Khám phá hương vị xuân trong tem Tết Bính Thân
Không chỉ thể hiện rõ nét sự sum vầy, sum họp của các gia đình trong ngày xuân, bộ tem Tết Bính Thân còn thể hiện rõ nét không khí tươi vui, đoàn kết, thống nhất Bắc - Nam một nhà, hướng tới sự phồn vinh của đất nước. Những câu chuyện phía sau bộ tem Tết Bính Thân 2016 cũng như những bộ tem Tết cổ truyền của Việt Nam vừa được họa sĩ Nguyễn Du (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam – VietnamPost) chia sẻ với chúng tôi trong một cuộc chuyện trò thân tình, cởi mở.
Cũng giống như 3 bộ tem Tết đã từng thiết kế trước đây (Nhâm Ngọ - 2002, Kỷ Sửu – 2008, Tân Mão 2010), bộ tem Tết Bính Thân – 2016 được họa sĩ Nguyễn Du dày công nghiên cứu, khám phá trong khoảng 2 năm để tìm ra những nét độc đáo, đảm bảo “không đụng hàng” với hàng loạt mẫu tem trước đó, mà vẫn đậm chất xuân, đậm nét Tết cổ truyền của dân tộc. “Tất cả những mẫu tem Tết tôi thiết kế đều có khuôn khổ hình vuông vì theo tôi, trong các khuôn khổ tem đang có ở Việt Nam hiện nay, hình vuông có tính đầy đặn nhất. Trên mẫu tem Tết Bính Thân, tôi đã sử dụng nhiều hình vuông và hình tròn đảo âm dương, với hàm ý thể hiện biểu tượng trời tròn đất vuông hay bánh chưng bánh dày, vốn được xem như biểu tượng của sự đầy đặn, hoàn hảo, không thừa, không thiếu. Cùng với đó, mẫu tem được thiết kế với 2 màu sắc chính gắn với 2 loại hoa tượng trưng cho 2 miền Bắc – Nam là màu hồng của hoa đào và màu vàng hoa mai”, họa sĩ Nguyễn Du nói.
Chính thức phát hành từ ngày 1/10/2015, bộ tem Tết Bính Thân được thiết kế với hình tượng con khỉ mang tính trang trí khái quát, với gam màu sặc sỡ của mùa xuân và lễ hội. Bộ tem này gồm hai mẫu. Trong đó, mẫu 1 (giá mặt 3.000 đồng) thể hiện hình tượng khỉ bố với hình dáng khỏe khoắn, dũng mãnh trong mùa xuân mới với những sắc màu rực rỡ của hoa đào, hứa hẹn năm mới đầy sức khỏe và thành công. Mẫu 2 (giá mặt 10.500 đồng) thể hiện hình tượng hai mẹ con nhà khỉ trong mùa xuân mới với những sắc màu rực rỡ của hoa mai trong không khí lễ hội, như một lời mừng năm mới no đủ, gia đình yên vui hạnh phúc.
Nhấn mạnh ý nghĩa sâu xa của bộ tem này, họa sĩ Nguyễn Du cho biết: “Đặc trưng của người Việt Nam là dù đi đâu thì ngày Tết cũng cố gắng để về nhà. Tem Tết là tem của ngày Xuân, cần phải thể hiện rõ sự sum vầy, sum họp, tính đoàn viên, đoàn tụ của các gia đình Việt. Bởi vậy, hai mẫu tem của bộ tem Tết Bính Thân được thiết kế với ý tưởng khi gộp lại thì thể hiện được hình ảnh của một gia đình, và hai mẫu tem có hướng chụm vào nhau chứ không ngoảnh ra ngoài. Mặt khác, nếu coi hai mẫu tem thể hiện hình ảnh của hai miền đất nước thì bộ tem này tượng trưng cho sự đoàn kết, thống nhất, Bắc - Nam một nhà, hướng tới sự phồn vinh của đất nước”.
Chia sẻ thêm về hình tượng con khỉ, con giáp thứ 9 trong chu kỳ 12 con giáp, họa sĩ Nguyễn Du nói: “Theo quan niệm của người Việt Nam, con khỉ biểu hiện cho sự thông minh, nhanh nhẹn, ưa khám phá, khôn khéo và vui vẻ. Tem Tết Bính Thân không phải bộ tem chuyên đề về khỉ nên không đòi hỏi phải vẽ theo lối tả thực mà mang tính khái quát, cô đọng như đa phần các bộ tem Tết khác của Việt Nam. Khi bắt tay vào thiết kế, tôi xác định mình cần phải làm sao biểu đạt được đặc điểm nổi bật của hình tượng con khỉ, thể hiện được tính cách nhanh nhẹn, năng nổ nhưng cũng cần tiết chế được tính bắng nhắng, hiếu động, phá phách của con khỉ”.
“So với ý tưởng thiết kế ban đầu, mẫu tem Tết Bính Thân hiện giờ cũng có một số chỉnh sửa nhất định. Chẳng hạn, mẫu 1 ban đầu không thể hiện hình ảnh hoa đào mà là hình ảnh các quả đảo cách điệu xếp thành hình mâm quả, còn mẫu 2 thể hiện hình ảnh những quả chuối tươi ngon, vì khỉ có đặc tính là thích ăn đào và ăn chuối. Tuy nhiên, sau đó, chúng tôi đã quyết định chỉnh sửa lại, thể hiện rõ nét hơn hình ảnh hoa đào, hoa mai để đậm sắc ngày Xuân hơn trong mẫu tem Tết”, họa sĩ Nguyễn Du “bật mí”.
Họa sĩ Nguyễn Du ký tặng người sưu tập trong ngày phát hành tem Tết Bính Thân |
Một chi tiết bên lề khá thú vị cũng được họa sĩ chia sẻ riêng với Báo Bưu điện Việt Nam, rằng anh là cha đỡ đầu của 3 đứa trẻ sinh ba tuổi Thân (cầm tinh con khỉ). Mỗi lần thiết kế tem Tết Bính Thân, anh lại nghĩ đến chúng và có thêm cảm hứng để làm việc.
Tuy nhiên, việc thiết kế tem Tết cũng có nhiều khó khăn mà chỉ người trong cuộc mới thấu. “Đến giai đoạn hiện nay, tem Tết đã được tính đến dòng (seri) thứ ba. Seri đầu tiên từ những năm 1964 – 1965, tem Tết không được phát hành liền mạch mà có thể vài năm mới ra một bộ, tính chung thì có khoảng 6 bộ tem Tết. Seri thứ hai có mẫu tem khổ vuông, với khoảng 12 bộ. Seri thứ 3 có cả khổ vuông và khổ chữ nhật, hiện cũng đã có 4 bộ được phát hành. Tổng cộng đã có khoảng 22 bộ tem Tết được phát hành, nghĩa là đã có 22 phong cách thiết kế được dùng để làm tem Tết. Khi những ngóc ngách dễ khai thác như phong cách tranh dân gian Đông Hồ... đều đã có người khai thác, làm sao để mình không bị “dính” phong cách cũ là một vấn đề rất khó. Trong khi yêu cầu bắt buộc là phải tránh sự lặp lại cho các bộ tem.
Mặt khác, một điểm hạn chế đối với sự sáng tạo của các họa sĩ thiết kế tem của Việt Nam hiện nay là khuôn khổ mẫu tem chưa được đa dạng. Trong khi nhiều nước trên thế giới có thể làm ra những mẫu tem hình tròn, hình tam giác, hình lục giác... thì hiện ở Việt Nam chỉ có công nghệ để làm ra mẫu tem hình vuông và hình chữ nhật. Giả sử chúng ta cũng có thể làm được tem hình tròn thì sẽ dễ dàng, hỗ trợ sáng tạo hơn cho những họa sĩ thiết kế mẫu tem hình rồng, hình rắn...”, họa sĩ Nguyễn Du tâm sự.
Tuy nhiên, cái khó không thể bó cái khôn. Các họa sĩ thiết kế tem của Việt Nam vẫn không ngừng sáng tạo và thiết kế ra những mẫu tem đậm chất Việt. “Theo thông tin từ giới sưu tập tem phản ánh cho chúng tôi thì những người sưu tập tem các nước đều rất ngóng chờ mỗi lần tem Tết Việt Nam được phát hành. Các bộ tem Tết của Việt Nam đều được đánh giá là dòng sản phẩm rất riêng biệt, không giống mẫu tem của quốc gia nào khác. Những họa sĩ thiết kế tem Tết Việt đều đã biểu đạt được ý nghĩa nhân sinh như Tết đoàn viên của gia đình, và những lời chúc may mắn, hạnh phúc qua từng mẫu tem Tết. Đấy có thể coi là sự thành công của chúng ta”, họa sĩ Nguyễn Du phấn khởi chia sẻ thêm.