Kêu gọi tiền hỗ trợ chôn cất hài nhi xấu số rồi chiếm đoạt tiền tỷ, nam thanh niên đối mặt án phạt nào?
Sau khi cơ quan điều tra xác minh, xác định số tiền 2,5 tỷ đồng trong tài khoản của Trần Văn Dũng là tiền lừa đảo từ việc kêu gọi từ thiện thì đối tượng có thể phải đối mặt với mức phạt tù từ 6 tháng đến chung thân.
Ngày 15/11, Công an tỉnh Nghệ An cho biết đang tạm giữ hình sự Trần Văn Dũng (SN 1996, trú xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng Trần Văn Dũng tại cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An. (Ảnh: H.L) |
Điều tra ban đầu cho thấy, từ khoảng tháng 5/2011, với mục đích lừa đảo, Trần Văn Dũng copy thông tin kêu gọi giúp đỡ trẻ em bị bệnh hiểm nghèo cần tiền điều trị, thai nhi xấu số cần kinh phí chôn cất được đăng tải trên mạng. Sau đó, Dũng chỉnh sửa thông tin tài khoản nhận tiền hỗ trợ và sử dụng các tài khoản facebook ảo để đăng tải vào các hội nhóm kêu gọi giúp đỡ.
Tin tưởng vào thông tin được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều người đã chuyển vào tài khoản ngân hàng của Dũng, ít thì vài trăm nghìn, nhiều thì cả chục triệu đồng. Sau khi nhận tiền từ các mạnh thường quân, Dũng rút ra tiêu xài.
Sau quá trình dài điều tra, thu thập, củng cố chứng cứ, ngày 11/11, Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ Trần Văn Dũng, thu giữ nhiều tài liệu có liên quan. Khi bắt giữ, trong tài khoản ngân hàng của đối tượng Trần Văn Dũng có hơn 2,5 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra bước đầu xác định nạn nhân bị Trần Văn Dũng lừa đảo có thể lên tới hàng nghìn người ở khắp cả nước.
Thông tin về các hoàn cảnh xấu số được Dũng đăng tải lên mạng xã hội để lừa đảo, kêu gọi các mạnh thường quân chuyển tiền ủng hộ. (Ảnh: H.L) |
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc này, luật sư Hoàng Văn Hùng (VPLS Trung Hoà, Hà Nội) nêu quan điểm: Bằng hình thức lợi dụng sự tin tưởng, tình cảm của cộng đồng, các đối tượng kêu gọi ủng hộ từ thiện sau đó nhằm mục đích chiếm đoạt, hành vi không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự.
“Kêu gọi từ thiện sau đó chiếm đoạt hoặc ăn bớt tiền từ thiện là hành vi trục lợi trên nỗi đau, trên khó khăn hoạn nạn của người khác và là hành vi lừa dối, gian dối. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, đạo đức xã hội, làm suy giảm niềm tin của con người vào lòng tốt và tâm hướng thiện”, luật sư nhấn mạnh.
Luật sư Hoàng Văn Hùng khẳng định: ''Hành động kêu gọi từ thiện hỗ trợ hài nhi xấu số sau đó chiếm đoạt hoặc ăn bớt tiền từ thiện của Trần Văn Dũng là hành vi trục lợi, lừa dối''.
''Trong lúc tình hình dịch bệnh phức tạp, lợi dụng niềm tin của cộng đồng, Trần Văn Dũng dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả, không đúng với sự thật nhưng làm cho người bị lừa dối tin đó là thật và chuyển tiền cho mình. Dù nhận thức rõ hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả do hành vi của mình gây ra nhưng Dũng vẫn thực hiện.
Sau khi cơ quan tiến hành điều tra xác minh, nếu số tiền Trần Văn Dũng lừa đảo chiếm đoạt được là 2,5 tỷ đồng trong tài khoản của mình thì đối tượng có thể phải đối mặt với mức phạt tù từ 6 tháng đến chung thân'', luật sư phân tích hành vi của đối tượng Dũng.
Luật sư viện dẫn nội dung Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;
Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
“Để tránh tình trạng bị lợi dụng lừa đảo, mỗi người dân khi tiếp nhận thông tin từ thiện cần phải xác minh. Nếu là cá nhân, tổ chức tự phát đứng ra kêu gọi, trước tiên phải xem xét cá nhân, tổ chức đó có đáng tin cậy hay không; địa chỉ làm việc, công việc, nhân thân, nghề nghiệp rõ ràng không; đã từng bị tố cáo trên mạng xã hội, báo chí hay chưa....
Tốt nhất những người có tấm lòng thiện nguyện nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ các cấp, hoặc chính quyền nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh... Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý”, luật sư Hoàng Văn Hùng khuyến cáo.
Sông Yên