Kho vũ khí hạt nhân của Pakistan sắp vượt mặt Anh, Pháp, Trung Quốc
Một vụ phóng tên lửa của Pakistan |
Mở đầu, tờ báo Độc lập (Nga) dẫn kết luận của các nhà nghiên cứu thuộc hai Trung tâm phân tích Mỹ cho biết, trong vòng 10 năm tới, Pakistan có thể tiến lên chiếm vị trí thứ ba về tiềm năng hạt nhân trên thế giới sau hai cường quốc Mỹ và Nga. Hiện tại, Pakistan sản xuất khoảng 20 đầu đạn hạt nhân mỗi năm. Các chuyên gia lo ngại cứ theo đà này, sẽ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Theo báo cáo của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu Stimson, Pakistan đang tích cực gia tăng kho vũ khí hạt nhân (NW) do lo ngại trước đối thủ “truyền kiếp” của mình trong khu vực là Ấn Độ.
Cả hai quốc gia đều đang sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng không nằm trong danh sách các nước thuộc “câu lạc bộ hạt nhân” trên thế giới. Theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, chỉ có năm quốc gia nằm trong “câu lạc bộ hạt nhân” được sở hữu vũ khí hạt nhân “hợp pháp”, bao gồm: Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc.
Sơ đồ đạn hạt nhân chiến lược của thế giới |
Bất đồng giữa Ấn độ và Pakistan vào cuối thế kỷ XX đã dẫn đến việc cả hai nước cùng tích cực phát triển vũ khí hạt nhân. Theo các nhà nghiên cứu, Islamabad đang dẫn trước NewDelhi về tốc độ thiết kế và phát triển tiềm năng hạt nhân. Các nhà khoa học Mỹ ước tính, Pakistan có 120 đầu đạn hạt nhân, còn Ấn Độ có 100.
Nhật báo The Washington Post đưa tin, không loại trừ khả năng, trong những năm tới, kho vũ khí hạt nhân của Pakistan sẽ gia tăng đáng kể. Quốc gia này có trữ lượng đáng kể urani đã được làm giàu và điều này cho phép sản xuất và phóng các đầu đạn hạt nhân công suất nhỏ trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng sở hữu số lượng lớn plutoni, nhờ đó có thể sản xuất đầu đạn hạt nhân với công suất lớn hơn. Tuy nhiên, các nhà phân tích Mỹ cho rằng, phần lớn plutoni của người Ấn được dùng để sản xuất điện năng.
Các chuyên gia cho biết, trong vòng 5-10 năm, số lượng đầu đạn hạt nhân của Pakistan có thể tăng đến 350 hoặc vượt ngưỡng này. Trong trường hợp này, người hàng xóm phía Bắc của Ấn Độ sẽ trở thành cường quốc hạt nhân chỉ sau Mỹ và Nga.
Mặc dù không thể lật đổ vị trí dẫn đầu của Moscow và Washington, tuy nhiên việc có thể tạo một khoảng cách về hạt nhân đối với London, Paris và Bắc Kinh hoàn toàn nằm trong khả năng của Islamabad.
"Tốc độ gia tăng kho vũ khí hạt nhân của Pakistan và mức độ cơ sở hạ tầng cần thiết không tương xứng với những gì mà các quan chức của nước này và chuyên gia phân tích đã nói về sự cần thiết phải kiềm chế đến mức tối thiểu đáng tin cậy, sau các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân", - các tác giả của bản báo cáo kết luận.
Theo nghiên cứu của người Mỹ, hiện tại chưa có bình luận gì đối với các kết quả quân sự của Pakistan. Trong khi đó, một số chuyên gia Pakistan tỏ ý hoài nghi về kết luận của bản báo cáo. Họ khẳng định rằng, các nhà nghiên cứu đã xuất phát từ một giả thiết sai lầm cho rằng, Pakistan sử dụng tất cả nguồn dự trữ để sản xuất vũ khí hạt nhân.
Theo chuyên gia về năng lượng nguyên tử đến từ đại học Quaid-i-Azam (Islamabad) Mansoor Ahmed, trong vài năm tới, Pakistan có thể sẽ chế tạo không quá 40-50 đầu đạn hạt nhân mới. Tuy nhiên, ông cũng không phủ nhận mong muốn của Pakistan mở rộng hơn nữa trữ lượng hạt nhân.
"Những kết luận của bản báo cáo là phóng đại. Tuy nhiên, thế giới nên hiểu rằng, vũ khí hạt nhân là sự đảm bảo an toàn đáng tin cậy chống lại sự xâm lược từ bên ngoài", ông Ahmed nói.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo "Độc lập-Nezavismaya", chuyên gia quân sự tại Viện nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga - ông Vladimir Sotnikov đã nhấn mạnh rằng, thông tin trong bản báo cáo của các Trung tâm nghiên cứu Mỹ không đi ngược với thực tế. Dữ liệu này trùng khớp với đánh giá của Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Stockholm (SIPRI) và Viện nghiên cứu chiến lược London. Hiện nay, Pakistan đang có chương trình hạt nhân phát triển nhất.
Theo SIPRI, Pakistan có nhiều đầu đạn hạt nhân hơn Ấn Độ, mặc dù trên thực tế, Ấn Độ có ngành công nghiệp hạt nhân mở rộng hơn. Islamabad thông báo sẵn sàng tham gia tiến trình giảm trừ vũ khí hạt nhân, điều mà Nga và Mỹ vẫn nhắc tới, nhưng chỉ sau New Delhi, - chuyên gia Vladimir Sotnikov cho biết.
Cũng theo ông Vladimir Sotnikov, Ấn Độ biện minh cho việc không tham gia vào tiến trình này là do "yếu tố Trung Quốc", còn Pakistan thì do "yếu tố Ấn Độ". "Do thiếu các khả năng pháp lý để gây áp lực cho Pakistan, nên quốc gia này sẽ vượt lên chiếm vị trí thứ ba trong vòng 5-7 năm nữa", - ông Sotnikov nhấn mạnh.
Chuyên gia Vladimir Sotnikov cũng nhắc lại rằng, kể từ khi Pakistan và Ấn Độ thử nghiệm vũ khí hạt nhân, trong khu vực không ngừng chạy đua vũ trang. "Cuộc chạy đua vũ trạng sẽ chỉ mạnh mẽ hơn. Bởi Ấn Độ sẽ không khoanh tay ngồi yên. Với lợi thế gấp ba lần về các loại vũ khí thông thường, Ấn Độ dĩ nhiên sẽ cố gắng để không bị tụt hậu trong lĩnh vực này", - ông Vladimir Sotnikov giải thích.
Ngoài ra, không thể loại bỏ hoàn toàn tính chất nguy hiểm của vũ khí hạt nhân khi rơi vào tay quân nổi dậy Taliban tại Pakistan và nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). "Nhưng chúng ta cần hiểu rõ rằng, việc chiếm lấy các đầu đạn hạt nhân không có nghĩa là các phần tử khủng bố sẽ sử dụng được. Để sử dụng, cần có phương tiện vận chuyển. Nhưng có điều nguy hiểm là các chiến binh mong muốn có được "bom bẩn" và điều này thực sự đáng lo ngại", - ông Sotnikov kết luận.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ báo Độc lập Nga, một trong những tờ báo điện tử uy tín và có lượng truy cập lớn nhất tại Liên bang Nga.