Khi nông dân trồng rau củ tí hon
Mô hình “Thử nghiệm trồng rau củ baby” của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng thực hiện tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng hướng tới mục tiêu đánh giá khả năng thích nghi, hiệu quả kinh tế, điều kiện canh tác của một số loại rau củ baby cũng như giới thiệu quy trình kỹ thuật để người nông dân có thêm một lựa chọn.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng rau củ baby |
Gia đình anh Võ Tiến Hùng, thôn Tân An, xã Hiệp An vốn có nghề trồng rau thương phẩm với hệ thống nhà kính, dàn tưới đang hoạt động tốt. Vì vậy, khi được hướng dẫn tham gia thử nghiệm trồng bắp cải baby, củ cải baby và cà rốt baby, anh Hùng sẵn sàng nhận lời với mong muốn học thêm về một loại rau củ mới.
Anh trồng thử nghiệm ba loại rau trên với diện tích 1.200 m2. Anh Hùng cho hay, rau củ baby đòi hỏi kỹ thuật cao hơn trồng rau bình thường khá nhiều, phải rất kỹ càng từ lúc gieo hạt, bứng bầu, xuống cây… Cây trồng phải chăm sóc đúng kỹ thuật, không phun tưới thuốc bảo vệ thực vật linh tinh mà phải sử dụng các loại an toàn.
May mắn, do trồng trong nhà lưới, nhà kính nên sâu bệnh hại với rau củ baby của nhà anh cũng rất ít. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là đầu ra cho sản phẩm.
Anh Hùng chia sẻ: “Hiện rau củ baby vườn nhà tôi đã bắt đầu có thu, tôi vẫn vừa bán vừa tìm kiếm đầu ra rộng rãi hơn. Nói chung nhiều người tiêu dùng còn chưa rõ về loại rau củ này nên thị trường còn hẹp, chúng tôi cũng vừa làm vừa dò dẫm thị trường trong đó có thêm kênh bán online dành cho người có thu nhập khá và người tiêu dùng trẻ tuổi”.
Vườn anh cũng mở cửa đón khách du lịch tới tham quan trải nghiệm và đây cũng là một kênh tiêu thụ khá tốt, rất có hiệu quả với việc quảng bá sản phẩm rau củ baby. Anh Hùng đang tiếp tục trồng rau củ baby, tìm thêm những loại được thị trường yêu thích và xây dựng kênh quảng bá sản phẩm một cách lâu dài.
Theo anh, rau củ baby cũng là một hướng sản xuất tốt, phù hợp với những mảnh vườn có diện tích không quá lớn vì giá cả của rau củ baby khá cao, cho thu nhập tốt nếu có thị trường ổn định.
Anh Từ Hữu Chương ở thôn K Rèn, Hiệp An cũng tham gia trồng thử nghiệm 1 sào súp lơ baby. Súp lơ vốn là giống cây khá khó tính, súp lơ baby cũng gặp một số sâu bệnh hại như bình thường, tuy nhiên, do môi trường nhà kính nên dễ khống chế bệnh hơn. Đến khi thu hoạch, một kg súp lơ baby đạt 30 - 40 bông, anh hiện đang tỉa bán cho thương lái với giá ổn định. Mỗi đợt thu, trên diện tích một sào anh thu được 44 kg, cách ngày thu một đợt và sẽ thu liên tục trong 4 tháng. Do vậy, sản lượng dự kiến đạt 2,6 tấn/sào được đánh giá là khá cao so với rau củ baby. Vấn đề của anh Chương cũng tương tự, đó là tìm đầu ra cho sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Thùy, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, người trực tiếp thực hiện đề tài “Thử nghiệm trồng rau củ baby” đánh giá, cơ bản trồng rau củ baby là thích hợp trên địa bàn huyện Đức Trọng. Khi chuyển giao kỹ thuật, cán bộ đã hướng dẫn nông hộ thực hiện mô hình tăng cường sử dụng phân hữu cơ, áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và ưu tiên sử dụng thuốc sinh học đã góp phần bảo vệ môi trường trong sản xuất, đồng thời tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, qua mô hình thực tế, cán bộ kỹ thuật cũng nhận thấy một số vấn đề cần khắc phục như cần điều chỉnh độ lớn/nhỏ của sản phẩm để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, tìm hướng tiêu thụ trước khi mở rộng diện tích trồng rau củ baby. Trung tâm cũng động viên các nông hộ tiếp tục trồng rau củ baby vào vụ sau để tiếp tục đánh giá khả năng thích nghi, hiệu quả kinh tế và hoàn thiện quy trình trồng loại cây còn khá mới mẻ này.
Nguồn: Diệp Quỳnh/baolamdong.vn