Khi người Hà Nội chơi mô hình quân sự
Những người chơi mô hình quân sự ở Hà Nội thuộc diễn đàn Mohinh.net vừa có cuộc họp mặt cuối năm và trưng bày các tác phẩm mới thực hiện.
Hàng chục mô hình quân sự đã được các thành viên diễn đàn Mohinh.net trưng bày tại cuộc họp mặt. Người xem có thể bắt gặp tại đây khẩu pháo tự hành M107 với tên gọi Vua Chiến trường được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Hay chiếc máy bay Mig 21 mang số hiệu 5121 của Anh hùng Lực lượng Vũ trang Phạm Tuân.
Việc lắp ráp, gắn từng chi tiết nhỏ li ti thành mô hình mới chỉ là bước đầu của tất cả người chơi
Đáng chú ý nhất trong lần trưng bày này là những mô hình máy bay Su- 27, Su- 30 MK2 hiện đại của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Anh Hải – một thành viên Mohinh.net ở Đà Nẵng đã phải đóng những mô hình máy bay có tỷ lệ 1/32 này trong một thùng các tông chứa đầy xốp, rồi vận chuyển qua đường hàng không, mang ra Hà Nội trưng bày dịp cuối năm.
Tuy nhiên, sự kỳ công này xem ra cũng là rất nhỏ so với việc anh Hải bỏ hàng tháng trời ngồi ráp từng chi tiết thành hình chiếc máy bay và sơn phủ mô hình. Người thích thú xem, ngắm vuốt mô hình thì nhiều, nhưng người thực sự mê và theo đuổi để nâng tầm nó thành một thứ nghệ thuật cũng không được bao nhiêu.
Để mang được mô hình máy bay có tỷ lệ 1/32 này từ Đà Nẵng ra Hà Nội, anh Hải phải dùng một thùng các tông chứa đầy xốp
Hiện tại cả nước có vài trăm người chơi mô hình quân sự. Họ thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, đến với thú chơi này bằng niềm đam mê nghệ thuật, ước muốn tái hiện hình ảnh lịch sử qua các mô hình và sa bàn thu nhỏ.
Việc lắp ráp, gắn từng chi tiết nhỏ li ti thành mô hình mới chỉ là bước đầu của tất cả người chơi. Sự khác biệt và đẳng cấp nghệ thuật thực sự phân hóa từ bước làm cũ mô hình để tái hiện nó giống nhất với ngoài đời thực.
Lấy ví dụ một chiếc xe tăng chiến đấu ở môi trường sa mạc Bắc Phi hay môi trường khí hậu ở Châu Âu có sự khác biệt về màu sơn, mảng màu gỉ sét, nước mưa, bùn đất… Công việc của người chơi là phải diễn tả chân thực chiếc xe tăng đó đúng với đời thực, diễn tả chân thực hiệu ứng thời tiết tác động lên xe... Đỉnh cao của nghệ thuật chơi mô hình là sa bàn. Từ một dữ kiện lịch sử, người làm mô hình phải tái hiện sinh động, chính xác và chi tiết một trận đánh, bối cảnh lịch sử bằng mô hình và cách bài trí cảnh vật.
Trong giới mô hình quân sự có thể phân ra nhiều trường phái hay kiểu chơi. Có người thích mô hình xe pháo, tàu bè, lính thời Thế chiến thứ hai. Nhưng cũng có người thích chơi mô hình khí tài quân sự thời kỳ chiến tranh Việt Nam hay hiện đại.
Người chơi mô hình không chỉ am hiểu về màu sắc, tỷ lệ, cấu tạo vật liệu, mà còn phải rất am hiểu lịch sử. Nói cách khác, tìm hiểu lịch sử, đối chiếu – so sánh lịch sử là sở thích, công việc của tất cả người chơi mô hình.
Mô hình quân sự được du nhập vào Việt Nam từ khá lâu. Tuy nhiên, chỉ đến gần đây, phong trào này mới thực sự nở rộ ở một số thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… nhờ sự xuất hiện của nhiều diễn đàn online dành cho người chơi. Tại đây, người tham gia có thể học hỏi được kỹ thuật, kinh nghiệm lắp ráp, sơn phủ, làm cũ mô hình, cũng như dựng lại sa bàn một trận đánh, bối cảnh trong lịch sử.
Dưới đây là một số mô hình được trưng bày trong cuộc gặp mặt cuối năm của các thành viên Mohinh.net.
Hàng chục mô hình được đem đến trưng bày trong cuộc gặp mặt cuối năm của diễn đàn Mohinh.net
Đỉnh cao của chơi mô hình quân sự chính là sa bàn. Trong ảnh, sa bàn xe tăng KV-1 của Hồng Quân Xô Viết bên rặng cây bạch dương.
Các chi tiết từ thùng phuy đến cây cỏ được tái hiện với màu sắc như thật
Pháo tự hành M107 còn được mệnh danh Vua chiến trường sử dụng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Mô hình xe thiết giáp Sdkfz 222 của quân đội Đức trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai.
Mô hình xe thiết giáp BTR60- BP
Xe đầu kéo Maz 537
Tăng T90 tỷ lệ 1/35
Mô hình máy bay Sukhoi 27, tỉ lệ 1/72
Khoang lái của máy bay được lắp ghép, sơn phủ tỉ mỉ tới từng chi tiết
Mô hình tái hiện chiếc máy bay lịch sử Mig 21 mang số hiệu 5121 của Anh hùng Lực lượng Vũ trang Phạm Tuân.
Để lắp ghép, sơn phủ và làm cũ một chiếc tàu chiến với cả nghìn chi tiết, người chơi phải mất hàng tháng trời. Trong ảnh, tàu tuần dương hạm Varyag, tỷ lệ 1/350.
Nhiều chi tiết trên mô hình tàu chiến cực kỳ nhỏ.
Tàu khu trục Sovremenny tỷ lệ 1/200
Máy bay trực thăng siêu nhỏ trên mô hình tàu khu trục hạng nhẹ USS Nicholas- Acedemy.
Trực thăng siêu nhỏ
Mô hình Mi-8MT tỷ lệ 1/35 của thành viên Vnbadboy
Phần lớn dân chơi mô hình quân sự đều ở độ tuổi trung niên, nhưng cũng có không ít người chơi hiện là sinh viên đại học, học sinh trung học phổ thông. Họ đến với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, niềm đam mê và say sưa nhìn ngắm các tác phẩm mô hình nghệ thuật.
Theo Tất Định (Khampha.vn)