất ngoan nhưng khi thấy bóng dáng mẹ trên tivi đã khóc nấc đòi bế.