John McCain: Trung Quốc sẽ "tháo tung" tàu lặn của Mỹ trước khi trả
"Trung Quốc có thể tháo tung máy móc để tìm hiểu thông tin công nghệ mà một số thông tin sẽ rất đáng giá. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế", CNN dẫn lời ông McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
Lời bình luận của Thượng nghị sĩ McCain được đưa ra sau vài giờ Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chia sẻ trên trang Twitter cá nhân vào cuối ngày 17/12: “Chúng ta nên nói với Trung Quốc rằng chúng ta không cần con tàu mà bọn họ đã đánh cắp, hãy để họ giữ nó. Trung Quốc đã đánh cắp tàu lặn nghiên cứu khoa học của Hải quân Mỹ trong vùng biển quốc tế, đây là hành động chưa từng có tiền lệ”.
Tàu lặn tự hành của Hải quân Mỹ tương tự như thiết bị mà Trung Quốc tịch thu trên vùng biểncách cảng vịnh Subic hơn 80 km hôm 15/12. |
Hôm 15/12, tàu thăm dò đại dương USNS Bowditch của Mỹ đã thả 2 tàu lặn tự hành ở khu vực cách cảng vịnh Subic hơn 80 km. Tuy nhiên, khi tàu USNS Bowditch dừng lại để đón hai tàu lặn, thì một tàu chiến của Hải quân Trung Quốc vốn bám đuôi Bowditch đã thả một chiếc tàu nhỏ xuống biển. Sau đó thủy thủ đoàn Trung Quốc kéo lên một trong hai tàu lặn của Mỹ.
Trên kênh truyền hình Fox News, khi được hỏi về những chia sẻ trên Twitter của Tổng thống đắc cử, ông Jason Miller, Giám đốc truyền thông của nhóm chuyển giao quyền lực bên phía Trump cho biết Trung Quốc có khả năng sẽ trả lại cho Mỹ "một mớ dây và các mảnh kim loại" sau khi giữ tàu lặn tự hành trong vài ngày.
Trước đó, phía chính phủ Trung Quốc cho biết đã liên lạc với quân đội Mỹ sau vụ việc hôm 15/12. Lầu Năm Góc thì tuyên bố Trung Quốc sẽ trao trả tàu lặn tự hành sau "cuộc trao đổi trực tiếp" giữa Washington và Bắc Kinh.
Tuy nhiên trên trang mạng xã hội Weibo, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lại cáo buộc Mỹ "phóng đại vấn đề trước dư luận" và hành động này không giúp giải quyết vấn đề. Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn nhấn mạnh Mỹ "thường xuyên" điều tàu thuyền và máy bay tới Biển Đông mà trước đó, Bắc Kinh đã hối thúc Washington ngừng những hành động này.
Vụ việc này tiếp tục làm nóng thêm mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh trước thời điểm ông Trump còn một tháng nữa chính thức nhậm chức.
Trước đó, ông Trump đe dọa tăng mức thuế quan áp đặt với các mặt hàng của Trung Quốc đồng thời đặt câu hỏi về việc Mỹ có nên tiếp tục duy trì quan điểm với chính sách "một Trung Quốc" lâu đời của Bắc Kinh vốn chỉ coi Đài Loan là một tỉnh tự trị. Còn hiện tại, Trung Quốc vẫn không ngừng có những hành động đơn phương tuyên bố chủ quyền và quân sự hóa trên Biển Đông.
"Trung Quốc đặc biệt quan ngại về các thiết bị lặn không người lái bởi những thiết bị này có thể theo dõi hoạt động của hạm đội tàu ngầm hạt nhân mang theo tên lửa đạn đạo của Trung Quốc", Bloomberg dẫn lời Thiếu tướng Xu Guangyu, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hiệp hội Kiểm soát và Giải trừ vũ khí Trung Quốc.
"Nếu tàu lặn của tàu Bowditch bị phát hiện và thậm chí bị tàu Hải quân Trung Quốc tịch thu, điều này có nghĩa là tàu lặn Mỹ đã hoạt động quá gần vùng lãnh hải nhạy cảm", Tướng Xu nói thêm.
Còn theo Giáo sư Ma Gang tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, tàu thăm dò đại dương USNS Bowditch đã "quá nổi tiếng" vì được triển khai thăm dò khu vực bờ biển Trung Quốc kể từ năm 2002.
"Dữ liệu đại dương đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với hoạt động của tàu thuyền, tàu ngầm và kế hoạch tác chiến. Do đó, việc Hải quân Trung Quốc nghi ngờ hoạt động của tàu Bowditch là hoàn toàn bình thường", ông Ma nói.
Còn theo giới truyền thông Trung Quốc, tàu Hải quân Trung Quốc từng cản đường hoạt động của tàu Bowditch trong năm 2001 và 2002 trên biển Hoàng Hải. Ngoài ra, tàu Bowditch còn được triển khai tới eo biển Đài Loan, khu vực nhạy cảm giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Ngoài ra, chia sẻ trên tờ Nhân dân nhật báo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh thuộc Đại học Công nghệ quốc phòng Trung Quốc, ông Zhang Huang cáo buộc Washington từng sử dụng các tàu dân sự để thu thập thông tin phục vụ mục đích quân sự.
"Một khi các tàu lặn tiến sâu vào vùng lãnh hải của chúng tôi để trinh sát, các tàu lặn này sẽ thu thập hàng loạt thông tin từ hành trình của tàu ngầm hải quân. Đây là mối đe dọa tới an ninh hải quân Trung Quốc", ông Zhang nhấn mạnh.
Còn trong tuyên bố hôm 16/12, Lầu Năm Góc khẳng định tàu lặn tự hành bị Trung Quốc chiếm đoạt chỉ là thiết bị không người lái được sử dụng khắp thế giới nhằm thu thập dữ liệu hải dương học gồm nồng độ mặn nước biển, nhiệt độ nước biển và tốc độ âm thanh. Trong khi, khu vực mà Trung Quốc tịch thu tàu lặn của Mỹ được xác định nằm ngoài "đường chín đoạn", tấm bản đồ mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.