Kết quả sơ bộ bầu cử tổng thống Pháp: Ứng cử viên “thân Nga” Le Pen dẫn đầu
Ứng viên Tổng thống Pháp Le Pen |
Bộ Nội vụ Pháp đã công bố kết quả kiểm khoảng 38-39% số phiếu trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Theo kết quả kiểm 20 triệu lá phiếu, ứng cử viên cực hữu, chủ tịch đảng "mặt trận Dân tộc" Marine Le Pen đang dẫn đầu với 24,38% số phiếu ủng hộ, đứng thứ hai là ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron với 22,19%.
Theo kết quả sơ bộ, hai ứng cử viên chủ chốt còn lại, cựu Thủ tướng Francois Fillon giành được 19,63% phiếu bầu, trong khi đó nhà lãnh đạo phong trào cực tả Jean-Luc Melenchon giành được 18,09% số phiếu.
Ứng cử viên đảng Xã hội Benoit Hamon đứng ở vị trí thứ 5 với 6,2%, theo sau là các ứng cử viên Nicolas Dupont-Aignan 4,9%, Jean Lassalle 1,4%, Philippe Poutou 1,2%, François Asselineau 0,9%, Nathalie Arthaud 0,7%, và Jacques Cheminade 0,2%. Kết quả này không gây bất ngờ mà hoàn toàn phù hợp với những gì được thông báo trong các cuộc thăm dò dự luận trước đó.
Theo Bộ Nội vụ Pháp, 20 triệu phiếu được kiểm chưa bao gồm số phiếu từ các thành phố lớn nhất của nước này. Đây là những nơi thường giành ít sự ủng hộ cho bà Le Pen hơn so với các thành phố và thị trấn nhỏ, nơi công tác kiểm phiếu đã hoàn tất.
Trước đó, các dự đoán ban đầu đều cho thấy ông Macron dẫn điểm trước bà Le Pen. Hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất sẽ cùng bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai, diễn ra vào ngày 7/5 tới.
Theo hai cuộc thăm dò ý kiến cử tri ngày 23/4, ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron dự kiến sẽ giành chiến thắng trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp với gần 2/3 số phiếu ủng hộ.
Một cuộc khảo sát do công ty Harris Interactive thực hiện cho đài truyền hình M6 cho thấy 64% số người được hỏi khẳng định sẽ ủng hộ cho ông Macron. Trong khi đó, theo cuộc khảo sát do công ty Ipsos Sopra Steria tiến hành cho đài France Televisions, 62% số người được hỏi cho biết sẽ ủng hộ vị cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp.
Ứng cử viên đảng Xã hội Benoit Hamon đã thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp.
Ông Hamon tuyên bố mặc dù thua cuộc nhưng chủ nghĩa cánh tả sẽ không bị đánh bại. Ông cũng kêu gọi các cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron để đánh bại đảng Mặt trận Quốc gia (FN) của bà Marine Le Pen.
Trong khi đó, người phát ngôn của ứng cử viên Francois Fillon cho biết ông Fillon đã "vô cùng thất vọng" sau khi được cho là thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống.
Tại thủ đô Paris, sau khi có kết quả sơ bộ, nhiều người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát do cảm thấy tức giận trước việc bà Le Pen giành quyền bước vào cuộc bỏ phiếu vòng hai. Nhiều đám đông thanh niên đã tập trung biểu tình trước quảng trường Bastille ở phía Đông Paris sau khi có kết quả kiểm phiếu. Cảnh sát chống bạo động đã bao vây khu vực và phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình.
Chương trình của bà Le Pen – hoàn toàn đối lập với đề xuất của ông Macron. Các kế hoạch của ứng cử viên theo chủ nghĩa dân tộc không chỉ là chính sách xích lại gần với Nga và các biện pháp cứng rắn chống lại Hồi giáo cực đoan ở Pháp, mà còn là mục tiêu đưa đất nước ra khỏi Liên minh châu Âu.
Tại một sự kiện của chiến dịch gần đây vào tháng Tư năm nay, bà Le Pen đạt được mục tiêu rằng lá cờ châu Âu đã phải hạ xuống sau lưng mình. Các chương trình kinh tế của thủ lĩnh đảng "Mặt trận Dân tộc" cũng tương tự như đề nghị của những người cánh tả: phản đối tiết kiệm ngân sách, bà Le Pen lên án cải cách lao động và kêu gọi giảm độ tuổi nghỉ hưu.
Bầu cử Tổng thống Pháp vòng 1 (23/4) |
Về khả năng Pháp rời EU sau cuộc bầu cử Tổng thống
Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin cho rằng khả năng Pháp rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Frexit, gần như sẽ không thể xảy ra do người dân Pháp không hào hứng với ý tưởng này và Quốc hội nước này sẽ không phê chuẩn sự thay đổi đó.
Phát biểu với tờ Wall Street Journal, khi đề cập tới việc Pháp rời khỏi EU, Bộ trưởng Sapin nêu rõ: "Trong cuộc sống mọi thứ đều có thể xảy ra, thậm chí cả những điều ngu ngốc nhất, tuy nhiên nếu có một thứ mà Pháp gắn bó thì đó là EU".
Theo ông, cho dù điều tồi tệ nhất xảy ra, tức một ứng cử viên cực đoan của phe cánh hữu hay cánh tả đắc cử - thì điều đó cũng không làm thay đổi việc quyền lực được thực thi, bởi không thể có khả năng ứng cử viên cực đoan này có thể kiểm soát một đa số trong Quốc hội.
Hiện hầu hết các ứng cử viên tổng thống nổi bật đều không thuộc bất cứ chính đảng lớn nào của Pháp, do đó tổng thống tương lai sẽ gặp khó khăn trong việc vận động sự ủng hộ để tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về Frexit.
Ngoài ra, theo Wall Street, Bộ trưởng Sapin cũng lưu ý Paris đã thực hiện các biện pháp để bảo vệ các thị trường tài chính trước bất cứ tác động nào từ cuộc bầu cử tổng thống đã diễn ra ngày 23/4.