Iran, từ “kẻ thù” sắp thành đối tác của Mỹ?
Ảnh mang tính chất minh họa |
Nhận định trên được chuyên gia phân tích chính trị nổi tiếng Joe Klein thuộc tạp chí Time đưa ra. Theo Klein, mặc dù Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã cấm tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ vì quan ngại Mỹ sẽ sử dụng các cuộc đàm phán này để làm suy yếu Iran nhưng đáng ngạc nhiên là Iran lại có thể sẽ thế chỗ Arab Saudi để trở thành đồng minh của Mỹ.
Để dẫn chứng cho nhận định của mình, ông Joe Klein nhấn mạnh đến việc đã gần 25 năm qua, kể từ sau chiến dịch “Bão táp sa mạc”- chiến dịch do Tổng thống Mỹ Bush (cha) tiến hành chống lại các đồng minh Ả rập, khu vực Trung Đông chưa ghi nhận bất cứ chiến dịch quân sự nào từ bên ngoài được thực hiện thành công.
Chính vì vậy, Klein cho rằng việc các chính trị gia đảng Cộng hòa tuyên bố “Putin đã hất cẳng Obama ở Syria” là một sự sai lầm. Ông Klein tán thành nhận định của ông Obama cho rằng Nga có thể sẽ bị “sa lầy” tại đầm lầy Syria khi nỗ lực cứu chính quyền Tổng thống al-Assad. Tuy nhiên, “Đầm lầy” này có thể dành cả cho Mỹ.
Nguyên nhân là do Mỹ hiện đang bị mâu thuẫn giữa hai lợi ích: Một là, cần phải tích cực tiêu diệt IS để củng cố an ninh cho bản thân, thậm chí phải chấp nhận để ông al-Assad tại vị để thực hiện mục đích này; hai là, đáp ứng các lợi ích của đối tác đồng minh Arab Saudi - quốc gia được coi là kẻ thù chính của Tổng thống al-Assad.
Mới đây, trong khuôn khổ phiên họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, Ngoại trưởng Iran Mohamad Javad Zarif đã tiến hành một loạt cuộc gặp song phương với ngoại trưởng các nước khác và bắt tay Tổng thống Mỹ B.Obama.
Nội dung trọng tâm trong các cuộc gặp mặt song phương này là để thuyết phục các nước khác tin vào luận điểm rằng: Chủ nghĩa Wahhabi (Một học thuyết Hồi giáo bắt nguồn từ Arab Saudi), các phong trào chính trị-tôn giáo trong thế giới Hồi giáo là vấn đề chính cần quan tâm trong khu vực này. Chủ nghĩa Wahhabi chính là nền tảng làm nảy sinh các tổ chức Hồi giáo cực đoan trong khu vực như IS, Taliban hay Al-Qaeda.
Cũng cần nói thêm, Israel coi danh sách các tổ chức cực đoan nảy sinh từ Chủ nghĩa Wahhabi do Klein đưa ra là chưa đủ và muốn bổ sung thêm vào danh sách này tổ chức Hezbollah. Hezbollah là tổ chức được Iran ủng hộ và là mối đe dọa chủ yếu, trực tiếp đối với thế giới người Do Thái.
Do đó, theo Klein, Chủ nghĩa Wahhabi là mối đe dọa trực tiếp không chỉ đối với khu vực này mà còn cả đối với Mỹ. Một trong những nguyên nhân chính khiến Mỹ không thể thực hiện thành công chính sách của mình ở Trung Đông, theo nhận định của Klein, là do Mỹ không có được mối quan hệ tốt đẹp với Tehran.
IS đang huấn luyện chiến binh (Ảnh minh họa) |
Việc Mỹ ký kết hiệp định về chương trình hạt nhân Iran, theo Klein, có thể bắt nguồn từ việc Mỹ đã nhận thấy vai trò quan trọng của Iran trong việc giải quyết các vấn đề trong khu vực. Do đó, sau khi ký kết hiệp định này, Tổng thống Mỹ Obama đã cố gắng giải thích với đồng minh Arab Saudi rằng chính sách của Mỹ ở khu vực này vẫn không có bất cứ sự thay đổi nào.
Tuy nhiên, Kelin cho rằng điều đó không có nghĩa là Mỹ sẽ phải ủng hộ Arab Saudi khi quốc gia này đang sa lầy ở “đầm lầy Yemen”. Trong khi đó Iran, quốc gia ủng hộ Hồi giáo dòng Shiite, lại sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán để kết thúc các hành động chiến tranh ở khu vực phía Nam bán đảo Ả rập.
Nói cách khác, hiện giữa Mỹ và Arab Saudi không có tiếng nói chung trong việc giải quyết vấn đề Syria. Mặc dù giữa Mỹ và Iran cũng không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Syria nhưng giữa hai nước này vẫn còn có nhiều điểm chung hơn so với giữa Mỹ với Arab Saudi- quốc gia không muốn có bất cứ thỏa hiệp nào, dù là tạm thời, với Tổng thống Syria al-Assad.
Theo Klein, mục đích chính của Mỹ hiện nay là ngăn không cho IS tạo ra các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của mình chứ không phải là lật đổ chế độ al-Assad nên ưu tiên hàng đầu sẽ là tiêu diệt IS.
Trong khi đó, bất chấp sự phản đối của Arab Saudi, Iran sẽ tham gia vào tất cả các nỗ lực ngoại giao để “dập” xung đột ở Syria. Do đó, nhiều khả năng Mỹ sẽ hợp tác với bất cứ nước nào trong khu vực này nếu như họ hứa và quyết tâm chống lại những mầm mống liên quan đến “thánh chiến Hồi giáo”, trong số này có cả Iran, quốc gia đã chứng minh được rằng sẽ không bao giờ có quan hệ tốt đẹp với “thánh chiến Hồi giáo”.
Chính từ các phân tích này, Klein đã đi đến nhận định rằng Iran hoàn toàn có thể thế chân Arab Saudi để trở thành đồng minh của Mỹ ở Trung Đông.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Expert, tờ báo chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thế giới, đặc biệt các tin tức liên quan tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Tờ báo được thành lập năm 1995.