Loại quả bán đầy chợ không chỉ tốt cho tiêu hoá mà còn giảm nguy cơ đột quỵ
Na chứa một số hợp chất trong đó có kali giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm huyết áp cao ở những người bị bệnh tăng huyết áp và giảm nguy cơ đột quỵ.
Na là loại trái cây có hương vị độc đáo và những lợi ích sức khỏe tiềm năng. Vào mùa thu, khoảng từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 10 là lúc na chín rộ. Hiện loại trái cây này được bán rất nhiều tại các chợ, trong quầy bán hoa quả.
Chia sẻ với phóng viên, TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, cho biết, các bộ phận khác nhau của cây na được sử dụng trong y học dân gian để điều trị các bệnh khác nhau.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các bộ phận khác nhau của cây na sở hữu đa dạng các hoạt chất sinh học với hàm lượng polyphenol và alkaloid cao, được dùng trong y học dân gian để điều trị các bệnh về mắt, tim, các vấn đề về da và tiêu hóa.
Quả Na chứa một số hợp chất giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm huyết áp cao ở những người bị bệnh tăng huyết áp và giảm nguy cơ đột quỵ. |
Đối với quả na không chỉ thơm ngon mà còn có những giá trị dinh dưỡng và lợi ích đối với sức khỏe.
Về dinh dưỡng, quả na có chứa carbohydrate trong đó giàu chất xơ hòa tan, protein, lượng nhỏ chất béo, vitamin C, vitamin B6, kali, riboflavin, thiamine, folate, niacin, axit pantothenic, mangan, magie, đồng, phospho, sắt. 100g thịt quả na cung cấp cho cơ thể khoảng 70 – 80 calo.
Lợi ích của quả na đến từ hàm lượng chất chống oxy hóa, chất xơ và vi chất dinh dưỡng. Nó có các đặc tính chống viêm và các chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe tim mạch, tiêu hóa và nhận thức.
Theo đó, TS. lương y Phùng Tuấn Giang cho biết quả na có chứa các hợp chất chống oxy hóa như flavonoid, carotenoid, vitamin C và axit kaurenoic có thể giúp chống lại stress oxy hóa giúp giảm tỷ lệ tử vong do tim mạch và giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch. Chúng cũng có tác dụng chống viêm và chống chất gây ung thư.
Ngoài ra, na là một nguồn cung cấp chất xơ hòa tan tốt, vì vậy nó có thể hỗ trợ các vấn đề về tiêu hóa và khiến chúng ta cảm thấy no lâu hơn, chống táo bón và làm sạch đại tràng một cách tự nhiên.
“Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chất xơ là thành phần quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh. Ngoài ra, chất xơ được tìm thấy trong quả na có thể lên men và giúp cải thiện hệ vi khuẩn có lợi ở đường tiêu hóa.
Chúng ta biết rằng tiêu thụ chất xơ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, ung thư đại tràng và kiểm soát cân nặng”, TS. lương y Phùng Tuấn Giang bày tỏ.
Không chỉ dừng lại ở đó, na chứa một số hợp chất chống viêm, chẳng hạn như axit kaurenoic. Trên nghiên cứu in vivo, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng axit kaurenoic giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng, bao gồm tổn thương niêm mạc và thâm nhiễm tế bào viêm.
Na cũng chứa carotenoid và flavonoid chống viêm giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính.
TS. lương y Phùng Tuấn Giang cũng nhấn mạnh, không phải cam, ổi mới chứa vitamin C mà na cung cấp vitamin C, một chất dinh dưỡng có liên quan đến chức năng hệ thống miễn dịch. Cung cấp đủ vitamin C giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và nhiều bệnh tật. Các nghiên cứu cho thấy thiếu vitamin C có thể gây suy giảm khả năng miễn dịch và dễ bị nhiễm trùng hơn.
“Quả na có chứa lutein, có thể giúp hỗ trợ sức khỏe của mắt. Lutein có đặc tính chống viêm, giúp ngăn ngừa thoái hóa hoàng điểm do tuổi tác, nguyên nhân hàng đầu gây mù và suy giảm thị lực.
Lutein cũng có thể giúp giảm mỏi mắt, chói và nhạy cảm với ánh sáng. Đặc biệt giúp tăng cường thị lực, giúp mắt nhìn sắc nét hơn.
Quả na là một nguồn cung cấp vitamin B6 dồi dào, giúp duy trì mạch máu khỏe mạnh, hỗ trợ chức năng não, điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ và giảm huyết áp.
Các nghiên cứu cho thấy thiếu hụt vitamin B6 có thể gây ra các vấn đề về chức năng trí nhớ và sức khỏe nhận thức. Duy trì mức vitamin B6 bình thường cũng rất quan trọng đối với tâm trạng và khả năng tập trung của chúng ta”, TS. lương y Phùng Tuấn Giang thông tin.
Đặc biệt, na chứa một số hợp chất giúp tăng cường sức khỏe tim mạch bao gồm các chất chống oxy hóa như carotenoid, vi chất dinh dưỡng như kali và magie và chất xơ.
Nghiên cứu cho thấy rằng kali giúp làm giảm huyết áp cao ở những người bị bệnh tăng huyết áp và giảm nguy cơ đột quỵ.
Tuy na có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, nhưng TS. lương y Phùng Tuấn Giang nhấn mạnh cần phải ăn đúng cách để đạt lợi ích tối đa đặt tránh những tác dụng không mong muốn.
Theo đó, không nên ăn những quả na vỏ có nhiều vẩy trắng, nhiều vết nứt nẻ, bị chảy nước, những quả na này thường bị ủng thối, có giòi.
Khi ăn na, không được cắn vỡ hạt na bởi hạt na có độc tính. Hạt na chứa các acetogenin: squamosten A, anoslin, neo – desacetyluvaricin, neo – anonin – B, neo- reliculatacin A, các squamocin, các squamostatin...
Nếu không may nuốt phải hạt, chúng ta cũng không cần quá lo lắng, vì lớp vỏ cứng dày bao bọc bên ngoài hạt na sẽ không làm hạt na phát độc chất ra ngoài. Tuy nhiên, khi ăn nên cẩn thận vì hạt na khi nuốt vào có thể gây sặc, hóc.
“Chỉ nên ăn một quả na mỗi ngày. Theo y học cổ truyền na có vị ngọt chua, tính ấm; nếu ăn quá nhiều có thể sẽ gây nóng, táo bón, mọc mụn. Nên ăn vào bữa phụ thay thế cho các loại bánh kẹo ngọt, đồ ăn nhanh”, TS. lương y Phùng Tuấn Giang bày tỏ.
Các bác sĩ cũng lưu ý, 3 nhóm người cần kiêng na để bảo vệ sức khỏe.
Thứ nhất, nhóm người thừa cân béo phì. Bởi na là loại quả chứa nhiều đường, cung cấp nhiều năng lượng nên người thừa cân béo phì không nên ăn nhiều. Nếu ăn một quả na loại 200 – 250g thì cũng tương đương với 1 bát cơm, cho nên nếu ăn nhiều các loại quả ngọt này thì việc tăng cân là chuyện đương nhiên.
Thứ hai, người bị mụn nhọt. Một số người có cơ địa hay bị mọc mụn nhọt, rôm sảy, hay bị chắp lẹo mắt thì cũng không nên ăn nhiều na vì hàm lượng đường cao trong quả sẽ làm tăng lượng đường trong máu, là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, nhất là tụ cầu - nguyên nhân gây nên tình trạng mụn nhọt, chốc lở.
Thứ ba, người suy thận cũng được các bác sĩ khuyến cáo không nên ăn nhiều na vì đây là thực phẩm giàu kali, không tốt cho người mắc bệnh cần ăn kiêng.
Ngoài ra, đối với người mắc tiểu đường, đặc biệt là phụ nữ mang thai có tiền sử bệnh tiểu đường thì cũng không nên ăn bởi na có hàm lượng đường tương đối cao.
N. Huyền