Khi chị em “đua nhau” chơi chứng khoán: Trả giá đắt vì nghe lời "phím hàng", muốn tăng huyết áp vì chuyện đỏ xanh
Hội chị em chơi chứng khoán cũng ra công chuyện đấy.
Nếu chỉ nghĩ phụ nữ là “chân yếu tay mềm”, “tề gia nội trợ” thì lầm to nhé. Không như các anh nghĩ, trên thương trường hội chị em cũng biết cập nhật thông tin và học hỏi để lấn sân đầu tư lắm. Ngoài mua nhà mua cửa, đầu tư vàng, giờ lại đến cả chứng khoán. Nhưng liệu hội chị em có chơi chứng ra công chuyện gì không thì… phải hỏi mới biết? Cùng tìm hiểu xem!
Sập bẫy vì tin “phím hàng”, đi làm muốn tăng xông khi check giá
Nga (22 tuổi, sinh viên năm cuối) bộc bạch về chuyện tập tành đầu tư khi chưa hiểu rõ về chứng khoán : “Mình chỉ mới tập tành chơi chứng 5-6 tháng nay thôi, nhưng cũng trải qua đủ thứ chuyện, vì mình không tìm hiểu kĩ và không biết phân tích kỹ thuật nên toàn nhờ “room phím hàng” trên Facebook, họ nói mã gì là mình ôm mã đó, nhờ “ phím hàng ” mà mình… lỗ một nửa tài khoản.” Nga cười trừ nói thêm: “Nhờ đó mình mới biết mình có khả năng đu đỉnh đạt đến mức thượng thừa.”
Không chỉ có Nga gặp chuyện dở khóc dở cười khi mới đầu tư, Phương (30 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng trải qua tình cảnh trở thành F0 nhờ học đầu tư từ chồng: “Mình thì thấy chồng chơi chứng cũng học đòi theo, dù đã được chồng dặn phải kiên nhẫn khi đầu tư, nhưng mình không thể nào bình tĩnh nổi, mỗi lần thấy danh mục đỏ là tâm trạng mình trở nên cáu gắt, thậm chí giận cá chém thớt… chửi luôn cả chồng lẫn con dù chẳng ai làm gì cả.”
Có thể thấy, Nga và Phương chỉ là số ít đại diện cho phụ nữ khi đầu tư chứng khoán. Họ cũng trải qua rất nhiều bài học vỡ lòng, từ chuyện trở thành F0 đến lướt sóng đu đỉnh. Nhưng dù gì đi chăng nữa, chứng khoán cũng đã cho họ nhiều bài học đắt giá, đặc biệt là cách học hỏi để đầu tư, phân tích và quản lý cảm xúc trước khi xuống tiền vào bất kì một hình thức đầu tư nào.
Sở hữu cả từ điển tiếng lóng, học cách đầu tư từ những điều nhỏ nhất
Không như hội F0, hội chị em sành sỏi chơi chứng cũng có tầm lắm đấy, đặc biệt là Dung (23 tuổi, nhân viên), với kinh nghiệm 2 năm chơi chứng khoán cùng tài khoản xanh tăng hơn 60%, chia sẻ: “Hồi mới dấn thân mình còn không hiểu mấy từ lóng khi nghe mọi người nói chuyện, nào là ‘bìm bịp, chim lợn, bò, gấu’, mãi sau này mới hiểu.”
Dung cũng cho rằng, khi mới đầu tư, điểm yếu chung của hội chị em là tâm lý yếu, dễ bị cảm xúc chi phối, dẫn đến những quyết định sai lầm khi quyết định giữ hay bán. “Tụi mình thiếu kiên nhẫn, luôn muốn tiền sinh lời nhanh mà không dành thời gian học hỏi” - Dung bổ sung thêm. Vì vậy, Dung cho rằng, muốn việc đầu tư thành công, cần có thời gian học hỏi và hiểu thị trường, đôi khi chỉ là điều nhỏ nhất từ việc nghe ngóng và cập nhật tin tức thường xuyên, xây dựng chiến lược đầu tư phù hợp với khả năng chịu rủi ro của bản thân.
Đồng ý với quan điểm của Dung, My (26 tuổi, nhân viên văn phòng) còn bổ sung thêm ngoài trang bị thêm kiến thức, cần phải “nằm vùng” các hội đầu tư chứng khoán sành sỏi để bổ sung kiến thức mới, đồng thời cân nhắc lựa chọn loại cổ phiếu phù hợp với túi tiền của bản thân, học thêm các kiến thức phân tích cơ bản và kĩ thuật cũng là một cách khôn ngoan. “Nếu bạn có nguồn vốn ít nhưng lại đâm đầu mua bluechip thì rõ ràng bạn sẽ khó quản lý dòng tiền của mình hơn.” - My chia sẻ.
Đầu tư chứng khoán là một hình thức sinh lợi dòng tiền kèm theo các rủi ro. Tuy nhiên nếu chị em biết cách đo lường rủi ro và học hỏi, đồng thời bổ sung thêm kiến thức và tìm hiểu thông tin thị trường thì việc thu hái “quả ngọt” sẽ không còn xa.
Đầu tư chứng khoán liệu có dành cho hội chị em?
Câu trả lời là có, đầu tư chứng khoán dành cho mọi người, đặc biệt là những người đam mê đầu tư và coi chứng khoán là một hình thức đầu tư sinh lời. Tuy nhiên, trước khi quyết định đầu tư, các chị em cần có một số phân tích nho nhỏ trước khi rót tiền vào chứng khoán, bằng cách trả lời một vài câu hỏi dưới đây:
- Bạn bỏ bao nhiêu tiền để đầu tư chứng khoán? Bạn dự định nó sẽ sinh lời bao nhiêu?
- Bạn muốn lựa chọn cổ phiếu thuộc “phân khúc” nào? (bluechip, midcap hay penny)
- Bạn bỏ bao nhiêu thời gian để đầu tư chứng khoán?
- Mức độ chịu rủi ro của bạn là bao nhiêu? (an toàn, trung bình hay liều ăn nhiều)
- Liệu còn hình thức đầu tư nào khác mà bạn đang “nhăm nhe” không? (vàng, chứng chỉ quỹ, bất động sản,...)
Chỉ cần trả lời những câu hỏi đơn giản như vậy, bạn sẽ đưa ra được quyết định chứng khoán có phải là loại hình đầu tư phù hợp với bạn không, từ đó đưa ra lựa chọn loại cổ phiếu phù hợp với mức độ chịu rủi ro và số tiền mình đang có.
Vẫn biết phái nữ ngoài được gắn mác “nữ công gia chánh” thì chuyện “thương trường” cũng đâu kém gì các anh, đặc biệt trong chuyện đầu tư. Tuy trải qua nhiều sóng gió do thiếu kinh nghiệm và kiến thức, nhưng hội chị em nếu quyết tâm và chịu học hỏi thì đầu tư chứng khoán cũng chỉ là chuyện nhỏ mà thôi.
Bỏ việc ngân hàng để đánh chứng khoán, 9X Hà Nội từ lãi bạc tỷ rồi rớt vực, trắng tay chỉ vài ngày
Với Việt Anh, giờ đây điều anh mong mỏi nhất lại là được đi làm hằng ngày, được đối mặt với áp lực KPI của một nhân viên ngân hàng mà mới chỉ cách đây khoảng nửa năm thôi anh còn cảm thấy chán ngấy.
Theo Pháp luật và Bạn đọc