Khái niệm “từ thiện” đã thay đổi để phù hợp với phát triển bền vững
Bản thân doanh nghiệp hay tổ chức khi vận hành đều hướng tới sự trường tồn, vì vậy việc hướng tới phát triển bền vững lâu dài luôn là ưu tiên hàng đầu.
Ngày 29/10/2020 - Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp cùng với Quỹ Hoà bình và Phát triển TP.HCM (HPDF), Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn), và Trung tâm Sức khoẻ gia đình và Phát triển cộng đồng (CFC Vietnam) tổ chức Hội thảo “Từ thiện phát triển – Xu hướng trong và sau Covid 19”.
Trong suốt một thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi sâu sắc trong hoạt động từ thiện trên toàn thế giới và Việt Nam. Một lớp các nhà tỷ phú mới xuất hiện, các quỹ cộng đồng tăng vọt, các cá nhân tích cực đứng lên dùng uy tín quyên góp cộng đồng, tham gia các hội nhóm, các phong trào từ thiện, sự ra đời của các doanh nghiệp xã hội và xu hướng thành lập các quỹ từ thiện hoặc lồng ghép công việc từ thiện trong việc thực hành trách nhiệm xã hội của khối doanh nghiệp,…
Dịch bệnh Covid-19 cho thấy mỗi cá nhân không nằm ngoài được cộng đồng, chính vì thế, văn hoá chia sẻ và đoàn kết cộng đồng trên toàn thế giới đã định hình lại cách thức hoạt động của các hoạt động từ thiện nhân đạo và từ thiện phát triển, trên mọi lĩnh vực, không chỉ sức khoẻ, mà còn biến đổi khí hậu, giáo dục, nhà ở,… và hơn thế nữa. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. |
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD chia sẻ: ”Covid-19 đã kích hoạt trách nhiệm của cộng đồng và sự đoàn kết, sự an toàn hay sự phát triển của mỗi cá nhân gắn chặt với sự an toàn của cả cộng đồng. Đó là khi doanh nghiệp không chỉ tham gia từ thiện như một trách nhiệm xã hội, có thể là một việc phụ thêm đóng góp cộng đồng, mà cần nhìn nhận lại đó là chiến lược để phát triển, đáp ứng các nhu cầu của khách hàng trong thời đại mới, một nền kinh kế chuyển đổi đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ bán sản phẩm, dịch vụ mà còn là giá trị và trách nhiệm.”
Cung cấp cho hội thảo hiểu biết rõ hơn về từ thiện phát triển và văn hoá từ thiện, Bà Tôn Nữ Thị Ninh – Chủ tịch Quỹ Hoà Bình và Phát triển TP.Hồ Chí Minh đã chia sẻ về khái niệm từ thiện phát triển và văn hoá từ thiện. Bà cũng nhấn mạnh: “Từ thiện là một hoạt động không thể thiếu trong sự phát triển của xã hội, và bản thân hoạt động từ thiện cũng không bất biến mà vận động thay đổi theo xu thế của xã hội. Hệ sinh thái từ thiện phát triển rất rộng lớn, có thể xem như một ngôi nhà lớn, một ngôi nhà chung mà trong đó mỗi chúng ta là một chủ thể cần chung tay, chung sức để giúp hệ sinh thái ấy phát triển cao hơn, phức hợp hơn."
Bà Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc hoạt động, Trung tâm CFC Việt Nam - chia sẻ: “Đại dịch Covid-19 và một chuỗi những thiên tai gần đây khiến chúng ta giật mình về những kĩ năng, khả năng ứng phó, đặc biệt là của nhóm những người yếu thế, những người mà khả năng tiếp cận còn giới hạn. Về dài hạn, những hoạt động từ thiện phát triển cần được đẩy mạnh để nâng cao khả năng ứng phó cho nhóm yếu thế song song với những hoạt động từ thiện nhân đạo, cứu trợ khẩn cấp.”
Từ cương vị của Công ty Coca-Cola – đơn vị đã có nhiều năm hoạt động từ thiện và các dự án xã hội, bà Nguyễn Thị Ý Như – Trưởng phòng Truyền thông và Đối ngoại, Công ty Coca Cola Việt Nam - nhấn mạnh: “Bản thân doanh nghiệp hay tổ chức khi vận hành đều hướng tới sự trường tồn, vì vậy việc hướng tới phát triển bền vững lâu dài luôn là ưu tiên hàng đầu. Các hoạt động từ thiện nhân đạo và từ thiện phát triển không loại trừ nhau mà sẽ bổ sung cho nhau. Với chúng tôi, một trong các nỗ lực để tạo nên sự phát triển bền vững là làm sao cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không gây ra những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ tương lai.”
Là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm cũng giải pháp điều phối, tiếp cận và huy động cá nhân và doanh nghiệp cho các hoạt động từ thiện phát triển, bà Nguyễn Võ Trúc Giang – Giám đốc Truyền thông và Phát triển Quỹ Làng Trẻ em SOS Việt Nam - đưa ra ý kiến: “Kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của tổ chức là một điều kiện cần cho việc gây quỹ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, muốn gây quỹ lâu dài cần chú trọng chất lượng sản phẩm hay hoạt động của tổ chức. Với các hoạt động gây quỹ cho từ thiện phát triển, cần không ngừng đổi mới, sáng tạo để phù hợp với nhu cầu cũng như xu thế của xã hội.”
Nguyễn Tuân