Israel hỗ trợ Hải quân Việt Nam
Israel hỗ trợ Cảnh sát biển
Hôm 4/1 vừa qua tại Hải Phòng, Cục Kỹ thuật - Bộ Tư lệnh CSB phối hợp với Công ty Sky Media Lmt, Nhà máy Z133 - Tổng cục Kỹ thuật, Nhà máy đóng tàu Hồng Hà đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật pháo cao xạ 23mm-2 cho cán bộ, nhân viên quân khí của các cơ quan, đơn vị CSB.
Pháo 23mm-2 thế hệ mới. |
Được biết, nội dung của đợt huấn luyện này là về tính năng kỹ chiến thuật, cấu tạo hoạt động của pháo cao xạ 23mm-2 (model 23-2M và 23-2ML) được lắp đặt trên các tàu Cảnh sát biển.
Tham gia lớp tập huấn này do chuyên gia người Việt và Israel giảng dạy, trong đó chuyên gia Israel trực tiếp thực hành mẫu trên pháo 23mm-2.
Trước đó từ ngày 14 - 24/5/2014, Cục Quân khí phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh CSB tổ chức thành công đợt Tập huấn kỹ thuật pháo cao xạ 23mm ZU-23-2 tại đơn vị đăng cai K895/CQK cho 14 cán bộ, nhân viên quân khí của các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển.
Như vậy có thể thấy rằng, trong tương lai, các tàu Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được trang bị pháo ZU-23-2 cỡ nòng 23mm thay cho pháo nòng đôi 2M-3 cỡ 25mm thế hệ cũ. Qua quan sát mẫu pháo 23mm-2 mới lắp đặt trên tàu TT-400 có thể thấy một số khác biệt so với pháo cao xạ ZU-23-2 nguyên bản.
Theo đó, pháo đã được nâng cấp thêm phần cabin cho vị trí pháo thủ, phần bệ quay sử dụng hệ thống điện thay vì cơ cấu quay bằng tay thông thường. Hiện vẫn chưa rõ pháo mới này có sử dụng cò điện hay tổ hợp ngắm bắn quang điện hay không.So với pháo 2M-3 cỡ 25mm, pháo ZU-23-2 tuy có cỡ nòng nhỏ hơn nhưng tốc độ bắn vượt trội (400 phát/phút so với 300 phát/phút của 2M-3), tầm bắn hiệu quả của hai pháo tương đương nhau. Tuy nhiên, điểm trội của ZU-23-2 so với 2M-3 là ở khả năng nâng cấp và tự chủ chế tạo pháo, đạn.
Vũ khí Israel trong Quân đội Việt Nam
Ngoài hỗ trợ Việt Nam tập huấn sử dụng trang thiết bị quân sự, trong những năm gần đây vũ khí Israel hiện diện ngày càng nhiều trong Quân đội Việt Nam.
Lực lượng sử dụng nhiều vũ khí Israel nhất là Binh chủng Hải quân đánh bộ thuộc Hải quân Nhân dân Việt Nam. Hiện nay, các chiến sĩ binh chủng tinh nhuệ này sử dụng một số loại súng do hãng Israel Military Industries (IMI) sản xuất, trong đó có súng TAR-21.
Khẩu TAR-21 thiết kế theo kiểu “bullpup” tức toàn bộ khối đạn, bệ khóa nòng nằm sau cò súng. Súng có tốc độ bắn từ 750-900 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 550mm. Súng trường tiến công TAR-21 được lắp kiểu kính ngắm quang học phản xạ ITL MARS hoặc kính ngắm điểm đỏ. Tầm bắn hiệu quả 300m, sơ tốc đầu nòng 890m/giây).
Súng chống tăng MATADOR. |
So sánh với khẩu AK-47 (hoặc AKM, AKMS) đang sử dụng phổ biến trong quân Việt Nam, TAR-21 có ưu điểm về trọng lượng nhẹ, khả năng tấn công chính xác hơn với sự hỗ trợ kính ngắm điểm đỏ, kính ngắm quang học.
Ngoài ra, chiến sĩ hải quân đánh bộ còn sử dụng khẩu súng trung liên IMI Negev, súng trường bắn tỉa bán tự động IMI Galazt cũng do IMI sản xuất. Súng bắn tỉa Galazt có tầm bắn hiệu quả 300m với thước ngắm cơ khí và 500m với kính ngắm quang học.
Lực lượng hải quân đánh bộ còn được trang bị súng chống tăng MATADOR do hãng Rafael Israel sản xuất. Súng dùng đạn chống tăng cỡ 90mm, tầm bắn hiệu quả 500m, thích hợp chống mục tiêu xe tăng hạng nhẹ, xe bọc thép hạng nhẹ.
Hiện nay, Binh chủng Đặc công và các đơn vị cảnh sát đặc nhiệm Việt Nam cũng có sử dụng một số loại súng của Israel, mà điển hình là súng ngắn liên thanh Uzi. Trong ảnh là chiến sĩ đặc công diễn tập bắn mục tiêu chính xác với súng Micro Uzi – biến thể của UZI có tầm bắn hiệu quả 30m, tốc độ bắn 1.700 phát/phút, hộp tiếp đạn loại 20 viên.
Theo baodatviet.vn