Khi người Đức bắt đầu “sốt sắng” vì Trung Đông
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã bắt đầu chuyến công du 4 ngày đến Trung Đông. |
Đức bắt đầu “sốt sắng” vì Trung Đông
Theo các thông tin được công bố trên tờ Deutsche Welle của Đức, ông Frank-Walter Steinmeier sẽ đến Iran vào chiều ngày 16/10, sau đó sẽ đến Arab Saudi và Jordani. Chủ đề chính trong các cuộc thảo luận của Ngoại trưởng Đức với lãnh đạo các nước đến thăm là tình hình Syria.
Đối với Iran, ngoại trưởng Đức sẽ trở thành ngoại trưởng đầu tiên của Đức đến thăm nước cộng hòa hồi giáo này từ năm 2003. Theo kế hoạch, ông Frank-Walter Steinmeier sẽ gặp gỡ cả Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif.
Phát biểu với Deutsche Welle, Ngoại trưởng Đức đã đặt ra cho mình mục tiêu là: “Tôi phải đặt được cầu nối giữa Iran với Arab Saudi. Điều này sẽ giúp cho tất cả các đối tác trong khu vực ngồi vào bàn đàm phán”.
Bên cạnh đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Martin Schaefer đã cho biết quan điểm của Đức đối với vấn đề này: “Một thỏa thuận chính trị giữa Iran với Arab Saudi sẽ đặt dấu chấm hết cho bạo lực ở Syria và đem đến sự ổn định trong khu vực này”.
Theo tính toán của người Đức, ở thời điểm hiện nay, Iran và Arab Saudi sẽ phải thực hiện các bước đi hòa hoãn vì chiến sự ở Syria ngày càng trở nên ác liệt hơn. Hiện nay, lực lượng al-Qaeda vẫn giữ được sức mạnh như vốn có vì đã nhận được sự trợ giúp kỹ thuật-quân sự từ liên minh “Arab” thân với Arab Saudi.
Nhằm thực hiện “sứ mệnh hòa giải” ở Trung Đông, Đức dự định sẽ “tấn công” trên nhiều mặt trận. Đến ngày 18/10, Ngoại trưởng Đức sẽ đến Arab Saudi, cùng thời điểm này là chuyến công du của Thủ tướng Đức đến Thổ Nhĩ Kỳ. Bà Merkel dự định sẽ tiến hành các cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan và Thủ tướng Ahmet Davutoğlu. Khác với chủ đề Iran-Arab Saudi của Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier, bà Merkel sẽ trao đổi các vấn đề về người Kurd vì “rất nhiều người Kurd gần đây đã nhận được quy chế tị nạn chính trị ở Đức và các nước châu Âu khác”.
Yếu tố nào khiến Đức phải “sốt sắng”?
Một sự trùng lặp đáng ngạc nhiên là những nỗ lực tích cực về ngoại giao của Đức lại diễn ra vào thời điểm Ngoại trưởng Nga S.Lavrov lên tiếng tuyên bố rằng Nga sẽ trợ giúp kỹ thuật-quân sự cho Syria, Iraq và người Kurd ở hai nước này. Hơn nữa, tuyên bố này nhận được sự ủng hộ của Mỹ và Iraq.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan |
Vấn đề đáng bàn ở đây là việc Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã triệu tập Đại sứ Nga và Mỹ lên để phản đối hành động ủng hộ của hai nước này đối với lực lượng người Kurd “Liên minh dân chủ” ở Syria- lực lượng đang chiến đấu chống lại IS ở phía Bắc Syria. Người Mỹ lại thể hiện sự quyết tâm trong ủng hộ lực lượng này khi ngày 11/10, không quân Mỹ đã thả 50 tấn bom đạn xuống miền Bắc Syria.
Người Đức hiện đang cố gắng cân bằng các lợi ích ở khu vực này. Trong buổi trả lời phỏng vấn Reuters, một quan chức cấp cao giấu tên của Đức cho biết, Berlin có thể liệt Thổ Nhĩ Kỳ vào danh sách “các nước an toàn”, qua đó tự động làm giảm cơ hội tị nạn chính trị cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Âu.
Theo giới phân tích Đức, không loại trừ khả năng đây chính là yêu cầu được phía Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra đề nghị Đức để hạn chế dòng người Kurd nhập cư qua Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu. Nguyên nhân là do việc dòng người Kurd nhập cư vào châu Âu sẽ gây tác động tiêu cực đến cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống ở lục địa già.
Vấn đề đặt ra ở đây là liệu bà Merkel có sẵn sàng “dứt bỏ” sợi dây kết nối với một “đất nước Kurdistan” (tức khu vực lãnh thổ người Kurd sinh sống và tộc người này đang mong muốn hình thành một nhà nước riêng) đang được hình thành từ đống đổ nát ở Syria và Iraq hay không? Trước đó, bà Merkel đã tuyên bố thẳng: “Đức luôn luôn phản đối kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU và Tổng thống Erdoğan hiểu rất rõ điều này”.
Mấu chốt của vấn đề là: Người Kurd đang trở thành lực lượng quân sự có ảnh hưởng ngày càng lớn và Thổ Nhĩ Kỳ không đủ khả năng kiềm chế, “đất nước Kurdistan” ở Syria và Iraq không chỉ là một cấu trúc sắc tộc mà còn là cấu trúc chính trị đang có mối liên hệ chặt chẽ với cả Nga và Mỹ. Chính vì vậy, người Đức không muốn bị bỏ lại mà muốn “nhảy lên toa tàu cuối cùng mang tên Kurdistan”. Do đó, bà Merkel mới buộc phải thực hiện chính sách bị người Đức chỉ trích là “dễ dãi” đối với dòng người di cư đến Đức.
Theo các chuyên gia phân tích của tạp chí Regnum.ru của Nga, trong bối cảnh chính trị quốc tế hiện tại thì “mọi ngả đường đều dẫn đến Syria”. Mâu thuẫn chính trong ván cờ địa chính trị này là mâu thuẫn giữa Iran-Arab Saudi. Việc giải quyết được mâu thuẫn này sẽ giúp Đức có tiếng nói và vị thế ở Trung Đông để không bị “Mỹ và Nga bỏ lại”.
Ngày 14/10, Fox News đã đăng tải một phóng sự về kế hoạch của các quốc gia vùng Vịnh Persic trong việc mua hệ thống phòng không “David’s Sling” và hệ thống phòng thủ chống tên lửa “Hetz-1” và “Hetz-2” của Israel. Arab Saudi, Bahrain, OAE (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất), Kuwait, Qatar và Oman đều sẵn sàng chi hàng tỷ USD để có thể chống lại “kho tên lửa ngày càng gia tăng của Iran”. Môi giới thực hiện các hợp đồng này là tập đoàn Rafael của Israel và tập đoàn Raytheon của Mỹ (đối tác chế tạo “Mái vòm sắt”- Iron Dome cho Israel).
Sở dĩ các nước trên muốn sở hữu vũ khí của Israel là do bị ấn tượng bởi hiệu quả của vũ khí Israel trong xung đột ở dải Gaza năm 2014. Hơn nữa, các nước này luôn có tâm lý đề phòng Iran. Theo Ngoại trưởng Bahrain Khalid bin Mohammed Al Khalifa, Iran có tiềm lực rất lớn trong lĩnh vực vũ khí độ chính xác cao và tiềm năng này sẽ ngày càng được củng cố sau khi nước này được dỡ bỏ các lệnh cấm vận.
“Iran đầu tư rất nhiều tiền vào chương trình này và đã vạch ra được phương pháp, chiến thuật để chiến thắng mọi hệ thống phòng thủ của chúng tôi. Chiến lược của họ là tăng cường tiềm lực kho tên lửa để phá hủy mọi hệ thống phòng không chúng tôi dựng lên ở vùng Vịnh Persic”- Ngoại trưởng Bahrain khẳng định.
Theo phân tích của Regnum.ru, bối cảnh Trung Đông đang diễn tiến cực nhanh theo chiều hướng kiềm chế và mâu thuẫn lẫn nhau. Người Mỹ vẫn đang sử dụng chiến thuật “Cây gậy và củ cà rốt” ở khu vực này. Một mặt, Mỹ vận động hành lang để ký kết hợp đồng hạt nhân với Iran, mặt khác lại giúp Arab Saudi và các đồng minh của mình vũ trang để sẵn sàng chiến tranh tổng lực với Iran. Mỹ đang bắt đầu thực hiện chi tiết kế hoạch của mình và người Đức hẳn nhiên không muốn “đứng ngoài cuộc” tại khu vực đang nóng bỏng và có vai trò địa chính trị quan trọng này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Expert (chuyên gia), tờ báo chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thế giới, đặc biệt các tin tức liên quan tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Tờ báo được thành lập năm 1995. Và tờ Regnum.