Israel: Phụ nữ ngày càng leo cao trong quân đội
Israel: Phụ nữ ngày càng leo cao trong quân đội
Một nữ binh sĩ Israel trang tập luyện – phụ nữ hiện chiếm tới 1/3 quân số của quân đội Israel – Nguồn: Reuters |
Khi Yehudit Grisaro nói: “Tôi không phải là người phụ nữ phi thường”, chị nói bằng tiếng Anh với giọng ngập ngừng và hơi lúng túng. Đó có thể là do tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của Grisaro. Cũng có thể là vì chị muốn thu hút được toàn bộ sự chú ý của người nghe giống như chị đã dễ dàng thu hút sự chú ý của những phụ nữ xây dựng sự nghiệp trong quân đội và nhiều người khác tại quê hương Israel của chị.
Với quân hàm chuẩn tướng và giữ chức vụ cố vấn các về đề phụ nữ cho tổng tham mưu trưởng quân đội, chị Grisaro hiện là nữ quân nhân giữ chức vụ cao nhất trong Các lực lượng quốc phòng Israel (IDF). Kể từ khi chị nghỉ hưu vào năm 2010, không có điều gì làm giảm nhiệt tình của chị đối với vấn đề phá bỏ tình trạng phân biệt giới tính vẫn tồn tại trong quân đội.
Khi được hỏi liệu chị đã bao giờ bị xâm hại tình dục trong suốt thời gian 26 năm làm việc trong quân đội kể từ khi chị thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc vào năm 18 tuổi hay không, chị nhăn mặt và nói: “Tôi không biết liệu có người đàn ông nào đủ dũng cảm để làm điều đó không. Đó không phải là một vấn đề đối với Các lực lượng quốc phòng Israel”.
Mặc dù quân đội Israel mang hình ảnh rất nam tính, IDF lại là lực lượng quân đội tiến bộ nhất trên thế giới – ít nhất là về khía cạnh bình đẳng giới. Gần 1/ 3 lực lượng này và 50% số sĩ quan của IDF là phụ nữ. Ở Anh, chỉ 13% lực lượng vũ trang là nữ và ở Mỹ thì con số đó nhỉnh hơn một chút, ở mức 13,4%.
Vì vậy có thể hiểu tại sao chị Grisaro, đang ở tuổi 49, có vẻ lúng túng khi được hỏi liệu chị, hay bất kỳ nữ đồng nghiệp nào của chị, có bị các đồng nghiệp nam lạm dụng, xem thường hay có thái độ kẻ cả bề trên không.
“Những người đàn ông thuộc IDF đều được giáo dục và nhận thức tốt về vấn đề xâm hại tình dục nên đó không phải là một hiện tượng. Tôi vẫn thường nói rằng vũ khí tinh vi nhất để chống lại xâm hại tình dục là nâng cao nhận thức của nam giới. Đa số các binh sĩ hiểu rõ các luật lệ và công nhận sự đóng góp của phụ nữ. Phụ nữ được đối xử giống như nam giới và được đánh giá giống như nam giới và phụ nữ được trả lương giống như nam giới”, chị Grisaro cho biết.
Quân đội Anh là một trong vài lực lượng quân đội trên thế giới tìm đến IDF xin lời khuyên về vấn đề bình đẳng giới, mặc dù về mặt ngắn hạn có lẽ Anh không thể theo kịp Israel dù đã rất nỗ lực.
Do không có các tấm gương phụ nữ theo đuổi sự nghiệp quân sự nào làm dẫn chứng, quân đội Anh vẫn phải vật lộn nhằm thay đổi tư tưởng rằng cuộc sống trong bộ quần áo kaki chỉ phù hợp với nam giới.
Ở Israel thì rất khác.
Ở đây có luật yêu cầu phụ nữ phải tham gia nghĩa vụ quân sự và có một loạt các qui định luật pháp khác về cách ứng xử của họ trong quân ngũ. Quá trình này bắt đầu từ năm 1949 với sự ra đời của một điều luật qui định về bình đẳng giới trong IDF và cho tới nay phụ nữ có thể tham gia 92% các công việc trong quân đội.
Cách đây 16 năm, Alice Miller, một phi công lái máy bay dân sự đã giành chiến thắng trong vụ khiếu nại ở tòa án tối cao, yêu cầu lực lượng không quân Israel không được phép loại phụ nữ ra khỏi các khóa huấn luyện phi công lái máy bay chiến đấu.
Cho đến nay, phụ nữ đã tham gia làm việc tại các binh đoàn chống máy bay, pháo binh và trở thành cả các nữ phi công lái máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn chưa được phép tham gia vào các đơn vị quân đội chiến đấu “giáp lá cà” nhưng chị Grisaro cho rằng đó chỉ là vấn đề thời gian.
Và chị bình luận về số phụ nữ phục vụ trong IDF: “Tình hình như vậy là khá tốt. Đó là một con số có ý nghĩa cho thấy phụ nữ không phải có mặt ở đó để “làm cảnh”. Đó là một cuộc đua maratong, chứ không phải cuộc đua nước rút (là kết quả của một thời gian dài đấu tranh)”.
Ở Anh, phụ nữ vẫn bị cấm tham gia vào các đơn vị nhỏ ở mặt trận bởi mối lo rằng trong một trận chiến máu lửa, các đồng nghiệp nam sẽ chỉ nhăm nhe ngắm nhìn họ mà không tập trung vào chiến đấu. Chị Grisaro lại nhăn nhó và nói: “Nếu anh cứ giữ mãi suy nghĩ đó thì anh sẽ chỉ ngồi đó và chẳng làm gì cả. Người ra quyết định phải tự hỏi mình: Tôi có quyền được từ bỏ hẳn một nửa số nhân lực tôi có trong tay không? Kĩ năng mới là điều quan trọng chứ không phải là giới tính. Về vấn đề này, tôi nghĩ đã đến lúc phải thay đổi. Nếu chúng ta đang ở vào thời điểm cách đây 30 năm và nói chuyện về vị trí của phụ nữ trong quân ngũ hiện nay thì những thay đổi trong thời gian qua dường như là không thể tin được. Vì thế thay đổi đang diễn ra dần dần và tôi nghĩ con đường đó là đúng đắn”.
Chị ấy có nhận được sự giúp đỡ của quân đội khi sự nghiệp của chị thăng tiến không? Cuối cùng, chị vẫn có thể vùng vẫy với sự nghiệp, kết hôn và nuôi 3 cậu con trai của mình.
“IDF không mở nhà trẻ trong các căn cứ quân sự! Và tôi không phải là người phụ nữ phi thường. Tôi thuê người giúp việc, tôi thuê vú em và tôi dựa vào chồng mình, bố mẹ và các bạn bè của mình. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bị phân biệt đối xử bởi vì tôi đã kết hôn hay vì giới tính của tôi – tình hình trên thực tế lại ngược lại. Tôi kết hôn, tôi có con và tôi nhìn chúng trưởng thành khi tôi vẫn đang phục vụ cho quân đội. Điều đó không đơn giản, nhưng không phải là không thể”, chị tâm sự.
Thái độ “hãy sống chung với nó” của chị được đi kèm với một qui tắc vàng dành cho những phụ nữ nào muốn leo cao hơn trong quân đội.
Chị nói: “Tôi có 2 mục đích, trở thành sĩ quan chuyên nghiệp và là một hình mẫu cho các phụ nữ khác. Tất cả phụ nữ có nghĩa vụ phải làm như tôi. Nếu tôi tham gia vào buổi phỏng vấn và có một người phụ nữ và một nam giới có các kĩ năng như nhau, tôi sẽ luôn chọn người phụ nữ. Bạn không thể mong phụ nữ leo lên các chức vụ cao trừ phi cấp độ nào cũng có phụ nữ nắm quyền”.
Chị Grisaro rời bỏ quân đội và trở thành phó chủ tịch hãng hàng không Israel El Al. Chị đã chuyển giao vị trí của mình trong IDF cho một phụ nữ khác, chị Orna Barbivai, người hiện trở thành người phụ nữ đầu tiên đạt quân hàm thiếu tướng.
Chị Grisaro cho rằng việc chị Barbivai được thăng quân hàm thiếu tướng là một “mốc rất, rất quan trọng trong cuộc đua bền bỉ để người phụ nữ được tham gia vào IDF. Xã hội Israel dành cho phụ nữ rất nhiều tự do. Nhưng tôi muốn thay đổi diễn ra nhanh hơn nữa”.
Tùng Lâm