Giảm tải bệnh viện: Bài toán khó nhưng phải giải!

Làm thế nào để giải quyết triệt để vấn đề giảm tải bệnh viện? Báo Điện tử Infonet đã tổ chức tọa đàm “Giảm tải bệnh viện – bài toán khó nhưng phải giải!”.

Hình ảnh bệnh nhi ung thư bò ra từ dưới gầm giường để nhìn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cách đây 4 năm đã rúng lên hồi chuông báo động về tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối.

Từ đó đến nay, tình trạng này chưa được giải quyết dứt điểm. Bệnh nhân vẫn còn mất rất nhiều thời gian chờ đợi, ở tất cả các khâu, từ khâu làm thủ tục, khám bệnh, xét nghiệm đến cả việc chờ kết quả, chờ mổ...
Quá tải vẫn còn là bài toán hóc búa của ngành y tế trong thời gian tới.

Khai mạc tọa đàm Giảm tải bệnh viện: Bài toán khó nhưng phải giải!

Tại TP.HCM, thành phố đã có những biện pháp tích cực như nhân rộng mô hình BV vệ tinh, mô hình hợp tác giảm tải BV; nâng cao chất lượng y tế tuyến dưới… Nhưng nhận thức, hành động về quản lý chất lượng bệnh viện còn rất khác nhau giữa các bệnh viện, dẫn tới việc giảm tải không đồng bộ.

Đã có rất nhiều thành quả đáng ghi nhận trong nỗ lực giảm tải bệnh viện, nhưng hiện tượng các bệnh viện tuyến trên vẫn luôn ở tình trạng quá đông, ngột ngạt khiến chất lượng khám chữa bệnh bị hạn chế.

Làm thế nào để giải quyết triệt để vấn đề giảm tải bệnh viện? Báo Điện tử Infonet đã tổ chức Tọa đàm “Giảm tải bệnh viện – bài toán khó nhưng phải giải!”.

Tham dự và trả lời các câu hỏi của độc giả là 2 vị khách mời: BS Nguyễn Thế Dũng – nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM và PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch.

Dưới đây là nội dung buổi tọa đàm:

Ông Nguyễn Văn Lâm (quận Bình Tân, TP.HCM): Mỗi lần đi khám bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính tại một BV ở TP.HCM, tôi và người thân phải lấy số, chờ đợi rất lâu, trong khi thấy BS rất thong thả. Ngành y tế cần có biện pháp gì để giúp cho người bệnh giảm thời gian chờ đợi đến lượt khám? 

BS Nguyễn Thế Dũng – nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Trước hết, tôi xin gửi lời cảm ơn độc giả đã có câu hỏi nêu lên những bức xúc, thực trạng của người dân khi đi khám chữa bệnh gặp phải. Tôi thấu hiểu, chia sẻ với bà con. Đối với bà con là bức xúc, là vô cùng vất vả thì đối với cán bộ y tế là trách nhiệm, là gánh nặng phải giải quyết.

BS Nguyễn Thế Dũng, Nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM trả lời câu hỏi độc giả

Hệ thống y tế Việt Nam, nếu nói theo cách của thầy thuốc: “BV quá tải là bệnh mạn tính và nặng của ngành y tế”. Nặng và mạn tính vì nó xuất phát từ thực tế khách quan của hệ thống y tế chúng ta. Bệnh này có chữa được không?

Dân số Việt Nam ngay sau năm 1975 chưa đông như bây giờ. Các bệnh viện (BV) lúc đó có thể cung cấp được dịch vụ, không có các phòng mạch tư nhân. Khi xóa dần bao cấp, người bệnh vào BV cũng phải trả viện phí, các BS (BS) được mở phòng mạch ngoài giờ, rồi phòng mạch tư nhân. Các phòng mạch tư nhân, ngoài giờ, chia sẻ nhiều số lượng người bệnh đến khám và chữa bệnh nhưng không đáp ứng nổi nhu cầu dịch vụ y tế của người dân ngày càng tăng về số lượng, về chất lượng, về sự đa dạng. Nhìn chung, sức mạnh của ngành y tế vẫn ở các BV. Có bệnh là dồn về BV. 

Trong khi đó lịch sử phát triển của ngành y tế ở nhiều nước, dịch vụ y tế cơ bản được cung cấp bởi những thầy thuốc “vườn” rồi những thầy thuốc chuyên nghiệp mà chúng ta gọi là BS, rồi ngành y tế phát triển đào tạo các BS chuyên khoa y học gia đình hay là BS gia đình (BSGĐ), hành nghề tư nhân (cũng có nước thuộc bộ phận công lập), người bệnh là thân chủ của họ. 

Hệ thống y tế phát triển hình thành mạng lưới BSGĐ được tổ chức rộng khắp địa bàn dân cư, hoạt động được quy định bởi hành lang pháp lý. 

Như vậy dịch vụ y tế được phân thành 03 cấp tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh: “Cấp cơ bản, ban đầu, tại địa bàn dân cư do BSGĐ phụ trách; cấp thứ hai bệnh nặng hơn đòi hỏi kỹ thuật cao hơn do các BV phụ trách; và cấp thứ ba bệnh phức tạp, quá nặng đòi hỏi kỹ thuật thật cao, thầy thuốc thật giỏi (bậc thầy) do các BV đào tạo (BV đại học) phụ trách”. 

Trong hệ thống y tế ấy: Các BV đại học là nơi đào tạo sinh viên, sinh viên được đào tạo giỏi mới trở thành người giỏi phục vụ được sức khỏe người dân, nếu chỉ có tên là BV đại học mà sinh viên không được thực tập thì chỉ là BV của đại học, chứ chưa là BV đào tạo, chưa là BV đại học.

BSGĐ là người quyết định phân cấp điều trị cho người bệnh: “Giữ người bệnh lại để mình chăm sóc hoặc chuyển đến BS chuyên khoa hoặc chuyển đến BV đúng tuyến kỹ thuật”. BSGĐ không phải là BS “alô” chờ gọi để đến phục vụ; BSGĐ được đào tạo sau khi tốt nghiệp đại học về các chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi,… đặc biệt là kiến thức và kỹ năng quản lý người bệnh, chịu trách nhiệm về sức khỏe của thân chủ mình từ trong bụng mẹ cho đến lúc cuối đời. Hồ sơ người bệnh được lưu giữ hàng trăm năm giữa các BSGĐ với nhau. BSGĐ thường chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình, đó là lợi thế về chăm sóc sức khỏe vì bệnh tật liên quan chặt chẽ trong gia đình, đó là lý do gọi là BSGĐ. BSGĐ là BS gần dân, đến dân, của dân và đương nhiên là vì dân. 

Tặng hoa cho hai vị khách mời tham dự tọa đàm

Hiện nay các Đại học Y khoa chúng ta mới đào tạo BSGĐ, số lượng BSGĐ còn ít. Làm sao có được mạng lưới BSGĐ? Theo tôi, song song với việc đào tạo chuyên khoa bài bản, ngành y tế nên mời các BS làm phòng mạch ngoài giờ, phòng mạch tư nhân tham gia mạng lưới BSGĐ bằng cách nhờ các Đại học Y khoa đào tạo ngắn hạn cho họ. Ngành y tế vẫn đặt tiêu chuẩn hành nghề BSGĐ nhưng không quá khó khăn, thậm chí phải tiếp thị để mời họ hành nghề BSGĐ. Hành nghề BSGĐ thường kết hợp với Điều dưỡng, Nữ hộ sinh, thậm chí nhân viên y tế thôn bản ở vùng sâu, vùng xa,..(hình thành một ê kíp cùng làm việc chung).

Hệ thống y tế Việt Nam lợi thế là có Trạm y tế, Trạm y tế ngoài chức năng như hiện nay, còn có thể tham gia vào mạng lưới BSGĐ với vai trò là Trung tâm điều phối hoạt động BSGĐ ở địa bàn dân cư với các chức năng: “Giúp BSGĐ thực hiện đúng quy định của ngành y tế; phối hợp hoạt động BSGĐ nhịp nhàng (ví dụ phân công trực vào ngày giờ nghỉ tại trạm y tế ở những nơi có nhu cầu); nâng cao trình độ BSGĐ qua các buổi đào tạo; tổ chức phòng khám BSGĐ mẫu ở những nơi có điều kiện giúp cho việc đào tạo, nâng chất lượng hoạt động BSGĐ”.
Luật pháp cần quy định Bảo hiểm y tế phải vào cuộc. Chính phủ có chế độ, chính sách ưu đãi cho mạng lưới BSGĐ ở vùng sâu, vùng xa.

Xây dựng được hệ thống y tế như thế thì không ai bệnh mà muốn vào BV, vì đến BSGĐ thuận lợi hơn, gắn bó hơn. Đó là BS của mình, lo cho sức khỏe của mình, của gia đình mình toàn diện, từ đầu đến cuối.

Tóm lại “BV quá tải” là bệnh nặng, mạn tính nhưng có thể chữa được bằng phương pháp đặc hiệu là xây dựng mạng lưới BSGĐ, xây dựng hệ thống y tế dựa vào kiềng 03 chân: “Đào tạo – Tổ chức – Luật pháp” đồng thời phối hợp với các phương pháp điều trị triệu chứng như thêm BV, thêm giường bệnh (chúng ta phải hết sức cân nhắc về hiệu quả, hiệu năng của việc này; các BV tiên tiến hiện nay đang tăng chất lượng điều trị, tăng điều trị trong ngày, tăng điều trị ngoại trú để giảm số ngày điều trị, giảm số giường bệnh nội trú), chỉ đạo tuyến chuyển giao kỹ thuật cho tuyến trước,… 

Lời giải, theo tôi đã có, tuy nhiên đây là việc đổi mới cả hệ thống y tế, vô cùng khó khăn đòi hỏi phải có Tổng chỉ huy tầm Thủ tướng, Phó Thủ tướng chủ trì chương trình quốc gia còn ngành y tế là chủ lực, vừa xây dựng luật pháp, vừa tổ chức, vừa đào tạo.

Tôi phải trình bày khá dài vì câu hỏi của ông Lâm không trả lời đơn giản được và cũng để góp phần trả lời các câu hỏi của quý độc giả tiếp theo. 

Bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính của ông Lâm hoàn toàn được chăm sóc tốt bởi BSGĐ, vừa không tốn thời gian chờ đợi, vừa được tư vấn, theo dõi tốt. 

Bà Nguyễn Thanh Tâm (quận 2): Một lần đi khám bệnh trên địa bàn tôi thấy BS sau khi khám thì không tư vấn cho bệnh nhân nên hoặc không nên làm gì, ăn uống kiêng cữ như thế nào? Vấn đề này ngành y tế nên giải quyết như thế nào, thưa ông?

BS Nguyễn Thế Dũng – nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM:
Làm sao tư vấn kịp nếu tình hình người bệnh quá mức đông. Người khác được tư vấn nhiều thì người sau lại bực mình, chờ đợi để được khám. Thời gian chỉ có một không thể giải quyết rốt ráo một lúc nhiều người được. Nhưng BSGĐ giải quyết được việc này.

Ông Nguyễn Hữu Bách (ngụ quận 5): Mỗi lần khám bệnh rất mất thời gian. Thưa ông, tại sao các BV không triệt để áp dụng công nghệ thông tin trong việc đặt lịch khám cho bệnh nhân?

BS Nguyễn Thế Dũng – Nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM:
Các BV đang nỗ lực làm, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Nếu không dùng CNTT sẽ thiệt thòi cho cả BV lẫn người bệnh. Tôi biết ngành y tế đã xây dựng những phần mềm này tuy nhiên bà con nên góp ý thêm giúp BV hoàn thiện hơn bằng cách góp ý trực tiếp về chất lượng của BV (các BV của ngành y tế TP. HCM có đặt những màn hình để bà con bấm vào góp ý về chất lượng BV). 

Buổi tọa đàm diễn ra vào chiều 29/12/2017

Bà Lâm Thị Bền (ngụ quận 8): Tôi từng chứng kiến người thân của một bệnh nhân bị mất cắp một số tiền lớn trong lúc đi khám bệnh ở một BV lớn tại TP.HCM. Các BV có giải pháp gì đối với các đối tượng trộm cắp trà trộn vào đám đông người khám bệnh để thực hiện hành vi? 

BS Nguyễn Thế Dũng – nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Trộm cắp tại BV rất phổ biến, kẻ gian chỗ nào đông người là lợi dụng. Các BV rất nỗ lực, nhưng BV làm gì cũng không bằng bà con tự bảo vệ mình. BV có từ bảo vệ cho đến các BS, nhân viên khác đều hết sức nhắc nhở bà con cảnh giác nhưng quá tải là sơ hở cho kẻ gian hành động.

Đinh Thanh Tuấn, quận Phú Nhuận: Tôi thấy chỉ có các BV lớn là quá tải, trong khi đó tại TP.HCM có rất nhiều hệ thống BV tư nhân, BV tuyến quận, huyện... Vậy tại sao không có sự kết hợp giữa các BV lớn và các BV ở các tuyến để giảm sự quá tải ở BV lớn?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch:
Thực ra là có sự kết hợp giữa BV tuyến trên với tuyến dưới, giữa BV vệ tinh với khoa vệ tinh và BV tuyến trên. Sự phối hợp này diễn ra phổ biến. Mỗi đơn vị phải xây dựng tiêu chí chất lượng, đạt tiêu chuẩn Bộ Y tế. 

Ông Vĩnh, Bình Thạnh: Quá tải tại các BV chủ yếu là do bệnh nhân các tỉnh khác đến. Vậy chính quyền có cách nào để khắc phục tình trạng này không, thưa ông? Là Lãnh đạo, ông nghĩ có nên siết chặt hơn việc chuyển tuyến?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Bệnh giai đoạn đầu khó chẩn đoán nên chưa thể nói BV tuyến dưới chẩn đoán sai hoặc kém. Cách khắc phục là hàng năm phải đánh giá chất lượng chuyên môn của mình, để mình biết làm được, cái gì chưa được. Những hồ sơ chuyển lên tuyến trên và tuyến trên chuyển lại để cho tuyến dưới biết cái gì làm được và chưa được.
Muốn giảm tải có 2 cách: Một là nâng cao chất lượng của các y tế tuyến tỉnh. 2 là tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ đào tạo chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật.

Tuyến dưới phải đặt ra mục tiêu, kỹ thuật, tiêu chuẩn gì chuyển giao được, rồi làm theo BV lớn.

Trung, Đà Nẵng: Tôi từng có con nằm bệnh ở BV Nhi đồng, tối không đủ giường ngủ phải ra ban công ngủ, vừa mất vệ sinh vừa dễ lây bệnh từ các nguồn bệnh khác. Xin hỏi, theo ông, làm thế nào để đảm bảo vệ sinh và chống lây chéo bệnh ngay trong BV? 

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Quá tải BV hệ lụy rất lớn, gây ra nhiễm trùng BV. Để đảm bảo vệ sinh, hạn chế quá tải, hạn chế giường đôi, giường 3, theo tôi cần tăng cường các biện pháp dự phòng, phòng tránh đúng quy trình. Rửa tay trước và sau khi khám bệnh.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch trả lời câu hỏi của độc giả Infonet

Hoàng Tuấn Anh, Phường 4, quận Tân Bình: Tôi thấy vấn đề quá tải BV được nói đến rất nhiều trong thời gian qua, cũng thấy có nhiều phương án được đưa ra, trong đó có cả việc xây các BV vệ tinh để giảm tải cho các BV lớn. Nhưng tôi thắc mắc là tất cả những phương án này được nói rất nhiều nhưng vẫn chưa thấy thực hiện được bao nhiêu. Vậy liệu khi nào các phương án giảm tải này được đưa vào thực tế?

BS Nguyễn Thế Dũng – nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM:
Như tôi đã trình bày ở trên, việc xây thêm BV cần cân nhắc về hiệu quả, hiệu năng.

Chỉ đạo tuyến chuyển giao kỹ thuật, nâng cao trình độ cho tuyến trước là việc phải làm (nhưng lưu ý là không làm thay tuyến trước, làm thay chỉ gây tình trạng người làm, người nghỉ, chỉ trích lẫn nhau, lãng phí). 
Ngành y tế cũng đang nỗ lực thực hiện những điều này. Nhưng như tôi đã trình bày ở trên đó chỉ là phương pháp điều trị triệu chứng góp phần giảm tải BV. 

Nguyên lý thật đơn giản: “Giảm tải ở BV thì tải đó phải chuyển về đâu? Tức là phải về cộng đồng, về địa bàn dân cư nghĩa là về BSGĐ”. 
 
Lê Thanh Minh, Quận Thủ Đức: Tôi thấy một trong những nguyên nhân gây quá tải cho các BV hiện nay đó là người bệnh từ các nơi đều đổ về các BV lớn của thành phố HCM thay vì điều trị ở địa phương hay các BV tư nhân hay tuyến quận, huyện… Thực tế có những người bệnh không nặng nhưng họ vẫn vào BV lớn cho an tâm, đây là một thực trạng từ nhiều năm nay. Liệu những người làm trong ngành y tế có phương án nào để người dân thay vì chọn các BV lớn mà chuyển sang các BV tuyến khác điều trị nhằm tránh tình trạng quá tải hay không?

BS Nguyễn Thế Dũng – nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: 
Trách nhiệm của BV tuyến trên là phải nâng cao chất lượng của BV tuyến dưới (trước). Ngành y tế gọi là chỉ đạo tuyến. 

Anh Minh ở Quận Thủ Đức, chắc cũng biết sự phát triển của BV Quận Thủ Đức chỉ mới 09 tuổi đã là BV hạng 1 của ngành y tế cả nước, mỗi ngày có khoảng 3.000 – 4.000 lượt người bệnh đến khám. Đây là thành quả chung của ngành y tế TP. HCM, của các BV Trung ương thuộc Bộ Y tế giúp sức và dĩ nhiên là sự nỗ lực của đội ngũ BV Quận Thủ Đức. Hiện nay nhiều BV Quận của TP.HCM cũng phát triển thu hút được nhiều người bệnh.

Quá tải bệnh viện được xem là "bệnh nặng, mãn tính" của ngành y. Đó là một trong những nhận định của BS Nguyễn Thế Dũng, vị khách mời của buổi tọa đàm

Hoàng Thùy Dương, Quận 1, TP.HCM: Tôi thấy giám đốc Sở y tế Tp.HCM hồi tháng 2/2017 có phát biểu trong 3 năm nữa sẽ không còn quá tải BV ở TP.HCM nữa. Theo ông, liệu điều đó có thực hiện được không?

BS Nguyễn Thế Dũng – nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM:
Đó là mong mỏi của Giám đốc Sở Y tế. Còn chỉ hết quá tải BV khi nào chúng ta xây dựng được mạng lưới BSGĐ như tôi đã trình bày ở trên.

Trần Văn Tiến, Tân Bình: Nhiều lần đi khám bệnh ở các BV lớn tôi đều gặp tình trạng quá tải. Nhưng tôi thấy hơi lạ là ở một số BV xuất hiện các “cò” chỉ cần đưa tiền cho họ là vào khám rất nhanh, khiến những người chờ đợi cảm thấy bức xúc. Ngành y tế có biết tình trạng này không và có phương án nào để giải quyết?

BS Nguyễn Thế Dũng – nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM:
Nhiều nơi xảy ra tình trạng này, ngành y tế biết, BV biết, cũng đấu tranh dữ dội, kết hợp với cả lực lượng an ninh địa phương. Nhưng “cò” biết quy định, quy trình khám chữa bệnh của BV, biết BS, biết tâm lý của bà con. Họ dùng nhiều “chiêu” để “cò” như đến lấy số sớm, rồi dùng số đó “bán” cho bệnh nhân đến sau,…

Nếu bà con thấy “cò”, thấy có tiêu cực thì thay vì nhịn, thay vì tức, hãy báo ngay cho BV xử lý.

Anh Thành – Q9: Quận nào cũng có BV, phường nào cũng có trạm y tế, vậy tại sao BV lớn lúc nào quá tải? Nếu chúng ta có 1 quy trình chặt chẽ hơn, ví dụ BV lớn không được nhận khám hoặc khám các bệnh nhẹ sẽ không được thu phí cao… liệu tình trạng quá tải có giảm đi hay không?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch:
Một trong những giải pháp giảm tải BV là phân luồng bệnh nhân. Các bệnh không nhất thiết phải vào BV lớn mà có thể vào tuyến y tế cơ sở, với yêu cầu tuyến cơ sở giải quyết tốt những bệnh này. Một số nước, bệnh thông thường lên tuyến trên sẽ không được thanh toán.

Chị Hoàng Minh Thơ – NV VP quận 7: Tỉnh nào cũng có BV, nhưng người dân lại ùn ùn kéo nhau đến BV tuyến trên, đặc biệt là HCM? Nếu một giấy chuyển viện do BS tuyến dưới ký không đúng nguyên tắc hoặc bệnh không quá nặng, liệu có nên có biện pháp chế tài nào với vị BS đó hay không?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch:
Thường để đảm bảo tính chất chuyên môn và an toàn cho bệnh nhân, BS sẽ chỉ chuyển BN đi khi quá sức điều trị của họ.

Chị Mai Thị Chúc Anh- Q7: Đi khám bệnh ở BV phải thức từ khuya, 3h sáng đã bắt số thứ tự để khám. Đã bao giờ ông “sống” cùng người bệnh như thế này chưa? Kỷ niệm đáng nhớ của ông khi đi giải quyết tình trạng quá tải BV là gì?

BS Nguyễn Thế Dũng – nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM:
Tôi đã luôn sống cùng người bệnh từ lúc còn làm việc ở BV, kể cả như chị Anh nêu.

Vợ tôi cũng thế nếu không đi cùng tôi, cũng phải ngồi chờ đến lượt khám bệnh.

Kỷ niệm đáng nhớ của tôi là có lần, một nhà báo với ý tốt, đề nghị viết giúp cho ngành y tế TP. HCM một bài “Làm sao để cán bộ y tế có nụ cười”. Nhưng tôi cám ơn, xin từ chối và thay mặt ngành y tế TP. HCM xin lỗi về việc “cán bộ y tế thiếu nụ cười”. Tôi hỏi lại nhà báo có muốn cùng tôi đến thăm nơi mà “cán bộ y tế không kịp cười”, 2 – 3 giờ chiều mà chưa được ăn trưa hay không? Nhà báo cười vui và trả lời đã biết chỗ đó rồi, không cần đến thăm.

Ngô Thị Hiền, Trần Não, quận 2: Với tình hình “cải tiến nhưng chưa được nhiều” như thế này, theo ông, khoảng bao giờ chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu không còn người bệnh phải nằm ghép, chờ đợi khám chữa bệnh quá lâu? 

BS Nguyễn Thế Dũng – nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM:
Khi nào chúng ta có mạng lưới BSGĐ, hệ thống y tế như tôi đã trình bày ở trên thì vấn đề mới được giải quyết.

Chị Hoài, Hóc Môn : Được biết, một số BV đã chuyển những bệnh nhân sau khi phẫu thuật, điều trị về tuyến dưới chăm sóc trong khi một số cơ sở tuyến dưới chưa tạo được niềm tin cho người bệnh, họ lo ngại bị biến chứng hoặc nhiễm trùng... Vậy BV có biện pháp hay cơ chế giám sát như nào để đảm bảo chất lượng điều trị cho những bệnh nhân này? 

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Thực ra BV tuyến dưới phải là BV vệ tinh, hoặc khoa vệ tinh của BV tuyến trên, sự chăm sóc mới được liên tục, kiểm soát được chuyên môn. Giao ban chuyên môn về bệnh án bệnh nhân giữa BS tuyến dưới và BS tuyến trên. Muốn thế phải có CNTT, được kết nối khi là BV vệ tinh của tuyến trên. Không phải vệ tinh thì rất hạn chế.

Muốn làm được, giữa các BV phải có thông tin thông suốt. Phải giám sát, trao đổi chuyên môn giữa các BV, thông tin diễn tiến phải thông báo lên BV tuyến trên.

Le Nguyen, Bình Phước: Các đài phát thanh, các ứng dụng di động, website… thường có các chương trình chẩn đoán bệnh qua triệu chứng của bệnh nhân. Việc này có an toàn không, có nên nhân rộng để giảm tải BV? 

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch:
Tư vấn giáo dục sức khỏe chứ không phải chẩn đoán bệnh chính xác. Người bệnh cần tới gặp nhân viên y tế để xác định chính xác bệnh. Tuy nhiên việc này cũng nên phổ biến, nhân rộng góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân.

Bùi Thuận, Trảng Bàng, Tây Ninh: Có cách nào để các ca bệnh nhẹ được khám qua mạng, khám tại nhà nhằm giúp giảm tải BV? Ông nghĩ gì về việc các BS đang livetream, tư vấn bệnh qua facebook? Có nên nhân rộng mô hình này?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch:
Theo tôi, nên nhân rộng mô hình BS tư vấn trực tuyến, hạn chế đi lại, tránh quá tải, giúp tăng hài lòng của bệnh nhân. Họ sẽ là người tư vấn cho bệnh nhân nên tới BV lúc nào, khám BS chuyên khoa gì. Và bệnh nhân cũng được BS tư vấn cặn kẽ hơn.

Thu Cúc, Hóc Môn: Tôi thấy BV Nhi Đồng có lực lượng sinh viên tình nguyện giúp hướng dẫn người bệnh để tránh tình trạng xếp hàng và đảm nhận các công việc đơn giản khác. Theo ông, có nên nhân rộng việc này để góp phần giảm tải? Nhất là mình vừa có BV vừa có trường đào tạo sinh viên ngành y?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Theo tôi nên phát huy mô hình các sinh viên thực tập chuyên môn tiếp đón, hướng dẫn bệnh nhân. Một mặt tăng hài lòng người bệnh, mặt khác sinh viên được tiếp xúc bệnh nhân. 

Ông Vũ Như Phú (ngụ quận 8): Theo tôi áp lực công việc là nguyên nhân chính dẫn đến sự cáu giận của các BS, do vậy muốn hạn chế điều này phải thực hiện các giải pháp giảm tải BV. Nhưng BV dường như ngày càng quá tải. Vậy đâu là giải pháp khả dĩ nhất, thưa BS?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Nếu xem quá tải BV là một loại bệnh thì liều thuốc là mạng lưới BS gia đình. Đây là cách để cân bằng bệnh nhân ngoại trú và nội trú. Những cái gì cần thiết thì mới tới BV.

Bà Hoàng Thị Mai (ngụ quận 7): Để giảm tải BV, một trong những biện pháp là phát triển y tế tư nhân. Nhưng nếu vậy thì BS tại BV công sẽ ra đó làm vì thu nhập. Làm sao để dung hòa điều này thưa BS?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Thực sự ra, cái này quy luật thị trường lao động, nước chảy chỗ trũng, nơi nào thu hút BS giỏi thì có lợi cho mình thôi.

Ông Đinh Văn Mạnh (ngụ quận Tân Bình): Xây thêm BV để giảm tải là cần thiết nhưng không phải là giải pháp căn cơ. Cái chính là rèn luyện sức khỏe hàng ngày để không xảy ra bệnh. Người dân biết điều này nhưng thực hiện còn ít, làm sao chúng ta khuyên họ được thưa BS?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch:
Đúng vậy. Phải cân bằng chính mình theo hướng nâng cao sức khỏe. Để làm được, người dân cần phải gần BSGĐ. Họ nên theo hướng nên tìm cơ sở y tế gần nhất, tìm BS gia đình và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe và quản lý chặt sức khỏe của họ. 

Bà Lý Thị Hai (ngụ huyện Củ Chi). Các trạm y tế phường xã được đầu tư nhưng không hiệu quả, do vậy không có tác dụng giảm tải cho các BV tuyến trên. Theo tôi chúng ta nên chuyển đổi những trạm y tế này thành cơ sở BSGĐ, thưa BS.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Trạm y tế quản lý sức khỏe cộng đồng. Nhưng nếu tăng cường chức năng quản lý mạng lưới BSGĐ, thêm chức năng điều trị cá thể, quản lý hồ sơ sức khỏe trên địa bàn, điều phối nguồn lực chăm sóc người dân trên địa bàn thì sẽ hoàn chỉnh hơn đối với Trạm y tế.

Ông Mai Xuân Hoàng (ngụ huyện Củ Chi): Nhiều BV tuyến huyện được đầu tư khá tốt, nhưng người dân vẫn không mặn mà. Tôi đề nghị cần quy định các BS giỏi của BV thành phố bắt buộc phải xuống đây mỗi tháng 5 ngày, vừa để khám bệnh, vừa để bồi dưỡng kiến thức cho BS tại đây. Nhận định của ông về điều  này như thế nào?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Chúng ta nên có quy định pháp lý để cho các BS giỏi được luân phiên xuống tuyến dưới làm việc. Ngược lại BS tuyến dưới định kỳ lên tuyến trên cập nhật chuyên môn.

Bà Nguyễn Thị Thu Vân (ngụ Bến Lức, Long An): Chúng tôi thường lên thành phố khám bệnh vì thấy rằng các BS ở đây giỏi hơn. Có cách nào để những BS ở thành phố thay phiên nhau về Long An làm việc để chúng không phải đi lên nữa?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch:
Hiện tại Bộ y tế đã có đề án 1816 cử BS tuyến trên, các thầy giáo xuống các BV tuyến tỉnh tập huấn tại chỗ. 

Bà Vũ Hoàng Mai (ngụ quận 10): Muốn giảm tải thì phải mở thêm BV và tuyển thêm BS. Như vậy trình độ BS có được kiểm soát không thưa BS?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Trình độ BS luôn phải kiểm soát bằng cách thi sát hạch tay nghề theo chuẩn quốc gia. Nghĩa là các trường đào tạo ra, phải được sát hạch và cơ quan sát hạch phải độc lập.

Ông Trương Hải Thành (ngụ huyện Nhà Bè): Quá tải BV tuyến trên không chỉ vì đây là nơi người dân nhiều tỉnh đổ về, mà còn vì số lượng BV chưa đủ so với số dân ngay tại thành phố. Xin BS cho biết tỉ lệ BV trên số dân hiện nay là bao nhiêu và chúng ta cần xây thêm bao nhiêu BV nữa để đạt được tỉ lệ phù hợp?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Người ta tính tỷ lệ BS trên nhu cầu người dân, chỉ tiêu năm 2020 là 20 BS trên 10.000 dân, tùy từng nơi và mật độ dân số, tất cả đều đã có quy định của ngành.

Cô Chín – Quận 11: Trong khi BV lớn thì quá tải còn BV tuyến dưới, tiểu phẫu cũng bắt phải nhập viện. Nguyên nhân do đâu thưa ông?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Tuyến trên cũng không muốn giảm tải vì bài toán thu nhập. Khi người dân khám bệnh thông thường thì nên khám theo chuyên khoa để người dân xót vì giá tiền. Quan điểm của tôi là phải phát triển mô hình BSGĐ. Họ sẽ điều phối, định hướng cho người dân. Bảo hiểm y tế cần rà soát chi đúng, chi đủ, chi cho dịch vụ tư vấn bệnh cho người dân nữa.

Lê Thị Trúc Lam – 40/22 Nguyễn Thông, Q.3. TP.HCM: Mẹ tôi đi tái khám bệnh đái tháo đường khi tới BV thì phải đợi rất lâu vì lượng bệnh nhân lúc nào cũng đông nên đành phải đặt lịch khám tại viện. Mất một ngày đặt lịch, một ngày đi khám. Xin hỏi BS có biện pháp nào để giảm tải này không vì bệnh thì ít mà mệt mỏi vì nhiều vì chờ đợi? 

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Thực tế nhiều bệnh nhân đang gặp phải vấn đề này. Tức là thời gian tiêu tốn cho các thủ tục hành chính trước khi gặp BS mất rất nhiều. Trong khi mình có thể ứng dụng công nghệ thông tin đặt lịch hẹn, bốc số cho chính xác rồi sau đó thu xếp thời gian đến BV, không phải chờ đợi quá lâu. 

Trần Hoàng Minh – (246 Sư Vạn Hạnh, Q. 10 TP.HCM): Chúng ta phải làm thế nào để nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng, chất lượng khám chữa bệnh,  khắc phục nhanh tình trạng quá tải BV?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Theo tôi, ít nhất phải tăng cường đào tạo, tăng cường số lượng và chất lượng, vị trí công tác đó phải được trả lương phù hợp, kích thích người ta tới làm việc. 

Trần Thị Ngọc Ngôn – Tiền Giang : Người ta nói các BV quá tải và song song với đó triển khai các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, các BV tuyến trên đã có thêm một nguồn thu đáng kể cho nhân viên y tế. Như vậy có đúng không, thưa BS? Liệu có phải các BV vẫn muốn duy trì tình trạng quá tải hoặc công tác chống quá tải “yếu ớt” vì thu nhập cho BS? 

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Đây là một thực tế! bây giờ tự chủ tài chính, BV vận hành được bộ máy, một mặt nâng cao chất lượng, mặt khác duy trì thu nhập cho nhân viên của mình. Để giải quyết căn cơ tình trạng này, phải tính lại giá hợp lý dịch vụ cho hợp lý, đảm bảo nguồn thu các BV theo tuyến chuyên môn. 

Ngô Thị Quỳnh Loan 245/10 Cống Quỳnh Quận. TP.HCM: Theo tôi được biết các BV, cơ sở vật chất chật hẹp, xuống cấp, thiếu kinh phí mua sắm trang thiết bị, không đủ biên chế (do giường bệnh thực kê cao hơn giường kế hoạch)… là những vấn đề gây nên tình trạng quá tải làm giảm chất lượng khám chữa bệnh. Ý kiến của BS về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Đây là 1 thực trạng y tế hiện nay, đặc biệt trong hệ thống công. Một số BV chưa được duy tu, cải tạo chưa được tốt. Do đó, cần được đánh giá xếp loại BV công khai theo các tiêu chí.

Phạm Văn Thủ, Lê Văn Sỹ, Quận 3: Nếu thấy quá tải thì BV có quyền từ chối bệnh nhân hay không? Và BV có quyền từ chối trong những trường hợp nào? 

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Nguyên tắc là đặt an toàn người bệnh là trên hết, đặc biệt là cấp cứu. BV được quyền từ chối khi thấy đơn vị mình không đảm bảo an toàn cho người dân và sẽ hướng dẫn bệnh nhân tới BV khác uy tín.

Những người không nên ăn mướp

Quả mướp tốt cho những người bị thiếu máu, đái tháo đường, tim mạch. Tuy nhiên, một số người cần lưu ý khi sử dụng mướp trong thực đơn hằng ngày.

Người 32 tuổi có thận như cụ già sau khi dùng thực phẩm chức năng của Nhật

Một tháng sau khi dùng thực phẩm chức năng của Kobayashi, một nhân viên y tế tại Bệnh viện Kobe bắt đầu gặp phải các vấn đề sức khỏe không rõ nguyên nhân.

Vợ chồng bác sĩ kể lại giây phút cấp cứu hàng chục người gặp tai nạn giao thông

"Em là bác sĩ, em sẽ hướng dẫn mọi người sơ cứu đúng cách", bác sĩ Giáp không kịp cởi mũ bảo hiểm, vừa hô to, vừa xắn tay áo lao vào cấp cứu các nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Kon Tum.

Loại quả giúp chống lão hoá đang được bán khắp nơi ở Việt Nam

Dâu tây là trái cây được nhiều người yêu thích, tốt cho sức khỏe, hỗ trợ quá trình chống lão hóa. Dâu tây khó bảo quản, ở nhiệt độ thường chỉ 24 giờ sẽ bị thâm, héo cuống. Nếu mua phải loại quả để bên ngoài 4-5 ngày vẫn tươi ngon bạn nên thận trọng.

Bác sĩ bức xúc với 'đơn thuốc quốc dân chữa bách bệnh' được lan truyền khắp nơi

Khó chịu vì bị tiểu buốt, chị M. vào nhà thuốc kể bệnh và được bán cho đơn thuốc "thần kỳ" chỉ 2 ngày sau hết triệu chứng nhưng tác dụng phụ vô cùng nguy hiểm.

Xử phạt bác sĩ không ghi đơn thuốc rõ ràng: Có quy định sao khó áp dụng?

Theo Nghị định 117 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, một trong các hành vi liên quan đến kê đơn thuốc sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng là “không ghi đầy đủ, rõ ràng vào đơn thuốc".

Đề nghị xử lý bác sĩ viết đơn thuốc chữ như 'giun dế quái đản'

"Thời buổi hiện đại mà bác sĩ vẫn kê đơn thuốc viết tay với chữ như "giun dế" đến quái đản, không ai dịch được thì không thể chấp nhận nổi", độc giả Minh Phạm gửi ý kiến về diễn đàn của VietNamNet.

'Chữ bác sĩ trên đơn thuốc đến dược sĩ cũng phải đoán mò thì nguy hiểm quá'

Chữ viết, đặc biệt là của các bác sĩ khi kê đơn thuốc, cần phải đủ cẩn thận, rõ ràng, để đa số người dân, dược sĩ có thể đọc được mà không phải "dịch ngược dịch xuôi, đoán già đoán non".

Những đơn thuốc như 'vẽ giun ra giấy' không ai dịch nổi vì chữ bác sĩ quá xấu

Xung quanh câu chuyện bác sĩ viết chữ trong đơn thuốc nhưng không ai luận dịch nổi, kể cả dược sĩ, bạn đọc VietNamNet cho rằng chuyện này không hiếm, dù hiện nay đơn thuốc in máy đã phổ biến.

Hành trình đi nhờ người dịch chữ bác sĩ trên đơn thuốc

Để mua được 4 loại thuốc trong đơn bác sĩ viết tay, một gia đình ở Nghệ An đã phải đi qua nhiều quầy thuốc ngoài viện, nhờ 4 người dịch chữ bác sĩ và chỉ kết thúc khi đến mua ở nhà thuốc bệnh viện.

Đang cập nhật dữ liệu !