Khi người trẻ không chịu trưởng thành...
Ngoài 30, Trung sở hữu vợ đẹp, con ngoan, nhà lầu, xe hơi, công ty riêng… Nhìn những hình ảnh phản ánh cuộc sống riêng của gia đình nhỏ và các hoạt động khởi sắc của công ty được anh thường xuyên cập nhật trên facebook, bạn bè trang lứa ai cũng phát thèm.
Nhưng sự thật chỉ có những người trong gia đình anh mới biết về cuộc sống thực của anh. Họ vô cùng ngán ngẩm.
Thật ra, công ty cùng toàn bộ vốn liếng và căn nhà lầu anh đang ở đều của ba mẹ vợ anh bỏ tiền ra. Chiếc xe bán tải là Trung mượn của ba mẹ ruột để có cái mà đi lại giao dịch cho ra vẻ doanh nhân.
Còn chi phí sinh hoạt của gia đình Trung cùng học phí của đứa con 3 tuổi đều do ông bà nội và ông bà ngoại thay phiên chu cấp hằng tháng, chứ công ty từ lúc hoạt động đến giờ chỉ toàn lỗ chứ chưa thấy đồng lời nào.
Hãy cho tôi biết bạn thích gì, muốn gì, bạn chịu trách nhiệm như thế nào với bản thân, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn đã trưởng thành chưa. Ảnh minh họa |
Huyền thì khác, cô không thể dừng chân ở một công ty nào hơn 6 tháng. Cô làm nhân viên kinh doanh cho một tập đoàn thực phẩm quốc tế được vài tháng nhưng không chịu nổi áp lực doanh số nên chuyển sang làm tư vấn du học. Sau đó, cô lần lượt làm việc cho các công ty về xây dựng, xuất bản sách, may mặc, chế biến thủy sản, bảo hiểm…
Cô quyết định học lên thạc sĩ trong thời gian chờ cơ hội thuận tiện để tự mở công ty riêng vì quá chán cảnh đi làm thuê cho người khác. Chỉ tội cho bố mẹ cô dù đã ngoài 60 tuổi vẫn hằng ngày ky cóp kiếm tiền từ nồi bún bò trước ngõ để chu cấp cho cô con gái nuôi chí lớn.
Một trường hợp điển hình khác, Nam một thanh niên trai tráng, dù đã tốt nghiệp ra trường gần chục năm vẫn cứ lông bông. Làm chỗ nào cũng chỉ dăm bữa nửa tháng là nghỉ. Chỗ thì kêu không phù hợp chuyên môn, nơi thì chê lương thấp, thiếu tính chuyên nghiệp…
Bây giờ suốt ngày Nam toàn nằm nhà xem tivi, chơi game, chat chit… chờ tới bữa ba mẹ hầu cơm. Tiền nạp điện thoại, đổ xăng, liên hoan bạn bè đều ngửa tay xin hai ông bà già hưu trí.
Việc nuông chiều con thái quá, làm thay con mọi việc từ nhỏ tới lớn dẫn tới sự triệt tiêu khả năng tự lập, ý thức vươn lên của con. Những người con này khi gặp một chút khó khăn là rút lui, không cố gắng vượt qua.
Cũng không loại trừ trường hợp từ nhỏ do bị sự áp đặt của bố mẹ, phải luôn làm theo ý người lớn nên khi thành niên, trẻ mất phương hướng, không biết mình thích gì, muốn gì, sinh ra chán nản, buông xuôi.
Do đó, từng bước bố mẹ cần “lơi tay” con ra, đến một lúc nào đó thì buông hẳn để con “tự bơi”. Việc này không những giúp trẻ biết làm chủ cuộc đời mình mà còn bồi đắp lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm với bản thân và gia đình.
Cần tạo cho trẻ biết làm việc, giúp đỡ người khác ngay từ lúc còn nhỏ. Ảnh minh họa |
Cụ thể theo từng giai đoạn, chẳng hạn như trẻ 2-3 tuổi có thể học dần cách tự vệ sinh cá nhân. Lứa tuổi tiểu học cần biết tự phục vụ bản thân. Lứa tuổi cấp 2, cấp 3 phụ giúp bố mẹ mọi việc nhà. Lên đại học có thể đi làm thêm kiếm tiền để hiểu thấu đáo hơn về giá trị của sức lao động…
Trong khi ở nhiều nước phương Tây, con cái 18 tuổi là đã ra ở riêng, hoàn toàn tự lo cho cuộc sống cá nhân. Còn tại Việt Nam, nhiều người dù đã lập gia đình vẫn dựa dẫm hoàn toàn vào vào bố mẹ.
Vẫn biết rằng, bố mẹ luôn mong muốn mang lại cho con cái mình những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên thương con không đúng cách là gián tiếp làm hại chúng. Không ít thất bại của con trẻ bắt đầu từ chính những sai lầm trong việc dạy dỗ con cái của bố mẹ.