Khẩn cấp di dời dân quanh khu sạt lở ở An Giang
Khẩn cấp di dời dân quanh khu sạt lở ở An Giang
Qua kết quả khảo sát, xác định đoạn sông 400m tại khu vực sạt lở đang trong quá trình sạt lở bờ ở mức nguy hiểm báo động, ngày 28/5, ông Trần Đặng Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh An Giang đã có công văn đề nghị UBND TP.Long Xuyên tiến hành mở rộng phạm vi cảnh báo đặc biệt khẩn cấp lên 400m tại khu sạt lở trên, thay vì 200m. Đồng thời, có kế hoạch di dời tiếp các hộ trên toàn tuyến cảnh báo.
Khu vực sạt lở diễn ra ngày càng phức tạp
Đây là đoạn sông có nhiều nhà dân, kho bãi, do đó có nhiều yếu tố tải trọng lên đường bờ, kết hợp với nền đất mất ổn định nên diễn biến sạt lở trong thời gian tới sẽ hết sức phức tạp, diễn ra trên diện rộng và lấn sâu vào bờ.
Vụ sạt lở diễn ra vào lúc khoảng 5h40 ngày 26/5, với tổng chiều dài khoảng 60m, sâu vào bờ từ 15 - 25m, làm thiệt hại và đe dọa 14 công trình, nhà ở và văn phòng khóm Bình Thới 1, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, An Giang.
Do đã được chính quyền địa phương chủ động tổ chức di dời đến ở tạm tại trường Tiểu học Phan Chu Trinh gần đó từ hai ngày trước, nên không xảy ra thiệt hại về người.
Đáng lưu ý là địa điểm này đã từng xảy ra trận sạt lở vào ngày 25/5/2011 với chiều dài 70m, sâu vào 10 làm thiệt hại toàn bộ thiết bị sản xuất nước đá của DNTN Thái Bình.
Ông Trần Anh Thư, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường An Giang cho biết, điểm sạt lở nằm trong danh mục cảnh báo sạt lở với tổng chiều dài 4.300m bờ sông Hậu đi qua TP.Long Xuyên. Đây là hệ quả tất yếu của quá trình con sông tự mở lòng theo quy luật tự nhiên. Song, do tác động của thiên nhiên, lưu tốc dòng chảy đã thay đổi mạnh, thay vì nhánh Chợ Mới 40%, thì nay chỉ còn 10%, trong khi Long Xuyên từ 60% tăng lên 90%.
Nhiều tài sản, nhà cửa bị trôi theo dòng nước
Mặc khác, những tác động quá tải của con người đến bờ sông và lòng sông đã trực tiếp mở cửa “rước thiên tai” vào và thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn vốn có của nó. Cụ thể như dãy bè cá dài hàng cây số trên nhánh sông Long Xuyên, đoạn đối diện với Quốc lộ 91, đã làm quá trình bồi lắng lòng sông diễn ra rất nhanh. Đó là chưa kể việc xây dựng ồ ạt các công trình kiên cố bên bờ sông.
Tuy quy mô và phạm vi nhỏ hơn so với trận sạt lở bờ sông Hậu ngay trên địa bàn TP.Long Xuyên ngày 4/3/2012, nhưng tính chất của trận sạt lở lần này được xem là cực kỳ nguy hiểm.
Bảo trân